Nước hoa hữu cơ: Khi mùi hương cũng theo xu hướng bền vững
Trong khi các mùi hương hiện nay hầu hết đều được sản xuất từ chất liệu nhân tạo, thì nước hoa thuở sơ khai ban đầu vốn dĩ được sinh ra từ hỗn hợp tinh chất của cây cỏ, động vật và các loại dầu…
Tổ chức bảo vệ môi trường Environmental Working Group (EWG) từng đã có một báo cáo cụ thể vào năm 2010 mang tên “Not so sexy” về danh sách các chai nước hoa và những loại hóa chất được sử dụng làm nước hoa có khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe. Trong bản báo cáo của EWG có ghi: “Một bông hồng chỉ là một bông hồng. Nhưng mùi hương hoa hồng có trong nước hoa của bạn có thể là một thứ gì đó nằm trong 3.100 loại hóa chất đang được sử dụng trong ngành sản xuất nước hoa”.
Vì luật bảo mật công thức trong kinh doanh mà có rất nhiều thành phần không được ghi trên bao bì, EWG đã khám phá ra rằng 1 chai nước hoa có thể là sản phẩm của khoảng 91 loại hóa chất (trong đó có trung bình khoảng 14 loại được bảo mật thông tin).
Càng hướng đến xu hướng sống xanh và sạch, càng có nhiều người bắt đầu ý thức được nguy cơ làm hại sức khỏe tiềm ẩn trong các loại mỹ phẫm. Chính lúc này đây, công thức làm nước hoa cũng như mỹ phẩm của người cổ đại lại được tôn trọng hơn bao giờ hết. Nước hoa hữu cơ, son organic, kem dưỡng da organic, kem chống nắng organic… - các sản phẩm hoàn toàn không chứa hóa chất độc hại cho sức khỏe con người - đang ngày một trở nên thông dụng.
Không chỉ đơn giản là sử dụng các nguyên liệu thực vật, hoa lá hay tinh dầu nào đó kết hợp “tươi” là xong, ngay từ quá trình trồng trọt và thu hoạch nguyên liệu cũng đã xanh hoá các giai đoạn, được trồng với quy trình "sạch hoàn toàn". Các chất thu được sau đó được xử lý khép kín và đương nhiên sẽ không cho thêm bất kì loại hoá chất nào, kể cả chất bảo quản hay tạo màu và mùi, mà đem đi tinh luyện để thu về tinh chất đậm đặc. Sau nhiều giai đoạn chưng cất công phu, tinh chất ban đầu sẽ được lọc để cho ra một tầng tinh chất lỏng hơn và đó là tầng mùi thơm được dùng trong các lọ nước hoa hữu cơ.
Mới đây, khi Guerlain tuyên bố ra mắt một hương nước hoa mới cho dòng Aqua Allegoria, gọi là Nerolia Vetiver, sự mới mẻ không chỉ nằm ở mùi hương nước hoa. Mà nó còn nằm ở nguyên liệu làm nên chai nước hoa này, cũng như vỏ bao bì sản phẩm. Đầu tiên, toàn bộ các chai nước hoa trong dòng Guerlain Aqua Allegoria sẽ chỉ sử dụng cồn chiết xuất từ củ dền theo phương pháp trồng trọt hữu cơ. Song song, công thức được tái thiết kế để sử dụng lên đến 95% nguyên liệu gốc thiên nhiên. Đây là các bước phát triển của Guerlain nhằm tăng cường tính bền vững trong ngành công nghiệp nước hoa.
Việc nuôi trồng các nguyên liệu hữu cơ đã trở thành một xu hướng phát triển lớn của ngành mỹ phẩm và làm đẹp, khi ngày càng nhiều khách hàng đòi hỏi nguồn nguyên liệu thiên nhiên không hóa chất độc hại. Cho dòng Aqua Allegoria, Guerlain lần đầu tiên có một dòng nước hoa được làm từ cồn có xuất xứ hữu cơ. Cồn được sản xuất ở Chartres, Pháp, tinh luyện từ củ dền thu hoạch bằng hình thức thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, các nguồn nguyên liệu khác của Guerlain cũng sẽ được lấy từ các nông trại hữu cơ, không dùng hóa chất tác động xấu đến sự đa dạng sinh học xung quanh.
Song song với việc cải thiện công thức cho dòng Aqua Allegoria với cồn hữu cơ, Guerlain cũng cập nhật bao bì hình con ong (Bee Bottle) của mình. Chai nước hoa biểu tượng 170 năm tuổi của thương hiệu nay sử dụng thủy tinh SEVA3, chứa 15% thành phần tái chế. Nắp chai bây giờ có thể được mở ra để châm thêm nước hoa (refill). Theo ước tính của Guerlain, việc châm thêm nước hoa sau khi hết sẽ giảm việc sản xuất thủy tinh mới 24% và giảm sử dụng nhựa 44%.
Nhìn chung, vẫn còn rất nhiều điều mà ngành chế tác nước hoa và mỹ phẩm có thể làm để giúp giảm thiểu việc ảnh hưởng xấu đến môi trường. “Cách đây nhiều năm, việc phát triển bền vững là điều chẳng ai để tâm đến. Nay, ít nhất chúng ta có nhiều phát minh mới. Quan trọng nhất là phải minh bạch,” bà Cécile Lochard, giám đốc mảng phát triển bền vững của Guerlain, nhận định.
Có thể nói, xu hướng Organic hiện đang được “phủ sóng” hàng loạt trên các lĩnh vực, trong nhiều khía cạnh của đời sống từ chế độ ăn uống, dinh dưỡng, sức khỏe, chế độ tập luyện đến quy trình làm đẹp. Mỹ phẩm hữu cơ đạt chuẩn không đơn thuần là ”xanh” mà còn phải ”sạch”. Các thành phần trong một sản phẩm hữu cơ phải được kiểm định nghiêm ngặt về độ tinh khiết. Để đạt chứng nhận hữu cơ, các thành phần phải có nguồn gốc từ thiên nhiên, tuyệt đối không được chứa thuốc trừ sâu, phân bón hoá học, chế phẩm từ dầu hỏa, không phải thực vật biến đổi gen (non – GMO).
Theo báo cáo của Soil Association từ Anh, lĩnh vực mỹ phẩm, chăm sóc da, nước hoa hữu cơ hiện là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất trong thị trường hữu cơ với doanh số tăng 24% mỗi năm.