Nvidia hợp tác Foxconn xây dựng "nhà máy AI"
Foxconn cho biết công ty có kế hoạch xây dựng các nhà máy dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI) với công nghệ từ gã khổng lồ chip Nvidia của Mỹ, như một phần nỗ lực trở thành tập đoàn toàn cầu lớn trong lĩnh vực sản xuất ô tô điện…
Chủ tịch Foxconn Young Liu và Giám đốc điều hành Nvidia Jensen Huang đã cùng công bố động thái trên trong sự kiện tại Đài Bắc vào ngày 18/10. Bộ đôi cho biết các cơ sở mới sử dụng chip và phần mềm của Nvidia sẽ cho phép Foxconn áp dụng AI tốt hơn vào quá trình sản xuất xe điện (EV) của hãng.
"Chúng ta đang bắt đầu cuộc cách mạng điện toán", Giám đốc Huang khẳng định. "Đây là sự khởi đầu của một phương pháp tạo ra phần mềm hoàn toàn mới - sử dụng máy tính để viết phần mềm mà không một kỹ sư con người nào có thể đảm nhận được".
BƯỚC CHUYỂN MÌNH ĐỘT PHÁ
Hệ thống siêu máy tính được hỗ trợ bởi chip tiên tiến có thể phát triển nền tảng phần mềm cho các mẫu EV thế hệ mới bằng cách học hỏi từ tương tác hàng ngày, hãng tuyên bố.
"Foxconn đang chuyển đổi từ công ty dịch vụ sản xuất thành công ty giải pháp nền tảng", Chủ tịch Liu chia sẻ. "Trong ba năm ngắn ngủi, Foxconn đã cho ra mắt một loạt các mẫu sedan cao cấp, crossover chở khách, SUV, bán tải nhỏ gọn, xe buýt thương mại và xe tải thương mại".
Được biết đến nhiều nhất với tư cách là nhà lắp ráp iPhone của Apple, Foxconn dự tính triển khai mô hình kinh doanh tương tự cho lĩnh vực xe điện. Công ty sẽ không tập trung vào những chiếc xe dưới thương hiệu riêng, thay vào đó, lắp ráp kết cấu xe cho khách hàng doanh nghiệp ở Đài Loan và trên toàn thế giới.
Vào năm 2021, Foxconn lần đầu tiên tiết lộ ba mẫu EV, bao gồm hai xe khách và một xe buýt. Tiếp theo là các mẫu xe bổ sung vào năm ngoái và hai mẫu mới - Model N, mẫu xe tải chở hàng và Model B, chiếc SUV nhỏ gọn - được ra mắt ngay trong Ngày hội Công nghệ thường niên của công ty vừa qua.
Xe buýt điện của hãng bắt đầu chạy trên đường phố Cao Hùng, miền nam Đài Loan vào năm ngoái, trong khi mẫu xe điện đầu tiên của hãng, được bán dưới thương hiệu N7 của nhà sản xuất ô tô Đài Loan Luxgen, dự kiến sẽ bắt đầu giao hàng từ tháng 1/2024.
Rõ ràng, Foxconn đã bước chân vào một ngành công nghiệp cạnh tranh.
Doanh số bán xe điện toàn cầu của gã khổng lồ công nghệ, bao gồm cả xe chạy hoàn toàn bằng pin và xe hybrid, đã vượt quá 10 triệu chiếc vào năm ngoái, tăng 55% so với năm 2021, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế. Dự kiến, gần 14 triệu ô tô điện từ Foxconn sẽ được “xuất xưởng” tính đến hết năm 2023.
VƯỢT RA KHỎI CÁI BÓNG CỦA APPLE
Foxconn, tên chính thức là Tập đoàn Công nghệ Hon Hai, đã mở rộng kinh doanh bằng cách tham gia vào một số ngành công nghiệp mới như EV, y tế kỹ thuật số và robot.
Rất nhiều nhà phân tích nhận định sự gia nhập của hãng vào thị trường EV là một "chiến lược đa dạng hóa hợp lý".
Điện thoại thông minh đã là "một thị trường bão hòa và không còn nhiều khía cạnh để phát triển. Ngành công nghiệp này đang trở nên nhỏ bé hơn", bà Kylie Huang, nhà phân tích thuộc Daiwa có trụ sở tại Đài Bắc, cho biết. "Nếu công ty thực sự có thể khai thác kinh doanh EV, tôi nghĩ rằng hãng sẽ mở rộng mạnh mẽ tầm ảnh hưởng trong vài năm tới".
Trong Ngày hội Công nghệ năm ngoái, Chủ tịch Foxconn nói với phóng viên rằng công ty hy vọng sẽ sản xuất đạt mức 5% ô tô điện trên thế giới vào năm 2025, nhằm mục đích cuối cùng cung cấp tới 40% - 45% EV trên toàn thế giới.
Nhưng bước khởi đầu của hãng vào ngành công nghiệp này không hoàn toàn suôn sẻ.
Năm ngoái, Foxconn mua một nhà máy từ Lordstown Motors ở Ohio, nơi từng sản xuất nhiều mẫu ô tô con cho General Motors. Tuy nhiên, thương vụ đã kết thúc vào tháng Sáu năm nay, bằng việc nhà sản xuất xe hơi Mỹ nộp đơn xin phá sản và tuyên bố đâm đơn kiện chống lại Foxconn.
Lordstown Motors cáo buộc Foxconn "gian lận" và không thực hiện lời hứa đầu tư, trong khi Foxconn phản bác rằng vụ kiện "không có giá trị" cũng như chỉ trích đối tác vì đã đưa ra "bình luận sai lệch và tấn công độc hại".
SỰ CHUẨN BỊ KỸ CÀNG
Mặt khác, rõ ràng Foxconn đang “phô trương” tham vọng mở rộng quy mô, bao gồm động thái thuê hai Giám đốc Chiến lược hoàn toàn mới cho mảng kinh doanh EV và chip.
Ông Chiang Shang-yi là một “chiến binh” kỳ cựu trong ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan, người đã giúp TSMC trở thành đại gia bán dẫn toàn cầu, trong khi ông Jun Seki, cựu Phó Giám đốc Điều hành tại Nissan Motor, sẽ lãnh đạo mảng kinh doanh EV.
Vào tháng 5, Foxconn đã công bố quan hệ đối tác mới với Infineon Technologies, một công ty Đức chuyên về chip bán dẫn ô tô, nhằm thành lập trung tâm nghiên cứu mới tại Đài Loan.
Ông Bill Russo, nhà sáng lập tổ chức tư vấn Automobility đặt trụ sở tại Thượng Hải, nhận xét Foxconn có nhiều lợi thế đến từ nền tảng điện tử tiêu dùng, điều này cho phép hãng đưa ra nhiều sản phẩm EV sáng tạo hơn so với các nhà sản xuất ô tô truyền thống.
"Vấn đề lớn nhất đối với các nhà sản xuất ô tô truyền thống là họ có quá nhiều khoản đầu tư chìm vào nền tảng chuyển giao, đến nỗi họ thường bắt đầu khai thác mảng xe điện với một bộ công nghệ đi kèm rất hạn chế", ông nói. "Những công nghệ đó có thể gây cản trở đối với cách công ty lên ý tưởng về phương tiện".
"Khi Tesla bắt đầu, công ty hùng hồn tuyên bố, ‘chúng tôi thách thức tất cả, chúng tôi sẽ thay đổi hoàn toàn kiến trúc cơ bản của một chiếc xe hơi và đơn giản hóa mọi thứ’", ông nói thêm. "Tôi nghĩ đó là lợi thế mà các công ty công nghệ đang sở hữu... Và tôi nghĩ đó là hướng đi Foxconn sẽ thực hiện trong tương lai".