Omicron đã phủ “màu xám” lên mùa du lịch Giáng sinh
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể Omicron đã xuất hiện ở 89 quốc gia. Đồng thời số trường hợp liên quan đến biến thể này tăng gấp đôi cứ sau 1,5 đến 3 ngày ở những nơi có sự lây truyền trong cộng đồng…
Dường như đã quá muộn để thế giới tìm cách ngăn chặn Omicron. Lợi thế tăng trưởng đáng kể khiến Omicron có khả năng sớm vượt qua Delta để trở thành biến chủng chiếm ưu thế toàn cầu. Hy vọng tận hưởng một mùa Giáng sinh náo nhiệt trên khắp các châu lục một lần nữa tiêu tan, khi các nước tăng cường biện pháp hạn chế đi lại để ngăn Omicron.
THAY VÌ ĐI DU LỊCH, XẾP HÀNG ĐỂ TIÊM MŨI TĂNG CƯỜNG
Mùa Giáng sinh và cuối năm luôn được coi là “mùa vàng” của ngành du lịch với những chuyến đi dài, chi tiêu mua sắm lớn và không khí nhộn nhịp tiệc tùng ở mọi nơi. Nhưng tại châu Âu năm nay, do biến thể Omicron, không khí nhiều nơi trở nên trầm lắng. Thay vì đi mua sắm, người dân đang xếp hàng để tiêm mũi vaccine Covid-19 bổ sung.
Hà Lan đã bắt đầu giãn cách xã hội từ ngày 19/12. Trước đó một ngày, thủ đô Paris của Pháp thông báo hủy màn bắn pháo hoa truyền thống mừng năm mới vì lo ngại dịch bệnh. Trong khi đó, một số Chính phủ châu Âu khác đang xem xét các biện pháp hạn chế bổ sung vào thời điểm cuối năm, khi mà các doanh nghiệp kỳ vọng người dân chi tiêu nhiều hơn bình thường cho mua sắm, giải trí và du lịch.
Tại Đan Mạch, Nữ hoàng Margrethe đã quyết định hủy nhiều buổi chiêu đãi mừng năm mới theo truyền thống do lo ngại sự gia tăng của các ca nhiễm Covid-19. Cộng hòa Ireland sẽ đóng cửa các nhà hàng và quán bar kể từ 20h hàng ngày. Trong khi đó, tại Anh, các đơn vị cho thuê sảnh tiệc Giáng sinh, khách sạn đang rất khó xử vì nhiều người hủy hợp đồng do lo ngại về biến thể Omicron khiến họ có nguy cơ gặp khó khăn tài chính.
Tương tự tại Australia, nhu cầu đi lại giữa các bang để đoàn tụ gia đình đang ở mức cao điểm trước thềm Giáng sinh. Nhưng thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm thường kéo dài 3 ngày, nên nhiều người dân Australia đang hoang mang lo lắng kế hoạch du lịch Giáng sinh của mình sẽ bị "đổ bể" vì "mối đe dọa" biến chủng Omicron. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhiều gia đình sẽ lại phải đón Giáng sinh trong nhà một cách biệt lập, không thể gặp người thân.
Tại Mỹ, Cố vấn y tế Nhà Trắng, Tiến sĩ Anthony Fauci kêu gọi, những người đi du lịch, đến thăm người thân dịp nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới nên tiêm mũi vaccine tăng cường và luôn đeo khẩu trang ở những nơi công cộng đông người. Ông Fauci cho biết, biến thể Omicron đang "hoành hành trên khắp thế giới" và việc đi du lịch sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm ngay cả ở những người đã được tiêm chủng đầy đủ.
Theo Đài CTV Toronto của Canada, các chuyên gia y tế ở nước này hiện đang kêu gọi người dân hủy các kế hoạch du lịch. Nhiều người cũng chia sẻ trên mạng xã hội rằng vì lý do an toàn, họ đã hủy vé máy bay nhân dịp Giáng sinh. Thị trưởng thành phố Rio de Janeiro của Brazil cũng quyết định hủy sự kiện đón năm mới tại đây sau khi Brazil xác nhận có ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên.
ĐÔNG NAM Á: CHỜ VÀ THEO DÕI
Trong khi đó, tại các nước Đông Nam Á, cuộc sống ở nhiều nước đã trở lại nhịp điệu bình thường. Các chính sách mở cửa biên giới, bong bóng du lịch cũng như hộ chiếu vaccine đã được đưa ra nhưng hàng triệu du khách vẫn vắng mặt, lấy đi nguồn thu nhập chính của những quốc gia chuyên về du lịch này. Khi biến thể Omicron xuất hiện, mùa du lịch cuối năm đang từ dạt dào hy vọng chuyển sang một màu xám ảm đạm.
Thái Lan là nước đi đầu trong cuộc chạy đua giữa các quốc gia Đông Nam Á để mở cửa cho du lịch nước ngoài. Nước này gần như hoàn toàn mở cửa biên giới tính đến ngày 1/11, nhưng cũng đã phải cân nhắc tái áp đặt cách ly bắt buộc với du khách quốc tế khi ghi nhận một ca dương tính với biến chủng Omicron đầu tiên trong cộng đồng hôm 20/12. Hiện tại, Thái Lan yêu cầu du khách phải ngủ ít nhất 1 đêm tại khách sạn cách ly để chờ kết quả xét nghiệm.
Để hạn chế rủi ro lây nhiễm biến chủng Omicron, giới chức Malaysia cũng đã cấm hàng loạt các cuộc tụ tập mừng năm mới. Những người tham dự các bữa tiệc cá nhân đón Giáng sinh cùng năm mới sẽ phải tự xét nghiệm Covid-19, Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết. Nước này đã tạm thời cấm du khách nước ngoài từ 8 quốc gia ở miền Nam châu Phi nhập cảnh và chỉ định 9 quốc gia khác "có nguy cơ cao", bao gồm Anh, Mỹ, Australia và Ấn Độ. Tất cả người đến từ các quốc gia này phải trải qua cách ly bắt buộc và được gắn thiết bị theo dõi kỹ thuật số, bất kể tình trạng tiêm chủng.
Tại Indonesia, Tổng thống Joko Widodo đã kêu gọi người dân kiềm chế đi du lịch nước ngoài sau khi ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên được phát hiện ở quốc gia Đông Nam Á này. Ông cũng yêu cầu các quan chức nhà nước không đi du lịch các nước khác, ít nhất là cho đến khi tình hình lắng xuống. Indonesia đã nâng yêu cầu cách ly từ 3 ngày lên 10 ngày đối với khách du lịch.
Singapore - quốc gia có 27 hành lang du lịch - thông báo sẽ đóng băng kế hoạch mở hành lang với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Qatar và Saudi Arabia. Singapore cũng siết chặt các quy định nhập cảnh, trong đó có yêu cầu xét nghiệm PCR trước khi khởi hành và sau khi hạ cánh. Các quy định mới cũng sẽ yêu cầu người nhập cảnh phải xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại các trung tâm được chỉ định vào ngày thứ ba và thứ bảy sau khi đến.
“Các quốc gia đang ở trong trạng thái chờ và xem. Quốc gia nào đã mở cửa biên giới vẫn sẽ duy trì mở cửa, song tăng cường xét nghiệm sàng lọc người nhập cảnh,” ông Peter Mumford, chuyên gia tư vấn về rủi ro tại Eurasia Group nhận xét. Tỷ lệ tiêm chủng không đồng đều trong khu vực hiện nay chính là lý do khiến “giấc mơ” Covid-19 chuyển thành bệnh đặc hữu càng nên xa xôi. Hiện chỉ có một phần ba hoặc khoảng 180 triệu người Indonesia đã tiêm chủng đầy đủ. Ở Thái Lan, con số đó là 60%.
Nỗi lo ngại về biến chủng Omicron cũng lan tới Lapland, Phần Lan, quê hương của ông già Noel. Ban quản lý Công viên chủ đề Santa Park cho biết, việc phát hiện ra biến thể mới đã gây ra tình trạng hủy chuyến tăng cao và những hạn chế về đi lại nghiêm ngặt tương đương với mùa Giáng sinh năm ngoái.