Omicron tiếp tục lây lan, toàn cầu có 400 triệu ca nhiễm Covid-19
Theo thống kê của Reuters, tính tới ngày 9/2, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã vượt 400 triệu người trong bối cảnh biến chủng Omicron dễ lây lan đang chiếm chủ đạo, đẩy hệ thống y tế của một số quốc gia đến bờ vực sụp đổ...
Biến chủng Omicron hiện chiếm gần như toàn bộ số ca nhiễm mới hàng ngày trên thế giới. Dù số ca mắc mới tại nhiều quốc gia đang có xu hướng giảm, bình quân thế giới vẫn ghi nhận hơn 2 triệu ca mỗi ngày, theo phân tích của Reuters.
Trong khi đó, số ca tử vong tăng 70% trong 5 tuần qua, theo thống kê dựa trên số liệu bình quân 7 ngày. Tuy nhiên, số ca tử vong tăng chậm hơn so với mức tăng ca nhiễm mới.
Các bằng chứng sơ bộ từ một số nước cho thấy Omicron gây ra triệu chứng nhẹ hơn so với các biến chủng trước đó. Tuy nhiên, số ca nhiễm lớn cũng có thể tạo gánh nặng cho hệ thống y tế trên toàn cầu.
Thống kê từ Reuters cho thấy, thời gian để số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu tăng từ 300 triệu lên 400 triệu là một tháng, trong khi phải mất tới 5 tháng để tăng từ 200 triệu lên 300 triệu. Trên toàn cầu, đại dịch đã cướp đi hơn 6 triệu sinh mạng.
5 quốc gia ghi nhận số ca nhiễm nhiều nhất trong 7 ngày qua là Mỹ, Pháp, Đức, Nga và Brazil – chiếm gần 37% tổng số ca mắc mới trên toàn cầu.
Mỹ tiếp tục dẫn đầu thế giới với nhiều ca mắc mới nhất. Cứ mỗi 3 ngày, nước này lại ghi nhận thêm 1 triệu ca mới. Dù vậy, số ca nhiễm và nhập viện tại Mỹ đang có xu hướng giảm so với mức đỉnh hồi tháng 1. Tính tới ngày 4/2, Mỹ có hơn 900.000 ca tử vong liên quan tới Covid.
Tại Pháp, bình quân 7 ngày qua mỗi ngày có hơn 210.000 ca nhiễm mới. Theo đó, cứ 5 ngày, nước này lại có thêm 1 triệu ca mới. Tính chung kể từ khi đại dịch bùng phát, Pháp ghi nhận hơn 20 triệu ca nhiễm.
Hiện tại, khoảng 50% các ca nhiễm mới trên toàn cầu đến từ các nước châu Âu với 21 quốc gia vẫn đang nằm ở đỉnh của đường cong lây nhiễm. Tính từ đầu dịch, khu vực này ghi nhận hơn 131 triệu ca mắc và hơn 2 triệu ca tử vong liên quan tới Covid.
Mặc dù châu Âu có hàng triệu ca mắc mới mỗi ngày, nhiều quốc gia tại khu vực này đang dần nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch khi mà số ca nhiễm trong nước có xu hướng giảm.
Tây Ban Nha đã bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại không gian ngoài trời, khôi phục nhiều hoạt động kinh tế - xã hội trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh tại nước này đang giảm dần. Đầu tuần này, Hy Lạp đã bắt đầu cho phép du khác có chứng chỉ tiêm chủng châu Âu nhập cảnh mà không cần xuất trình kết quả xét nghiệm Covid âm tính.
Trong khi đó, Thuỵ Điển ngày 9/2 dỡ bỏ gần như toàn bộ các hạn chế vốn dĩ đã ít ỏi mà nước này áp dụng trước đó để chống Covid-19, đồng thời dừng hầu hết việc xét nghiệm, cho dù sức ép đối với hệ thống y tế vẫn ở mức cao và các nhà khoa học kêu gọi tiếp tục kiên nhẫn trong cuộc chiến chống đại dịch.
Tại châu Á, ngày 4/2, Ấn Độ ghi nhận số ca tử vong vượt 500.000 – mức mà nhiều chuyên gia y tế cho rằng đã chạm mốc vào năm ngoái nhưng lại không được ghi nhận do các cuộc khảo sát thiếu chính xác và các ca bệnh không thống kê được. Theo một nghiên cứu của tạp chí Science dựa trên 3 cơ sở dữ liệu khác nhau, ước tính đã có khoảng 3 triệu người tại Ấn Độ tử vong vì Covid-19 tính tới giữa năm 2021.
Dạng phổ biến nhất của biến chủng Omicron, BA.1, hiện chiếm khoảng 98,8% các mẫu bệnh phẩm được giải trình tự gửi lên cơ sở dữ liệu theo dõi virus công khai GISAID tính tới ngày 25/1. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới, gần đây nhiều quốc gia đã ghi nhận số ca nhiễm BA.2 - biến chủng phụ của BA.1 - gia tăng.
Hiện tại, gần 62% dân số toàn cầu đã tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm ít nhất một liều tại các nước thu nhập thấp chỉ là khoảng 11%, theo dữ liệu từ Our World in Data.