Ông Biden: “Biến chủng Delta đặc biệt nguy hiểm đối với người trẻ”
“Đây là một biến chủng rất dễ lây, có thể có khả năng gây tử vong cao hơn, và đặc biệt nguy hiểm đối với người trẻ”, Tổng thống Mỹ nói về biến chủng Delta phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ...
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 18/6 tiếp tục kêu gọi người dân Mỹ đi tiêm phòng Covid-19 sớm nhất có thể, cảnh báo rằng biến chủng Delta phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ có vẻ “đặc biệt nguy hiểm” đối với những người trẻ tuổi.
“Số liệu đã cho thấy rõ ràng: nếu bạn không tiêm vaccine, bạn có nguy cơ bị ốm nặng, hoặc tử vong, hoặc lây bệnh cho người khác”, hãng tin CNBC dẫn lời ông Biden trong một cuộc họp báo từ Nhà Trắng.
Biến chủng Delta “sẽ khiến những người không thêm vaccine càng dễ tổn thương hơn so với chính họ ở thời điểm cách đây 1 tháng”, ông Biden nói thêm. “Đây là một biến chủng rất dễ lây, có thể có khả năng gây tử vong cao hơn, và đặc biệt nguy hiểm đối với người trẻ”.
Nhà lãnh đạo cũng nói cách tốt nhất để người trẻ có thể bảo vệ chính mình là đi tiêm vaccine đầy đủ. “Nếu bạn đã tiêm 1 mũi, thì làm ơn hãy tiêm mũi thứ hai ngay khi có thể”, ông nói.
Phát biểu trên được ông Biden đưa ra trong bối cảnh mục tiêu mới nhất của chính quyền ông trong chiến dịch tiêm chủng Covid – là đạt tỷ lệ 70% dân số trưởng thành được tiêm vào ngày quốc khánh 4/7 – có thể không hoàn thành, bởi tiến độ tiêm đang chậm lại.
Trước đó cùng ngày 18/6, Giám đốc khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiến sỹ Soumya Swaminathan, nói rằng biến chủng Delta đang trở thành biến chủng chính của Covid-19 trên phạm vi toàn cầu, bởi biến chủng này “có khả năng lây nhiễm tăng mạnh”.
Các nghiên cứu cho thấy biến chủng Delta có mức độ lây nhiễm cao hơn khoảng 60% so với Alpha - biến chủng được phát hiện lần đầu ở Anh. Bản thân biến chủng Alpha cũng lây nhanh hơn biến chủng gốc của Covid phát hiện lần đầu ở Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa bệnh dịch (CDC) Mỹ, tiến sỹ Rochelle Walensky ngày 18/6 cũng đưa ra dự báo rằng Delta đang trên đà trở thành biến chủng phổ biến nhất ở Mỹ và kêu gọi người dân đi tiêm phòng đầy đủ. Theo dữ liệu từ CDC, biến chủng Delta hiện đang chiếm 10% tổng số ca nhiễm mới ở Mỹ, từ mức 6% trong tuần trước.
“Biến chủng này có khả năng lân lan cực cao, nhưng các vaccine của chúng ta cũng có tác dụng”, bà Walensky nói trên kênh truyền hình ABC. “Nếu tiêm phòng, bạn sẽ được bảo vệ khỏi biến chủng Delta”.
Các chuyên gia y tế nói rằng biến chủng Delta đặc biệt đáng lo ngại đối với những người trẻ, trong đó có nhiều người chưa tiêm phòng Covid. Các nhà khoa học chưa kết luận được việc biến chủng này có gây triệu chứng nghiêm trọng hơn hay không, nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy Delta có thể gây ra những triệu chứng khác so với những biến chủng trước.
Theo giới chức Mỹ, trong khi virus tiếp tục đột biến, nước này cần nâng cao hơn nữa tỷ lệ người dân tiêm phòng.
Tại Anh, số ca nhiễm mới Covid-19 vẫn bùng mạnh dù đã có 42,5 triệu người, tương đương khoảng 80% dân số trưởng thành ở nước này, được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, trong đó 30,9 triệu người tiêm đủ 2 mũi. Ngày 18/6, Anh ghi nhận 10.476 ca nhiễm mới và 11 ca tử vong vì Covid.
Biến chủng Delta đang chiếm phần lớn các ca nhiễm mới ở Anh, đặc biệt ở những người trẻ và những người chưa tiêm vaccine. Giám đốc Y tế của Chính phủ Anh, ông Chris Whitty, cảnh báo rằng sau làn sóng Covid này có thể sẽ là một làn sóng dịch bệnh tồi tệ nữa trong mùa đông năm nay.
Cũng theo ông Whitty, có thể phải 5 năm nữa thế giới mới tạo ra được những loại vaccine Covid có khả năng chống lại các biến chủng khác nhau. Trong thời gian từ nay đến lúc đó, các chương trình tiêm chủng mới và tiêm nhắc lại là cần thiết cho cuộc chiến chống lại đại dịch này.
Tại Mỹ, tính đến ngày thứ Sáu, đã có hơn 176 triệu người Mỹ, tương đương 53,1% dân số, đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine – theo dữ liệu của CDC Mỹ. Trong đó, hơn 148 triệu người đã được tiêm đầy đủ.
Các bang Mỹ đang triển khai nhiều chương trình khuyến khích người dân tiêm vaccine, từ phát phiếu uống bia miễn phí cho tới vé xổ số với giải thưởng lên tới 1 triệu USD.