Ông lớn công nghệ Facebook, Google và Amazon cố gắng “vượt bão” bằng cách trở thành … startup

Hoàng Hà
Chia sẻ

Các "big tech" vốn là những công ty đã tạo ra một số đổi mới công nghệ lớn nhất nhưng giờ đây lại thất bại trong việc đưa tinh thần khởi nghiệp đó vào kỷ nguyên tiếp theo...

Các công ty công nghệ đang cố gắng hết sức để gợi lại những ngày xưa tươi đẹp khi họ còn là những công ty khởi nghiệp. Google thậm chí đã mời những người sáng lập trở lại.
Các công ty công nghệ đang cố gắng hết sức để gợi lại những ngày xưa tươi đẹp khi họ còn là những công ty khởi nghiệp. Google thậm chí đã mời những người sáng lập trở lại.

Làn sóng sa thải nhân sự đã và đang diễn ra rầm rộ trong ngành công nghiệp công nghệ tại Mỹ, nơi có những “big tech” hào nhoáng như Facebook, Google và Amazon. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sa thải, trong đó có cả việc tuyển dụng ồ ạt trước đó cũng như quy mô to lớn, cồng kềnh khiến các công ty không còn sự linh hoạt, nhanh nhẹn của một startup như trước. Vì thế, các big tech đang muốn vực lại tinh thần khởi nghiệp, nhưng lại gặp không ít rào cản.

NHỮNG NGƯỜI KHỔNG LỒ MUỐN QUAY VỀ THỜI KHỞI NGHIỆP

Meta hay Facebook đã yêu cầu nhân viên làm việc chăm chỉ hơn, với “cường độ cao hơn” như những ngày đầu khởi nghiệp. Nhưng yêu cầu này gặp phải làn sóng phản đối. Một số nhân viên cho rằng họ đang làm việc chăm chỉ rồi. Những người khác cảm thấy vấn đề không phải ở họ mà là ở quy mô khổng lồ của công ty cũng như cơ cấu quan liêu của một tập đoàn lớn. Một số bộ phận khác đơn giản là không muốn làm nhiều việc hơn vì thu nhập không cải thiện, do nhiều nhân viên Meta làm việc và được trả bằng cổ phiếu của công ty, vốn bị giảm nhanh chóng trong năm qua, nên họ thực sự sẽ làm nhiều hơn mà thu nhập thấp hơn.

Chủ đề đáng nói ở đây là liệu một gã khổng lồ công nghệ có thể hành xử như một công ty khởi nghiệp hay không? Tất nhiên, các công ty công nghệ lớn như Meta từng là startup - nhỏ gọn và nhanh nhẹn, đặc biệt là đang tạo ra những sản phẩm có khả năng sinh lời vô hạn. 

Nhưng Meta, Alphabet và Amazon hiện đang là những công ty lớn và có lợi nhuận cao, chứ không phải là những startup nhỏ bé và sơ sài. Meta, trước đây gọi là Facebook, đã đủ tuổi để bỏ phiếu. Alphabet, trước đây là Google, đang ở giữa độ tuổi 20 và Amazon sẽ sớm bước vào thập kỷ hoạt động thứ tư. 

Ban lãnh đạo tại ba công ty này hiện đang cố gắng hết sức để gợi lại những ngày xưa tốt đẹp. Sundar Pichai, Giám đốc điều hành của cả Alphabet và Google, đang cố gắng nhắc nhở mọi người rằng Google từng là một công ty “nhỏ bé”, và rằng làm việc chăm chỉ và vui vẻ “không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với tiền bạc”. Giám đốc điều hành Amazon Andy Jassy đã nói với các nhân viên của Amazon rằng hãy “sáng tạo, tháo vát và linh hoạt hơn nữa”.

Hiện tại, việc sa thải có vẻ là đợt điều chỉnh lớn nhất ở Thung lũng Silicon, giúp các big tech tiết kiệm chi phí. Sa thải hàng nghìn nhân viên có thể là một hình thức “điều chỉnh quy mô phù hợp” đối với các công ty này, do đã tuyển dụng quá nhiều trong thời kỳ đại dịch. Nhưng mặt khác, yêu cầu những nhân viên còn lại phải làm việc chăm chỉ, làm nhiều việc hơn với nguồn thu nhập nguồn lực hơn có thể làm mất tinh thần và khiến một số nhân viên giỏi nhất ra đi.

Drew Pascarella, giảng viên tài chính cao cấp tại Trường Kinh doanh Cornell, cho rằng “Các big tech đang gợi lại quá khứ thú vị và tuyệt vời của tinh thần khởi nghiệp, làm việc cho ngành công nghệ. Thông điệp quay trở lại tinh thần khởi nghiệp không phải là không có giá trị, ở một mức độ nào đó các công ty này vẫn đổi mới. Họ cũng có các phân khu vẫn được thiết kế hoạt động như các công ty khởi nghiệp”.

TINH THẦN KHỞI NGHIỆP CỦA CÁC BIG TECH ĐÃ MAI MỘT, NHIỀU DỰ ÁN “MOONSHOT” BỊ CẮT GIẢM

Bên cạnh sa thải nhân sự, những gã khổng lồ công nghệ đang cắt giảm các dự án R&D đầy tham vọng, vốn là điều làm nên bản sắc của họ, dù những dự án này thường không kiếm được nhiều tiền. Google bỏ qua dự án mạng nơ-ron mô hình hóa bộ não của ruồi, thậm chí sa thải một số nhân viên trong lĩnh vực AI, lĩnh vực mà công ty cho biết vẫn là lĩnh vực đầu tư “chính”. Amazon dường như đang thu hẹp quy mô phát triển của Alexa. Meta có lẽ là một điều kỳ lạ vì vẫn tiếp tục rót tiền vào metaverse, nhưng công ty đã loại bỏ các dự án lớn khác, chẳng hạn như phần cứng trò chuyện video Portal.

Tấm biển ngay ngoài trụ sở Meta, vốn là Facebook trước đây
Tấm biển ngay ngoài trụ sở Meta, vốn là Facebook trước đây

Tất cả những cắt giảm và sa thải này cho phép các công ty tiết kiệm tiền trong thời gian ngắn và thị trường chứng khoán đã phản ứng tích cực. Nhưng quá nhiều cắt giảm có khả năng gây nguy hiểm cho sự phát triển trong tương lai. Những thay đổi này cũng cho thấy điều khác biệt giữa một big tech với một startup - startup luôn ưu tiên tăng trưởng tiềm năng hơn lợi nhuận.

Nội bộ các big tech đang mâu thuẫn về cách các công ty cắt giảm những dự án moonshot, từ được dùng để miêu tả loại dự án công nghệ mà hiếm doanh nhân nào có đủ dũng cảm để đầu tư dù nó sở hữu tiềm năng đáng kể. Một số cho rằng những dự án đó chỉ là sự lãng phí thời gian và tiền bạc, một số lại nói rằng công ty không muốn đầu tư hoặc thậm chí xem xét các ý tưởng đột phá.

Google nổi tiếng với việc thử những điều mới bất ngờ. Một số nỗ lực này đã trở thành sản phẩm có lợi nhuận, chẳng hạn như Gmail, trong khi những nỗ lực khác đã giúp củng cố danh tiếng về sự đổi mới của Google. Loại bỏ những dự án moonshot đầy rủi ro này, Google cũng có thể bỏ lỡ cơ hội lớn tiếp theo. Ngoài ra, mối lo ngại đang dấy lên rằng có điều gì đó đã thay đổi ở Google, vì những năm gần đây rất ít dự án trong số này được triển khai. Có phải vì thế mà giờ đây ChatGPT, một công cụ đột phá đang được cả thế giới điên cuồng khám phá, không phải là sản phẩm của các big tech như Google, mà lại là sản phẩm của một startup mới thành lập OpenAI. Và Google giờ đây đang “lo sốt vó”, tập trung phát triển Bard, một sản phẩm được cho là sẽ cạnh tranh với ChatGPT.

Liệu các big tech có đánh mất dần vinh quang ngày xưa, họ vốn là công ty đã tạo ra một số đổi mới công nghệ lớn nhất trong thời đại nhưng lại thất bại trong việc đưa tinh thần đổi mới từ thời khởi nghiệp đó vào kỷ nguyên tiếp theo?

Một điều đáng lưu ý là các nhà phân tích đang cho rằng trong bối cảnh này, các công ty nên đầu tư vào các startup mới thành lập, với hy vọng những startup này sẽ dẫn đến tăng trưởng lớn, giống như cách làm của Microsoft vào ChatGPT; chứ không phải cố gắng quay trở lại tinh thần khởi nghiệp của ngày xưa như Meta, Alphabet và Amazon đang làm.

Cựu giám đốc nhân sự của Google cho rằng các công ty công nghệ này, hiện là những tập đoàn lớn, không thể khơi lại tinh thần khởi nghiệp được nữa. Bởi vì, trong bối cảnh sa thải hàng loạt hiện nay, tất cả mọi người đều cảm thấy bấp bênh, cảm thấy mọi thứ có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Dù một công ty thu được lợi nhuận khổng lồ cũng có thể “về mo” sau một đêm thức dậy, khi có một startup với tinh thần làm việc hăng say, ra mắt một sản phẩm đột phá.

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con