Ống thép Việt có nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại tại Mỹ
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) nhận đơn kiện đề nghị điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với một số sản phẩm ống thép nhập khẩu từ Việt Nam. Theo quy định của Mỹ, trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận đơn, DOC sẽ ra quyết định khởi xướng vụ việc...
Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, các sản phẩm mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) nói đến là ống thép dạng vuông, chữ nhật và ống thép các-bon dạng tròn có đường hàn chủ yếu thuộc mã HS 7306.61 và 7306.30 nhập khẩu từ Việt Nam.
Nguyên đơn gồm các doanh nghiệp sản xuất ống thép lớn tại Hoa Kỳ như Nucor Corporation, Bull Moose Tube, Maruichi Steel Corporation...
Các doanh nghiệp này cáo buộc Việt Nam nhập khẩu thép cán nóng từ Trung Quốc và Hàn Quốc, là nguyên liệu chính để sản xuất ra ống thép, sau đó gia công, chế biến đơn giản thành ống thép và xuất sang Hoa Kỳ nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại tương ứng mà Hoa Kỳ đang áp dụng với Trung Quốc, Hàn Quốc.
Hoa Kỳ đã áp thuế chống bán phá giá ống thép dạng vuông, chữ nhật và ống thép carbon dạng tròn có đường hàn, nhập từ Trung Quốc với mức lần lượt là hơn 69-86% và 249-265%; áp thuế chống trợ cấp là 30-616% và 2,2- 201% từ năm 2008. Với Hàn Quốc, mức thuế chống bán phá giá ống thép carbon dạng tròn được Mỹ áp là 4,91-11,63% từ 1992.
Dữ liệu của Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) cho thấy, trong năm ngoái, tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm bị đề nghị điều tra của Việt Nam sang Mỹ khoảng 57,6 triệu USD.
Theo quy định của Hoa Kỳ, trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận đơn, DOC sẽ ra quyết định khởi xướng vụ việc.
Để chuẩn bị ứng phó với vụ việc, Cục Phòng vệ Thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam rà soát lại hoạt động xuất khẩu ống thép bị điều tra sang Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu, tìm hiểu quy định, trình tự thủ tục điều tra chống lẩn tránh thuế của Mỹ...
Bộ Công Thương cho rằng, đối với các ngành xuất khẩu của Việt Nam, việc bị nước ngoài điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp sẽ dẫn tới những tác động tiêu cực như ảnh hưởng đến ngành hàng liên quan và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu chân chính.
Đặc biệt, làm giảm uy tín hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam mà lâu dài còn tác động tiêu cực tới sức cạnh tranh của cả nền kinh tế nước ta nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia hàng loạt FTA có yêu cầu cao về xuất xứ.
Trong thời gian tới, Cục Phòng vệ Thương mại sẽ chủ động phối hợp với Hiệp hội Thép Việt Nam rà soát, làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan để tìm hiểu về tình hình sản xuất và xuất khẩu sang Hoa Kỳ, ngăn chặn các dấu hiệu, hành vi lẩn tránh (nếu có) để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp chân chính.