Giá thép toàn cầu giảm, doanh nghiệp thép Việt vẫn còn cơ hội tăng doanh số nhờ xuất khẩu sang Mỹ, EU
Mặc dù giá thép toàn cầu đang có xu hướng giảm, các công ty nghiêng về xuất khẩu vẫn có thể tăng doanh thu bằng cách xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và EU nhờ vào việc cắt giảm sản lượng thép ở Trung Quốc...
Từ cuối năm 2020 đến những tháng đầu năm 2021, giá thép trong nước liên tục tăng cao buộc các bộ, ngành phải vào cuộc để bình ổn, sau đó thị trường đã dần hạ nhiệt trong quý 2 quý 3 vừa qua. Những ngày gần đây, giá thép lại có xu hướng tăng nhưng vẫn còn nhiều lo ngại về lợi nhuận các doanh nghiệp ngành thép đã đạt đỉnh trong quý 3 và quay đầu giảm trong thời gian tới.
Thực tế cho thấy, giá bán không biến đổi trong quý 3 vừa qua đi kèm chi phí nhân công tăng do sản xuất tại chỗ đã gây ra sự phân hóa trong tỷ suất lợi nhuận gộp giữa các nhà sản xuất thép.
Theo dữ liệu từ Chứng khoán KIS, TIS là một trong số những công ty nổi bật nhất với lợi nhuận ròng quý 3 tăng gấp 24 lần, lợi nhuận ròng 9 tháng tăng 6 lần so với cùng kỳ. HPG ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ròng ở mức 173% đạt 10.3 nghìn tỷ, tăng 206% trong 9 tháng 2021. Tốc độ tăng trưởng ấn tượng lợi nhuận ròng trong 9 tháng đã giúp các công ty nhanh chóng hoàn thành kế hoạch năm. Các công ty hoàn thành ở mức 50-121% kế hoạch lợi nhuận, nhanh hơn so với 63-76% trong 9 tháng 2020.
Tuy vậy, trong quý 3, có sự sụt giảm tỷ suất lợi nhuận ròng ở hầu hết các công ty từ 14,8% quý 2/2021 còn 13,5% trong quý 3. Sự sụt giảm này là do sự sụt giảm tỷ suất lợi nhuận gộp 1,4 điểm phần trăm và sự gia tăng tỷ trọng chi phí trên doanh thu 0,5 điểm phần trăm.
Mức độ ảnh hưởng lên tỷ suất lợi nhuận gộp trong giai đoạn này phụ thuộc vào công nghệ sản xuất trong bối cảnh giá đầu vào biến động trong quý 3; địa điểm đặt nhà máy sản xuất và thị trường mục tiêu. Các công ty nằm trong khu vực giãn cách và tập trung vào thị trường nội địa có xu hướng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chi phí phát sinh do tổ chức lao động tại chỗ.
Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp bị tác động thấp hơn cho các nhà sản xuất sử dụng công nghệ BOF khi mà sự giảm giá của quặng sắt làm giảm áp lực tăng giá than luyện cốc. Trong quý 3, giá than luyện cốc FOB của Úc đã tăng 70% kể từ đầu quý, bởi sự thiếu hụt than ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Mặc khác, giá quặng đã giảm 43% khi mà Trung Quốc cắt giảm sản lượng thép vì mục tiêu môi trường. Chi phí vận chuyển đã tăng 54% kể từ đầu quý 3, trung bình tăng 145% và 33% so với quý liền kề dẫn đến sự gia tăng của tỷ trọng chi phí SG&A trên doanh thu.
Mặc dù giá thép toàn cầu đang có xu hướng giảm, các công ty nghiêng về xuất khẩu vẫn có thể tăng doanh thu bằng cách xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và EU nhờ vào việc cắt giảm sản lượng thép ở Trung Quốc. Việc cắt giảm được kì vọng ở mức đáng kể trong quý 4 do mục tiêu môi trường của chính phủ Trung Quốc. Các nhà sản xuất thép Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để mở rộng doanh số tại các thị trường Hoa Kỳ và EU, khi mà các nền kinh tế này tiếp tục phục hồi mạnh mẽ .
Dựa trên số liệu GSO và MOIT, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 10 tăng 140% so với cùng kỳ, sản lượng xuất khẩu tăng 34% cho thấy xuất khẩu sang Hoa Kỳ và EU có thể là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng trong quý 4.
Ngoài ra, Chứng khoán KIS cũng kỳ vọng sự hồi phục của thị trường nội địa sau khi chính sách giãn cách được nới lỏng và được hỗ trợ bởi mùa cao điểm xây dựng và gia tăng chi tiêu công. Nhiều khu vực xây dựng sẽ hoạt động trở lại sau giãn cách có thể góp phần vào bùng nổ nhu cầu trong quý 4 2021. GSO công bố tăng trưởng sản lượng thép ước ở mức 7.4% n/n trong tháng 10 và 6.2% trong tháng 9. Giá bán trong nước được kỳ vọng sẽ tăng do sự kết hợp của lượng cầu bị dồn nén sau giãn cách và cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài.
Tuy vậy, vẫn còn tồn tại rủi ro làm chậm sự phục hồi của thị trường nội địa khi mà số ca mắc Covid đang gia tăng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và phía Bắc.