Pfizer nói gì khi bị tố gây sức ép tiêm mũi tăng cường?
“Nếu đợi cho tới khi lây nhiễm đột phá lan rộng mới tìm giải pháp, thì mọi chuyện đã quá muộn mất rồi”, Giám đốc khoa học của Pfizer nói...
Nhà khoa học cấp cao nhất của Pfizer bác bỏ những chỉ trích cho rằng hãng dược phẩm này đang thúc ép quá mạnh mẽ việc tiêm nhắc lại đại trà vaccine Covid-19, đồng thời phủ nhận ý kiến cho rằng hãng lẽ ra phải phát triển một loại vaccine mạnh hơn để chống tình trạng lây nhiễm đột phá - những trường hợp vẫn mắc Covid dù đã tiêm đủ 2 mũi.
Trao đổi với tờ Financial Times, Giám đốc khoa học của Pfizer, ông Philip Dormitzer bảo vệ công ty trước những nhận định cho rằng Pfizer đang gây sức ép lên các nhà hoạch định chính sách để triển khai việc tiêm nhắc lại bằng vaccine của hãng trong khi chưa có sự đồng thuận của các nhà khoa học về sự cần thiết của mũi tiêm thứ ba.
“Công việc của chúng tôi là tạo ra công cụ cần thiết để giải quyết vấn đề sắp xảy đến”, ông nói. “Nếu đợi cho tới khi lây nhiễm đột phá lan rộng mới tìm giải pháp, thì mọi chuyện đã quá muộn mất rồi”.
“Điều quan trọng là phải chủ động, tích cực và đảm bảo rằng giải pháp đã được chuẩn bị sẵn sàng trước khi khủng hoảng xảy đến. Tôi nghĩ đó là điều đúng đắn”, ông Dormitzer phát biểu, và nói thêm rằng “quyết định triển khai giải pháp” là chuyện của các nhà hoạch định chính sách chứ không phải của Pfizer.
Pfizer gần đây hứng chịu sự chỉ trích nặng nề từ một số nhà khoa học và giới chức y tế toàn cầu khi hãng hối thúc các chính phủ triển khai việc tiêm nhắc lại. Tháng trước, Giám đốc khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng các dữ liệu hiện có “không cho thấy việc tiêm nhắc lại là cần thiết”.
Những phát biểu trên của ông Dormitzer được đưa ra trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị bắt đầu tiêm đại trà mũi nhắc lại vaccine Covid-19 từ ngày 20/9. Do biến chủng Delta, số ca nhiễm Covid-19 phải nhập viện và tử vong ở nước này đang tăng cao, đặc biệt ở những bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Trên toàn quốc, số ca nhiễm mới và số ca nhập viện do Covid-19 ở Mỹ đều đang ở mức cao nhất kể từ cuối tháng 1. Hơn 7.600 người ở Mỹ đã tử vong vì Sars-CoV2 trong tuần kết thúc vào ngày 3/9, tăng 5% so với tuần trước đó - theo dữ liệu từ Bộ Y tế Mỹ. Trong bối cảnh như vậy, đã có nhiều ý kiến lo ngại về hiệu quả của vaccine hiện có trong việc chống lại biến chủng Delta.
Tại Anh, mũi tiêm nhắc lại cũng có thể được triển khai từ tháng này. Tuần trước, Pháp đã bắt đầu tiêm nhắc lại cho người từ 65 tuổi trở lên và người có bệnh nền.
Ông Dormitzer cũng đưa ra những lập luận bảo vệ hiệu quả của vaccine Pfizer, sau khi có một số nghiên cứu gần đây cho thấy vaccine Moderna tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn và kéo dài hơn so với vaccine Pfizer/BioNTech, cho dù cả hai loại vaccine đều cùng sử dụng công nghệ mRNA.
Một số nhà khoa học tin rằng đó là do vaccine Moderna có liều cao gấp 3 lần vaccine Pfizer, với 100 microgram hoạt chất trong mỗi liều vaccine Moderna so với 30 microgram hoạt chất trong mỗi liều vaccine Pfizer. Moderna hiện đã nộp hồ sơ xin cấp phép mũi tiêm nhắc lại với hàm lượng 50 microgram hoạt chất/liều.
“Chúng tôi sử dụng hàm lượng tối thiểu để tạo ra ở người trưởng thành lớn tuổi một phản ứng miễn dịch lớn hơn so với phản ứng miễn dịch tự nhiên có được thông qua việc nhiễm bệnh”, ông Dormitzer nói về vaccine Pfizer.
Ông nói thêm rằng “những nghiên cứu khác nhau cho thấy những điều khác nhau”, rằng việc lựa chọn liều lượng cao hơn có thể đặt ra nguy cơ lớn hơn về các tác dụng phụ của vaccine. “Nếu nhìn vào tất cả các vaccine Covid, thì nhân tố gây thất bại thường là những phản ứng bất lợi khi tiêm”.
“Chúng tôi đưa ra những quyết định cẩn trọng dựa trên kinh nghiệm và dựa trên bằng chứng, để xác định một điểm cân bằng giữa phản ứng miễn dịch mạnh và phản ứng bất lợi”, ông Dormitzer nhấn mạnh.
Nhà khoa học cấp cao nhất của Pfizer nói thêm rằng rõ ràng hiệu quả của vaccine giảm dần theo thời gian và các quốc gia có lẽ nên đi theo sự dẫn đầu của Israel trong việc tiêm nhắc lại cho toàn dân.