Phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu phải phù hợp với quy hoạch điện quốc gia
Dự thảo quy định tổng công suất điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia tại mỗi địa phương không vượt quá công suất được phân bổ trong kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia...
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân về dự thảo Nghị định Quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
Nghị định này quy định về phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt trên mái các công trình xây dựng nhằm mục đích tự sản, tự tiêu, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.
Các trường hợp phát triển điện mặt trời mái nhà không thuộc phạm vị của Nghị định này là: Điện mặt trời mái nhà thực hiện theo khoản 11 Điều 5 Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; điện mặt trời mái nhà thực hiện theo cơ chế mua bán điện trực tiếp.
Nghị định áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phát triển điện mặt trời tại Việt Nam theo hình thức tự sản, tự tiêu và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
DỰ ÁN KHÔNG ĐẤU NỐI VỚI LƯỚI ĐIỆN ĐƯỢC PHÁT TRIỂN KHÔNG GIỚI HẠN CÔNG SUẤT
Theo dự thảo Nghị định, nguyên tắc phát triển điện mặt trời mái nhà phải phù hợp với kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh.
Tổng công suất điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia tại mỗi địa phương không vượt quá công suất được phân bổ trong kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Với điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không đấu nối với hệ thống điện quốc gia, loại hình này ưu tiên phát triển không giới hạn công suất.
Đồng thời phát triển điện mặt trời mái nhà phải tuân thủ quy định pháp luật về an toàn điện, đầu tư, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy.
Dự thảo cũng quy định các hành vi trái quy định trong quá trình phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Đó là thực hiện phát triển không đúng nguyên tắc, trình tự quy định tại Nghị định này.
Đầu tư, lắp đặt, vận hành công suất vượt quá công suất đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận đối với điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia.
Cũng như lợi dụng quy định về phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để kinh doanh hoặc bán điện cho các tổ chức, cá nhân khác.
Dự thảo cũng yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia phải đăng ký theo quy định tại Nghị định này.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền phát hoặc không phát sản lượng điện dư (nếu có) của điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu vào hệ thống điện quốc gia.
Trường hợp tổ chức, cá nhân lựa chọn phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện thì đơn vị điện lực ghi nhận sản lượng điện với giá không đồng và không được thanh toán.
Mặt khác, tổ chức, cá nhân căn cứ quy mô, sản lượng điện tiêu thụ, nhu cầu sử dụng điện để thực hiện đăng ký công suất phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu bảo đảm công suất lắp đặt nhỏ hơn phụ tải hiện có tại thời điểm đăng ký.
Theo dự thảo, điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có công suất đặt từ 500 kWp trở lên phải có hệ thống điều khiển từ xa và kết nối với đơn vị điều độ khu vực. Tổng công suất điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không gây quá tải lưới điện khu vực.
Còn với điện mặt trời mái nhà không đấu nối với hệ thống điện quốc gia, dự thảo cho rằng các tổ chức, cá nhân khi thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu cũng phải đăng ký theo quy định tại Nghị định này.
Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất.
Bên cạnh các quy định trên, dự thảo đưa ra các chính sách khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Đó là việc phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực.
Công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật.
Tổ chức, cá nhân phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được giải quyết các hồ sơ, thủ tục theo cơ chế một cửa liên thông theo quy định tại Nghị định này.
Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân kết hợp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu với đầu tư, lắp đặt, vận hành hệ thống lưu trữ điện để chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng điện.
Ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu lắp đặt tại các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công.
GIAO TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CHO ĐỊA PHƯƠNG
Dự thảo nêu rõ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về phát triển điện mặt trời mái nhà tại địa phương. Đối với điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với lưới điện quốc gia, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao Sở Công Thương chấp thuận công suất phát triển cho tổ chức, cá nhân.
Công khai quy mô công suất điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đấu nối với hệ thống điện quốc gia được phát triển theo kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; tổng công suất đã được chấp thuận phát triển; tổng công suất còn lại.
Đồng thời tổ chức kiểm tra việc giải quyết hồ sơ thủ tục cho tổ chức, cá nhân phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu tại địa phương.
Xem xét, ưu tiên công suất phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Tổ chức tuyên truyền cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thu hồi việc chấp thuận phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu đối với tổ chức, cá nhân không hoàn thành việc lắp đặt quá thời hạn 6 tháng kể từ ngày chấp thuận và báo cáo Bộ Công Thương về tình hình phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu trên địa bàn trước ngày 25/6 và 25/12 hàng năm.
Các đơn vị điện lực phối hợp với địa phương để tổng hợp, thống kê, kiểm soát tình hình phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu theo kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được phê duyệt.
Ghi nhận, quản lý, hạch toán phần điện năng dư do điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu phát vào hệ thống điện theo quy định. Phối hợp với cơ quản quản lý nhà nước trong việc kiểm tra và kiến nghị xử lý hoạt động điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu làm ảnh hưởng đến hệ thống điện quốc gia (nếu có).
Đối với dự án, hệ thống điện mặt trời mái nhà đã vận hành trước ngày 01/01/2012 và đang thực hiện mua bán điện với đơn vị điện lực, dự thảo Nghị định nghiêm cấm hành vi đấu nối với điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để trục lợi.