Quảng Ninh dồn lực phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo
Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025 ngành công nghiệp chế biến chế tạo trên địa bàn tình sẽ chiếm tỷ trọng hơn 15% trong GRDP; tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân 17%/năm; thu hút tổng vốn đầu tư đạt trên 50.000 tỷ đồng...
Theo số liệu của Cục thống kê Quảng Ninh, 8 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo của tỉnh tăng 12,99%. Có 15/21 ngành có chỉ số tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Một số ngành có chỉ số tăng như ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 239,22%; ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 164,15%; ngành sản xuất thiết bị điện tăng 112,65%; ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 91,59%; ngành sản xuất trang phục tăng 39,19%; ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 17,77%.
Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025 ngành công nghiệp chế biến chế tạo trên địa bàn tình sẽ chiếm tỷ trọng hơn 15% trong GRDP; tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân 17%/năm; thu hút tổng vốn đầu tư đạt trên 50.000 tỷ đồng; tạo ra ít nhất 30.000 chỗ làm việc mới.
Định hướng đến năm 2030, tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 20% trong GRDP; tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân 20%/năm; thu hút tổng vốn đầu tư trên địa bàn đạt hơn 100.000 tỷ đồng; tạo ra khoảng 50.000 chỗ làm việc mới.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ ưu tiên thu hút có chọn lọc các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp thông minh, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng lớn, quản trị hiện đại, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên khoáng sản.
Cùng với đó, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp kiểm soát chặt chẽ, tạo cơ chế hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp chế biến, chế tạo đang gặp khó khăn. Có chính sách ưu đãi cụ thể để hình thành và phát triển các cụm công nghiệp hỗ trợ, nâng cao trình độ theo tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng nhiều chương trình kết nối giữa doanh nghiệp hỗ trợ trên địa bàn với các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài.
Xác định ngành than, điện cũng như công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò trụ cột trong tăng trưởng kinh tế, Quảng Ninh liên tục tìm phương hướng tháo gỡ khó khăn cho ngành than phát triển ổn định và tăng sản lượng tối đa đáp ứng nhu cầu năng lượng cho nền kinh tế. Đóng góp vào thu nội địa trên địa bàn tỉnh của ngành than vẫn luôn chiếm tỷ trọng lớn (năm 2020 là 39,1%, năm 2021 là 36,7%, năm 2022 là 40,9%). Tổng sản lượng than sạch 3 năm (2021-2023) ước đạt 135,56 triệu tấn.
Công nghiệp sản xuất điện của Quảng Ninh vẫn duy trì tốc độ phát triển khá ổn định, từ năm 2020 đến nay, sản lượng điện sản xuất có sự sụt giảm bình quân 1,01%/năm. Tuy nhiên, Quảng Ninh vẫn là địa phương có sản lượng điện sản xuất cao, tạo điều kiện tối đa để các ngành xi măng, điện tử, dệt may, dầu ăn, bột mì... đẩy mạnh sản xuất, gia tăng số lượng sản phẩm, kết nối phát triển thị trường tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa.
Hiện tại trên địa bàn tỉnh đang xây dựng nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh - đây là dự án điện đầu tiên sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu tại miền Bắc, có công suất lên tới 1.500MW.
Các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh đã và đang được chủ đầu tư tích cực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sản xuất. Điển hình như Công ty TNHH Thời trang dệt kim Việt Nam sản xuất vải dệt kim; Công ty TNHH điện tử Tonly Việt Nam có sản phẩm mới là vòng tay thông minh... Đặc biệt có 8/14 sản phẩm chế biến, chế tạo chủ yếu đạt và vượt so với kịch bản.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu GRDP của Quảng Ninh tăng dần theo từng năm. Cụ thể, năm 2021, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 11,3% GRDP toàn tỉnh, năm 2022 tăng lên là 11,5%. Dự kiến năm 2023 con số này sẽ là 12,3%.
Tổng kết 2 quý đầu năm 2023, tổng vốn thu hút đầu tư trên địa bàn Quảng Ninh đạt gần 44.017 tỷ đồng; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt gần 832 triệu USD. Trong đó, có 17 dự án FDI được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư, gấp 2,5 lần so cùng kỳ năm trước, chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, như 2 dự án quy mô lớn với vốn đầu tư 100 triệu USD gồm: Dự án sản xuất các sản phẩm an toàn cho xe ô tô của Công ty TNHH Antoliv Việt Nam; Dự án sản xuất khóa, chốt và dập định hình Boltun của nhà đầu tư Đài Loan.
Với những định hướng phát triển dài hạn, cùng những kết quả như trên ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Quảng Ninh được dự báo sẽ tiếp tục độ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.