Quảng Ninh: Phát triển Hạ Long theo hướng bền vững, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh
Mục tiêu cụ thể là nâng cao vai trò, vị thế của thành phố Hạ Long, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh, tạo giá trị phát triển mới để tăng sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế...
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hạ Long vừa có cuộc họp về nhiệm vụ Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án, dự thảo Nghị quyết về phát triển thành phố Hạ Long đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Thành phố Hạ Long và huyện Hoành Bồ là hai địa phương được hợp nhất làm một lấy tên chung là thành phố Hạ Long. Do đó, địa phương mới đã có thêm những định hướng phát triển mới và phải giải quyết mâu thuẫn của 2 đồ án quy hoạch chung với thực tế quản lý phát triển đô thị.
Trong cuộc họp, Ban thường vụ tỉnh ủy đã báo cáo tình hình triển khai Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hạ Long nhất trí với đề xuất mô hình và cấu trúc phát triển đô thị theo mô hình đa cực, gắn với các hành lang phát triển gồm 5 cực: Vịnh Hạ Long, vùng phía Đông, vùng phía Tây, vùng phía Bắc Vịnh Cửa Lục, khu vực đồi núi phía Bắc; 1 hành lang ven Vịnh Hạ Long và lấy Vịnh Cửa Lục là trung tâm kết nối.
Ban thường vụ tỉnh ủy yêu cầu nghiên cứu khu vực ven Vịnh Cửa Lục để định hình hành lang giao thông, đô thị, kinh tế khu vực này. Phạm vi nghiên cứu là toàn bộ thành phố Hạ Long sau mở rộng. Tuy nhiên, cần xác định rõ trọng tâm nghiên cứu là khu vực xung quanh Vịnh Cửa Lục và khu vực đồi núi phía Bắc của thành phố Hạ Long.
Trong quá trình nghiên cứu quy hoạch, cần kế thừa đầy đủ Quy hoạch 702 (Quyết định số 702/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050).
Bên cạnh đó, giữ gìn và phát huy quỹ rừng, rà soát và đề xuất một số khu vực để bổ sung quỹ rừng tạo không gian xanh cho thành phố.
Về chức năng đô thị của thành phố Hạ Long mới, cần nghiên cứu theo hướng đô thị sinh thái, đô thị xanh, đô thị phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và có sức chống chịu cao; đô thị thông minh có tính dẫn dắt của kinh tế số, xã hội số.
Trong thời gian tới, khu vực đồi núi phía Bắc cần khảo sát kỹ hiện trạng, nhận rõ tiềm năng, thách thức để có thêm các ý tưởng đề xuất phát triển các loại hình sản xuất kinh doanh cũng như đô thị nông thôn, nông nghiệp…
Đối với khu vực khu công nghiệp Cái Lân và cảng Cái Lân, cần đánh giá đầy đủ hiện trạng, các tác động để đề xuất sắp xếp lại theo đúng chủ trương của tỉnh, đảm bảo tính khả thi cao và không gây xáo trộn nhiều cho các nhà đầu tư thứ cấp.
Đối với khu vực khai thác than, cần làm rõ lộ trình khai thác than, đá, vật liệu xây dựng theo đúng tinh thần chung của tỉnh. Đối với phát triển công nghiệp nhiệt điện và xi măng, bám sát đúng định hướng Quy hoạch 702.