Quý 2/2024: GRDP Đà Nẵng bật tăng lên mức 8,35%
Với GRDP quý 2/2024 tăng 8,35%, tăng trưởng GRDP của Đà Nẵng 6 tháng đầu năm ước tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn mức tăng bình quân 3,54% của 6 tháng đầu năm giai đoạn 2020-2024...
Tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 tại Đà Nẵng sáng ngày 28/6, ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng, cho biết nhịp độ tăng trưởng kinh tế thành phố trong quý 1 năm 2024 có phần yếu đi so với mức tăng khá cao của cùng kỳ năm 2023 .
KINH TẾ QUÝ 2 CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC
Tuy nhiên, bước sang quý 2/2024, kinh tế thành phố Đà Nẵng đã có những chuyển biến tích cực, lĩnh vực du lịch tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ kể từ sau đại dịch Covid-19, tạo sự tăng trưởng bứt phá cho một số ngành dịch vụ như: lưu trú, ăn uống, thương mại, vận tải, vui chơi, giải trí...; lĩnh vực sản xuất cũng có những tín hiệu khả quan hơn, đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng chung của thành phố trong 6 tháng đầu năm 2024.
Nhờ đó, GRDP 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn mức tăng bình quân 3,54% của 6 tháng đầu năm cả giai đoạn 2020-2024.
Riêng GRDP quý 2/2024 ước tăng 8,35% so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả trên, Đà Nẵng xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố về tốc độ tăng GRDP trong quý 2 năm 2024.
Trong mức tăng 5% toàn nền kinh tế 6 tháng qua, khu vực dịch vụ tăng 5,99%, đóng góp 4,17 điểm và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,17%, đóng góp 0,49 điểm; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 1,7%, đóng góp 0,32 điểm; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,85% so với cùng kỳ năm 2023, đóng góp 0,02 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Quy mô nền kinh tế thành phố trong 6 tháng theo giá hiện hành ước đạt hơn 72.303 tỷ đồng, mở rộng hơn 7.050 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khu vực dịch vụ mở rộng nhiều nhất với hơn 5.837 tỷ đồng; khu vực thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 690 tỷ đồng; khu vực công nghiệp - xây dựng mở rộng hơn 525 tỷ đồng.
Đáng chú ý, về cơ cấu trong quy mô nền kinh tế 6 tháng, khu vực dịch vụ chiếm 70,58%; thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) chiếm 9,43%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 18,06% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 1,93%;
Tổng thu ngân sách Nhà nước tính đến ngày 20/6 đạt 12.980 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu ngân sách Trung ương đạt 3.133 tỷ đồng; thu ngân sách địa phương đạt 9.846 tỷ đồng.
Tổng chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 14.823 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023.Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 5.339 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2023; chi thường xuyên đạt 9.465 tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 14.871 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vốn khu vực Nhà nước đạt 4.026 tỷ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ; vốn ngoài Nhà nước đạt 9.273 tỷ đồng, tăng 4,8%; vốn khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 1.573 tỷ đồng, tăng 0,6%.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 1,59 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ. Trong đó, hàng hóa xuất khẩu ước đạt 918 triệu USD, tăng 1,8%; nhập khẩu ước đạt 672 triệu USD, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2024 (CPI) tăng 2,86% so với cùng kỳ năm 2023. Trong mức tăng 2,86% của CPI, có 10/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng, 1/11 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ, DU LỊCH TĂNG TRƯỞNG ẤN TƯỢNG
Theo ông Trần Văn Vũ, kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 ở khu vực thương mại và dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế chung của thành phố. Đặc biệt, số lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng đã đạt mức tăng ấn tượng và vượt cùng kỳ năm 2019, thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19.
Tăng trưởng khu vực dịch vụ quý 2 năm 2024 ước đạt 9,86% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn mức tăng 2,01% của quý 1 và mức tăng 0,72% của cùng kỳ năm 2023, xếp thứ 5/63 địa phương trên cả nước về tốc độ tăng trưởng.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ ước tăng 5,99% so với cùng kỳ, đóng góp 4,17 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP chung toàn nền kinh tế thành phố. Một số ngành có giá trị tăng thêm tăng khá cao như: dịch vụ lưu trú và ăn uống (+20,14%); nghệ thuật, vui chơi và giải trí (+16,87%); hoạt động hành chính và hỗ trợ (+9,99%); bán buôn, bán lẻ ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (+8,99%); thông tin và truyền thông (+6,77).
Thị trường bán lẻ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, các hoạt động xúc tiến thương mại, bình ổn thị trường được đẩy mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 66.843 tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ (tăng 10,7% sau khi trừ trượt giá). Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 37.484 tỷ đồng, tăng 14,6%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 12.932 tỷ đồng, tăng 22,2%; doanh thu dịch vụ lữ hành và các hoạt động hỗ trợ du lịch đạt 3.412 tỷ đồng, tăng 59,2%; dịch vụ tiêu dùng khác đạt 13.016 tỷ đồng, giảm 2,0% so với cùng kỳ năm 2023 (trong đó, doanh thu dịch vụ kinh doanh bất động sản tính cho tiêu dùng giảm 46,0%).
Tổng số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 5,1 triệu lượt, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách quốc tế đạt 2,0 triệu lượt, tăng 40,3%; khách trong nước đạt 3,1 triệu lượt, tăng 17,7%. Số ngày lưu trú bình quân của khách ngủ qua đêm tính chung 6 tháng là 1,38 ngày/lượt, trong đó khách quốc tế là 1,45 ngày/lượt; khách trong nước là 1,31 ngày/lượt.
Tổng số khách du lịch do các cơ sở lữ hành phục vụ 6 tháng ước đạt 636 nghìn lượt, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khách quốc tế đạt 222 nghìn lượt, tăng 37,3%; khách trong nước đạt 383 nghìn lượt, giảm 9,3%; khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài đạt 31 nghìn lượt, tăng 24,8%...
"Những điểm sáng trong bức tranh kinh tế thành phố Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm đang thực sự là động lực tạo đà đột phá để thành phố hoàn thành mục tiêu năm 2024 đạt tăng trưởng từ 8-8,5% theo Nghị quyết của HĐND thành phố", Cục Thống kê Đà Nẵng cho biết.