Quỹ đầu tư khổng lồ của Saudi Arabia giảm đầu tư ra nước ngoài

Bình Minh
Chia sẻ

Sự dịch chuyển diễn ra trong bối cảnh quỹ khổng lồ này tập trung trở lại vào nền kinh tế trong nước thay vì tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài...

Một góc thủ đô Riyadh của Saudi Arabia vào năm 2016 - Ảnh: Bloomberg.
Một góc thủ đô Riyadh của Saudi Arabia vào năm 2016 - Ảnh: Bloomberg.

Quỹ đầu tư quốc gia của Saudi Arabia có kế hoạch tiếp tục cắt giảm tỷ trọng đầu tư quốc tế, khép lại một thời kỳ đầu tư ồ ạt với hàng tỷ USD tiền vốn được rải khắp thế giới. Sự dịch chuyển diễn ra trong bối cảnh quỹ khổng lồ này tập trung trở lại vào nền kinh tế trong nước thay vì tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài.

Theo tờ báo Financial Times, quỹ mang tên Public Investment Fund (PIF - Quỹ Đầu tư công), với lượng tài sản khoảng 930 tỷ USD, cho biết sẽ giảm bớt tỷ trọng vốn đầu tư ở nước ngoài về mức 18-20%, từ mức 21% hiện nay và mức cao 30% vào năm 2020.

Phát biểu tại hội nghị Sáng kiến Đầu tư tương lai ở thủ đô Riyadh của Saudi Arabia vào ngày 29/10, Thống đốc Yasir al-Rumayyan của PIF nói rằng cách đây 1 thập kỷ, phần lớn các khoản đầu tư của quỹ là rót vào các dự án trong nước. “Nhưng sau đó, tỷ trọng của vốn đầu tư ra nước ngoài đã tăng từ mức chỉ 2% lên 30%. Giờ đây, mục tiêu của chúng tôi là giảm tỷ trọng đó về ngưỡng 18-20%”, ông Rumayyan nói.

Ông nói thêm rằng “giá trị tuyệt đối của vốn đầu tư ra nước ngoài của quỹ vẫn sẽ tăng lên”, bởi PFF đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt quy mô tài sản 2 nghìn tỷ USD.

Thay đổi về tỷ trọng vốn đầu tư là một dấu hiệu cho thấy tham vọng của PIF nhằm dành nhiều nguồn lực hơn cho nền kinh tế trong nước vốn đang đương đầu với áp lực do nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô giảm sút. Trong bối cảnh thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia tái ưu tiên kế hoạch chi tiêu công, PIF đối mặt sức ép mang về lợi nhuận tài chính, đồng thời phải thực thi cam kết đối với các dự án trong nước.

PIF đã đưa ra thêm điều kiện về sứ mệnh của các nhà quản lý quỹ, yêu cầu tăng thêm vốn đầu tư trong nước - giới thạo tin đã tiết lộ với tờ Financial Times trong năm nay. Trong bài phát biểu ngày 29/10, ông Rumayyan nói rằng các nhà đầu tư quốc tế có ý định tìm kiếm nguồn vốn từ PIF cũng đang chuyển hướng.

“Chúng tôi hiện đang tập trung nhiều hơn vào nền kinh tế trong nước, và đang đạt được cũng như đang làm nhiều điều to lớn”, ông nói. Giờ đây, PIF muốn đi theo hướng “kêu gọi cùng đầu tư” với PIF, thay vì “mọi người chỉ muốn chúng tôi đầu tư hoặc nhận tiền vốn từ chúng tôi”.

Thay đổi này diễn ra sau một thập kỷ PIF có hàng loạt thương vụ đầu tư khổng lồ ở nước ngoài, bao gồm rót 45 tỷ USD vào quỹ Vision Fund của công ty Nhật Bản SoftBank vào năm 2016 và 20 tỷ USD vào một quỹ đầu tư hạ tầng của công ty quản lý quỹ khổng lồ đến từ Mỹ Blackstone vào năm 2017. Những thương vụ đó đã đưa PIF, một công ty nhà nước từng “ngủ im” với 150 tỷ USD tài sản trở thành một trong những quỹ đầu tư quốc gia từ vùng Vịnh có hoạt động tích cực nhất.

Năm nay, PIF đã giảm nắm giữ cổ phần trong các công ty niêm yết ở Mỹ, trong đó bán bớt cổ phần trong BlackRock và thoái vốn khỏi hãng tàu du lịch Carnival và công ty giải trí Live Nation.

Theo hồ sơ thông tin tài Ủy ban Chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC), lượng cổ phiếu mà PIF nắm giữ tại Mỹ đã giảm từ mức khoảng 35 tỷ USD vào cuối năm 2023 xuống còn 20,5 tỷ USD vào thời điểm cuối quý 1 năm nay, trước khi ổn định ở mức 20,6 tỷ USD trong quý 2.

PIF cũng cắt giảm đầu tư vào lĩnh vực thể thao quốc tế, trước đó bao gồm vụ mua lại câu lạc bộ bóng đá Newcastle United thuộc giải Ngoại hạng Anh và rót vốn vào những giải đấu như giải golf nhà nghề LIV Golf.

Giới lãnh đạo doanh nghiệp Saudi Arabia và các nhà ngân hàng nước ngoài nói rằng tham vọng của Riyadh còn rất lớn, thể hiện qua việc PIF thúc đẩy các dự án như Neom - một dự án xây dựng mang màu sắc tương lai bên bờ Biển Đỏ, và chuẩn bị đăng cai một loạt sự kiện quốc tế gồm triểm lãm Expo 2030 và cúp bóng đá thế giới Fifa World Cup 2034.

Tuy nhiên, họ nói rằng có một thực tế mới đang hình thành mà ở đó, các cơ quan thuộc Chính phủ Saudi Arabia đang phải thắt lưng buộc bụng và một số dự án của nước này phải giảm quy mô hoặc hủy bỏ.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con