Robot trí tuệ nhân tạo Trung Quốc vượt qua kỳ thi lấy bằng y khoa
Đây là robot ứng dụng trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới làm được điều này
Theo tờ China Daily, robot có trí tuệ nhân tạo (AI) tên Xiaoyi của Trung Quốc mới đây đã vượt qua bài kiểm tra cấp giấy phép y khoa quốc gia của nước này.
Xiaoyi đã tham gia bài thi cấp giấy phép y khoa quốc gia Trung Quốc và đỗ với điểm số 456/600, cao hơn 96 điểm so với mức sàn.
Đây là robot đầu tiên trên thế giới làm được điều này và cũng cho thấy Trung Quốc đang đặc biệt quan tâm với việc phát triển và ứng dụng AI vào lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ.
Robot này được phát triển bởi công ty AI hàng đầu Trung Quốc iFlytek, có khả năng nắm bắt và phân tích thông tin về bệnh nhân.
Theo tờ China Daily, đây là một phần trong nỗ lực thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nhiều ngành công nghiệp, bao gồm y tế và điện tử tiêu dùng, của Trung Quốc. Nước này cũng đã vượt qua Mỹ trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới trong một số lĩnh vực nghiên cứu AI.
Hồi tháng 7, nước này tuyên bố kế hoạch quốc gia nhằm xây dựng nền công nghiệp AI 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ (152,5 tỷ USD), trở thành quốc gia số một thế giới toàn diện về trí tuệ nhân tạo vào năm 2030.
Y tế và chăm sóc sức khoẻ là một trong những lĩnh vực được chính phủ Mỹ - Trung cùng các công ty tư nhân nhắm đến khi nghiên cứu và phát triển AI.
Trong đó, nổi bật là siêu máy tính Watson của IBM với khả năng chẩn đoán ung thư, hỗ trợ bác sĩ và cải thiện hoạt động chăm sóc bệnh nhân tại các bệnh viện nhờ nhờ công nghệ AI.
Gã khổng lồ Amazon của Mỹ cũng cho ra mắt trợ lý ảo Echo và AI-Alexa phục vụ ngành chăm sóc sức khoẻ. Google cũng có DeepMind Health và đang muốn dùng công nghệ máy học (machine learning) để tham gia vào quá trình chăm sóc sức khoẻ tại Anh.
Tại Trung Quốc, iFlytek dự định biến Xiaoyi thành trợ lý giúp các bác sĩ nâng cao hiệu quả làm việc.
"Chúng tôi sẽ chính thức ra mắt Xiaoyi vào tháng 3 năm sau. Xiaoyi sẽ không để thay thế bác sĩ mà thúc đẩy sự hợp tác giữa người và máy móc nhằm tăng hiệu quả của việc chăm sóc y tế", Chủ tịch Liu Qingfeng của iFlytek cho biết.
iFlytek đặt mục tiêu ứng dụng AI để cải thiện việc điều trị ung thư và giúp đào tạo bác sĩ đa khoa - nguồn nhân lực đang thiếu nhiều tại Trung Quốc.
"Các khu vực nông thông Trung Quốc đang thiếu bác sĩ đa khoa trầm trọng. Chúng tôi kỳ vọng AI sẽ giúp nhiều người có thể tiếp cận với nguồn tài nguyên y tế chất lượng", Qingfeng nói thêm.
iFlytek hiện là một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực AI tại Trung Quốc. Tháng trước, công ty này cho biết sẽ đầu tư 1,02 tỷ Nhân dân tệ (150 triệu USD) để hỗ trợ các startup có công nghệ cốt lõi nhưng thiếu kiến thức kinh doanh, hay các công ty có sản phẩm thương mại nổi bật nhưng chưa thể ứng dụng AI vào thiết bị của mình.