Samsung xây nhà máy chip 17 tỷ USD ở Mỹ

Bình Minh
Chia sẻ

Dự án lớn và hiện đại này được kỳ vọng sẽ giúp củng cố sức mạnh cho nền công nghiệp chip của Mỹ...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Công ty điện tử Samsung Electronics ngày 23/11 công bố kế hoạch rót 17 tỷ USD xây dựng một nhà máy sản xuất con chip ở Texas, Mỹ.

Dự án lớn và hiện đại này được kỳ vọng sẽ giúp củng cố sức mạnh cho nền công nghiệp chip của Mỹ.

“Tăng sản lượng chip bán dẫn nội địa là vấn đề then chốt đối với an ninh quốc gia và an ninh kinh tế của nước Mỹ”, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo nói trong một tuyên bố.

Phát biểu tại cuộc họp báo công bố kế hoạch, thống đốc Texas Greg Abbott cho biết dự án sẽ tạo ra hơn 2.000 việc làm. “Tầm ảnh hưởng của nhà máy này sẽ vượt xa khỏi biên giới của bang Texas. Nhà máy sẽ có tầm ảnh hưởng đến toàn thế giới”, ông Abbott nói.

Samsung, doanh nghiệp lớn nhất của Hàn Quốc, sẽ xây dựng nhà máy nói trên tại Taylor, nơi cách thủ phủ của bang Texas là Austin chừng 30 dặm. Khu vực này là nơi Samsung đến nay đã đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng một tổ hợp đủ chỗ cho 3.000 công nhân và sản xuất một vài trong số những con chip tiên tiến nhất của Mỹ.

Việc xây dựng nhà máy mới dự kiến sẽ bắt đầu trong nửa sau của năm 2022, và nhà máy sẽ đi vào sản xuất vào nửa sau của năm 2024.

Samsung cùng với hãng sản xuất con chip Đài Loan Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) đang rót mạnh vốn đầu tư vào Mỹ.

Theo hãng tin Bloomberg, các cơ sở sản xuất chip mới của các công ty này ở Mỹ sẽ thúc đẩy mục tiêu của chính quyền Tổng thống Joe Biden về bảo vệ năng lực của Mỹ trong việc sản xuất những con chip công nghệ cao giữ vai trò then chốt trong lĩnh vực quốc phòng cũng như những công nghệ của tương lai như ô tô tự lái. Mục tiêu này nằm trong chiến lược của Washington về đối trọng với sự nổi lên của Trung Quốc về sức mạnh kinh tế, đồng thời thu hút về Mỹ một phần hoạt động sản xuất công nghệ cao đã dịch chuyển về phía châu Á trong những thập kỷ qua.

“Nhà máy mới của Samsung sẽ giúp hãng này thu hẹp khoảng cách về năng lực sản xuất chip với TSMC, bằng cách làm chip ngay tại thị trường tiêu thụ”, nhà phân tích Kim Sunwoo thuộc Meritz Securities phát biểu. “Mỹ ưu tiên việc sản xuất con chip trong nước, nên Samsung có thể nhận được nhiều ưu đãi khi đặt cơ sở sản xuất ở nước này”.

Cuộc khủng hoảng khan hiếm con chip toàn cầu thời gian qua đã làm lộ ra những mất cân đối trong ngành công nghiệp sản xuất chip và thúc đẩy các quốc gia từ Bỉ tới Nhật tìm cách lôi kéo TSMC và Samsung – hai công ty sản xuất những con chip vào hàng tân tiến nhất thế giới cho những khách hàng như Apple và Nvidia.

Cả dự án của Samsung ở Texas cũng như kế hoạch 12 tỷ USD nhằm mở rộng nhà máy chip của TSMC ở bang Arizona sẽ không giải quyết tức thì được tình trạng khan hiếm con chip hiện nay. Tuy nhiên, việc xây dựng và mở rộng những cơ sở này có thể mở đường cho một hệ sinh thái của ngành công nghiệp chip toàn cầu trong tương lai với Mỹ giữ vai trò trung tâm, bằng cách thu hút và đào tạo các nhà cung cấp linh kiện vốn thường mọc lên xung quanh những cơ sở như vậy.

Hồi tháng 6, Tổng thống Joe Biden công bố một kế hoạch lớn nhằm đảm bảo các chuỗi cung ứng then chốt, bao gồm đề xuất chi 52 tỷ USD để củng cố cho ngành sản xuất con chip trong nước. Chính quyền ông Biden đã nhiều lần lên tiếng về sự cần thiết phải tăng cường sản xuất linh kiện bán dẫn tại Mỹ, nói rằng đây là cách tốt nhất để cạnh tranh với Trung Quốc và hạn chế xảy ra những gián đoạn như gián đoạn do Covid-19.

Samsung đã mất nhiều tháng trời tìm kiếm địa điểm mở nhà máy chip ở Mỹ và cân nhắc giữa các gói ưu đãi trước khi chọn Taylor. “Thái tử” Samsung Jay Y. Lee đã “bật đèn xanh” cho dự án này sau một chuyến thăm Mỹ, khi ông gặp gỡ nhiều khách hàng tiềm năng và đối tác, từ CEO Sundar Pichai của Alphabet cho tới lãnh đạo của Amazon.com và Microsoft.

Chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều ưu đãi cho dự án của Samsung, bao gồm miễn 90% thuế tài sản trong 10 năm, và 85% trong 10 năm tiếp theo. Dự án còn có thể nhận được các ưu đãi khác về thuế vì nằm trong vùng ưu tiên của chính phủ liên bang – một chương trình nhằm thúc đẩy đầu tư ở những vùng kém phát triển.

“Samsung đang nhắm mạnh đến các khách hàng ở Mỹ”, nhà phân tích Jeff Pu thuộc Haitong International Securities nhận định.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con