Sau tăng lương, doanh nghiệp bán lẻ vẫn bình ổn giá và tung khuyến mãi
Đã hơn 20 ngày kể từ khi lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng, lương hưu tăng 15%, lương tối thiểu vùng cũng tăng từ 200 nghìn lên 280 nghìn đồng. Khảo sát sơ bộ cho thấy, giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu không có nhiều biến động…
Thời gian qua, các thành phố, địa phương đã nỗ lực triển khai chương trình bình ổn thị trường bền vững, từ đó cân đối cung cầu, xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa một cách hiệu quả. Chưa kể, Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có chỉ thị đảm bảo cung cầu theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ nhằm kiểm soát chặt thị trường để không làm mất ý nghĩa của việc tăng lương.
SÔI NỔI KHUYẾN MÃI ĐẾN HẾT THÁNG 7
Kết quả, hiện nay rất khó để cá nhân hoặc doanh nghiệp nào lợi dụng việc tăng lương để tăng giá sản phẩm bất hợp lý. Thậm chí, với nỗ lực giữ giá bình ổn, nhiều đơn vị cũng phối hợp các đối tác kinh doanh xây dựng kế hoạch dài hạn về nguồn cung ứng và sản lượng hàng hóa, từ đó tổ chức nhiều "lễ hội" khuyến mãi theo từng ngành hàng. Tại nhiều hệ thống siêu thị ở TP.HCM hay Hà Nội, hàng hóa trong chương trình bình ổn giá luôn có giá bán thấp hơn so với thị trường từ 5 - 10%. Trong suốt mùa hè, các nhà bán lẻ còn liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi.
Điển hình, đại diện Saigon Co.op cho biết từ nay đến cuối tháng (31/7) đơn vị triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi, ưu đãi lớn nối tiếp nhau. Đáng chú ý, có ưu đãi còn kéo dài đến tận cuối năm, đặc quyền thành viên. Đầu tiên, nổi bật là chương trình "Cơm nhà nồng nàn - Thịt ngon chất lượng". Ưu đãi từ 15 - 20% cho các mặt hàng ức gà phi lê, ức gà phi lê không da, đùi gà góc tư, thịt heo xay, bắp giò heo, ba chỉ bò Úc đông lạnh.
Ngoài ra, danh mục 1.500 mặt hàng khuyến mãi đến 50% được Co.opmart, Co.opXtra tinh chọn để vừa khéo tạo nên bữa ăn ngon, đầy đủ cho gia đình với giá tiết kiệm, trong đó có gạo, các loại gia vị, nước chấm, các loại nước giải khát… Thân thuộc với hệ thống Saigon Co.op, nhiều khách hàng rất ưa chuộng chương trình "Mua nhiều ưu đãi lớn". Theo đó, siêu thị áp mức giá "hời" cho các sản phẩm thứ 2, 4, 6… cùng loại với mức giá chỉ từ 8.000 đến 139.000 đồng, triển khai trên các sản phẩm đồ dùng, hóa phẩm, công nghệ và may mặc…
Tương tự, từ nay đến 30/7, hệ thống siêu thị LOTTE Mart triển khai chương trình khuyến mãi “Thương hiệu lớn – ưu đãi lớn” qua đó giảm giá đến 50% cho sản phẩm đến từ hơn 100 thương hiệu lớn. Cụ thể, nước xả vải Downy 3.5L các loại, giảm 24%, bình giữ nhiệt Lock&Lock 490ml, giảm 55%, sữa tắm Double Rich 800g, giảm 31%, dầu gội/sữa tắm Dove 880g/900g các loại, giảm 23%... Ngoài ra, các mặt hàng thực phẩm cũng đang được áp dụng khuyến mãi như: Nho mẫu đơn Hàn Quốc, táo Envy New Zealand, gà CP, thịt lợn xay Feddy...
Không chịu thua kém, từ nay đến 31/7, WinCommerce (đơn vị chủ quản hệ thống siêu thị WinMart, cửa hàng WinMart+, WiN) triển khai khuyến mại: “Deal giải nhiệt - Giảm kịch liệt”. Theo đó, hơn 600 mặt hàng đặc trưng trong mùa hè như nước giải khát, kem, thực phẩm ăn liền... được khuyến mại lớn, đặc biệt là trái cây nhiệt đới tại đang được giảm lên tới 53%. Năm 2024 cũng là năm WinCommerce đẩy mạnh triển khai sản xuất các sản phẩm hàng nhãn riêng có giá thành thấp hơn từ 10% đến 20% so với các sản phẩm cùng phân khúc trên thị trường, đảm bảo chiến lược cạnh tranh về giá.
BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG HÀNG HÓA
Thông tin tại buổi họp báo thường kỳ về các vấn đề kinh tế - xã hội, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương TP.HCM cho hay trước đây sau mỗi lần tăng lương hay dịp lễ, Tết rất dễ xảy ra hiện tượng đầu cơ tích trữ, tăng giá bất hợp lý, "té nước theo mưa". Nguyên nhân chủ yếu là hệ thống phân phối còn mỏng, nguồn hàng không ổn định.
Cũng như các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương đều đã có phương án dự phòng từ sớm, TP.HCM cũng chỉ đạo quyết liệt vấn đề này. Hiện các quận, huyện đang bám sát thị trường, doanh nghiệp bình ổn thị trường luôn trong trạng thái sẵn sàng bổ sung thiếu hụt cục bộ, không để mất cân đối cung cầu, đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa…
Hiện nay, Chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM có 70 doanh nghiệp lớn tham gia với hàng ngàn doanh nghiệp cung ứng. Để tiếp tục ổn định giá hàng tiêu dùng thiết yếu từ nay đến cuối năm, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết: “Chúng tôi mở thêm kênh phân phối ở những khu vực có đông công nhân, người thu nhập trung bình, thu nhập thấp bằng những chương trình bán hàng lưu động. Chúng tôi có liên kết với các quận, huyện, ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất để gia tăng các điểm bán hàng bình ổn thị trường”.
Tương tự, đại diện một số nhà bán lẻ khác trên địa bàn Hà Nội cho biết với bối cảnh sức mua duy trì ở mức thấp trong những tháng qua thì việc "tăng giá theo lương" sẽ gây khó cho cả đơn vị kinh doanh lẫn người tiêu dùng. Do đó, hầu hết nhà bán lẻ đã và đang làm việc với nhà cung cấp, đơn vị sản xuất để "nới lỏng" biên độ điều chỉnh giá dài ra, nếu trong trường hợp nguyên liệu đầu vào có xu hướng tăng. Cùng đó, nhà bán lẻ sẽ chú trọng chuyển hướng hoạt động khuyến mãi vào những ngành hàng tiêu dùng thiết yếu và thực hiện chương trình ưu đãi có trọng tâm.
Nhằm bình ổn thị trường hàng hóa, UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2024. Nhóm hàng và lượng hàng cần cân đối cung - cầu gồm gạo, thịt lợn, thịt gà, vịt, thủy hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ, đường, dầu ăn, gia vị, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết những đơn vị tham gia chương trình bình ổn giá sẽ được TP. Hà Nội hỗ trợ cung cấp thông tin các điều kiện của sản phẩm, của cơ sở sản xuất để đưa hàng hóa vào kênh phân phối từ đó nghiên cứu, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm lâu dài để chủ động kế hoạch sản xuất. Để làm tốt việc này Sở cũng sẽ tăng cường hoạt động liên kết vùng giữa TP. Hà Nội với các tỉnh, thành trong cả nước qua đó chủ động nguồn cung đối với các mặt hàng thiết yếu…
Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Nguyễn Anh Đức, Hiệp hội đã đề nghị các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ bình ổn, điều chỉnh giá theo hướng giảm so với thị trường. Cùng với đó, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao; khuyến khích trung tâm thương mại, siêu thị tổ chức các đợt khuyến mại hàng hóa nhằm kích cầu tiêu dùng cùng thời điểm lương tăng.