Sẽ chuẩn hóa trình độ kỹ năng nghề cho 50% lực lượng lao động
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đến năm 2030 chuẩn hóa trình độ kỹ năng nghề quốc gia cho khoảng 50% lực lượng lao động, ưu tiên người lao động làm việc trong các ngành, nghề công nghiệp mũi nhọn, công nghệ cao, ngành nghề kinh tế trọng điểm…
Đây là một trong những nội dung nêu tại dự thảo Đề án “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đang được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội gửi xin ý kiến các bộ, ngành.
THIẾU HỤT NGHIÊM TRỌNG LAO ĐỘNG CÓ KỸ NĂNG
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, phát triển toàn diện nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực có trình độ kỹ năng nghề cao được coi là giải pháp đột phá góp phần thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Việt Nam có cơ cấu “dân số vàng” với lực lượng lao động dồi dào, khoảng 51,6 triệu người, chiếm trên 55% dân số, là lợi thế để tiếp cận trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, tạo nên sức cạnh tranh khi nước ta hội nhập quốc tế, tham gia các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm và thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao về lao động có kỹ năng nghề, lực lượng lao động Việt Nam còn nhiều hạn chế như: Lao động qua đào tạo chưa có văn bằng, chứng chỉ chiếm đa số với gần 74% trong lực lượng lao động; sự thiếu hụt kỹ năng cơ bản, kỹ năng cốt lõi và kỹ năng chuyên môn, nhất là các lĩnh vực, ngành, nghề có sự thâm dụng về lao động, năng suất lao động và các chỉ số liên quan đến kỹ năng lao động Việt Nam thấp so với khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, còn mất cân đối về cơ cấu lao động theo ngành, nghề, giữa vùng, miền, giữa nông thôn và thành thị; khoảng 90% lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài có trình độ kỹ năng nghề thấp, lao động giản đơn, khó khăn khi hội nhập thị trường lao động quốc tế.
Mặt khác, hai năm qua, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tác động sâu rộng tới thị trường lao động, chuỗi cung ứng về lao động bị đứt gãy, sự thiếu hụt kỹ năng lao động trở nên nghiêm trọng hơn ở nhiều ngành nghề, lao động bị thiếu việc làm, mất việc làm, giảm thu nhập, nhất là nhóm lao động có kỹ năng làm việc thấp…
Nguyên nhân của tồn tại trên, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là do chưa có cơ chế hiệu quả để kết nối, gắn kế các bên liên quan giữa Nhà nước - Nhà trường – Doanh nghiệp trong việc đảm bảo hệ sinh thái kỹ năng nghề cho nâng tầm kỹ năng lao động, xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; các bộ, ngành chưa quan tâm, thực hiện hết trách nhiệm về công tác xây dựng, cập nhật, chỉnh sửa các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia…
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, Việt Nam đang trong tiến trình tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cho thấy vai trò quyết định của nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, chất lượng và hiệu quả cao đối với gia tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế bền vững.
Báo cáo Năng suất lao động Việt Nam của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy trình độ kỹ năng người lao động tác động tích cực đến năng suất lao động tại doanh nghiệp. Nếu tăng 1% các nhóm lao động như: qua đào tạo chưa có văn bằng, chứng chỉ; có chứng chỉ sơ cấp nghề; bằng trung cấp, cao đẳng; bằng đại học trở lên; chứng chỉ khác thì năng suất lao động tăng lên tương ứng là: 0,04%; 0,16%; 0,19%; 0,22%; 0,13%.
Cũng theo báo cáo, năng suất lao động đóng góp trong tăng trưởng GDP khoảng 65-75%. Vì vậy, nguồn nhân lực có kỹ năng nghề đóng góp trực tiếp cho năng suất lao động và tăng trưởng GDP…
ĐẢM BẢO LAO ĐỘNG ĐƯỢC TUYỂN DỤNG, TRẢ LƯƠNG TƯƠNG XỨNG KỸ NĂNG NGHỀ
Trước những yêu cầu trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, chuẩn hóa và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động giúp hình thành nguồn nhân lực có chất lượng, nhất là nhân lực có trình độ kỹ năng nghề cao để nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng với cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế; nâng xếp hạng chỉ số kỹ năng lực lượng lao động Việt Nam bắt kịp, tiến cùng các nước ASEAN – 4 và tiếp cận các nước phát triển.
Vì vậy, trong dự thảo Đề án “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Bộ đặt mục tiêu đến năm 2030 chuẩn hóa trình độ kỹ năng nghề quốc gia cho khoảng 50% lực lượng lao động.
Trong đó, trên 30% lao động đạt trình độ cao có bậc trình độ kỹ năng nghề quốc gia 4, 5 hoặc trình độ tương ứng, trong đó ưu tiên người lao động làm việc trong các ngành, nghề thuộc công nghiệp mũi nhọn, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao; người lao động thuộc các ngành nghề kinh tế trọng điểm, ưu tiên, chương trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Khoảng 70% lao động đạt các bậc trình độ còn lại, trong đó ưu tiên lao
động là thanh niên từ 15 đến 30 tuổi; lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp, lao động yếu thế.
Đảm bảo cơ hội tiếp cận về đào tạo, phát triển kỹ năng nghề, học tập
suốt đời cho trên 70% lực lượng lao động. Đồng thời, nâng cao chất lượng lao động qua đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề gắn với đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, đảm bảo trên 90% lao động được chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong nước và tham gia hiệu quả thị trường lao động quốc tế. Nâng xếp hạng chỉ số kỹ năng nghề lực lượng lao động thuộc nhóm 80 quốc gia đứng đầu.
Tỷ lệ người lao động qua đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng
nghề gắn với đánh giá, công nhận trình độ kỹ năng nghề quốc gia có việc làm, duy trì việc làm tại doanh nghiệp đạt 85%. Trong đó, 90% được doanh nghiệp tuyển dụng và sử dụng đánh giá hài lòng với chất lượng lao động; 90% người lao động được được tuyển dụng, sử dụng, trả tiền công, tiền lương theo trình độ kỹ năng, năng lực nghề nghiệp.
Phấn đấu 80% lao động đang làm việc tại doanh nghiệp được đào tạo, bồi dưỡng, trang bị kỹ năng, năng lực cơ bản; tiến tới phổ cập kỹ năng, năng lực cơ bản cho người lao động.