Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp, nguyên nhân do đâu?
Người tham gia chưa được hưởng các chế độ ngắn hạn; mức đóng tăng lên do mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn tăng, trong khi mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước còn thấp, là những nguyên nhân khiến số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa cao...
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết từ năm 2016 (Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực thi hành) đến hết tháng 8/2024, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng hằng năm.
Theo đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đến hết năm 2023 đạt tỷ lệ 4,09% so với lực lượng lao động, vượt 1,59% so với mục tiêu giai đoạn đến năm 2025 tại Nghị quyết sô 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, so với tiềm năng thì số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn còn thấp.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, điều này có nhiều nguyên nhân. Trước hết, về cơ chế, chính sách: Chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn người tham gia so với bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Đơn cử như người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa được hưởng các chế độ ngắn hạn; đời sống của người lao động còn khó khăn, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng lên do mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn tăng, trong khi đó mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước còn thấp. Thời gian đóng tối thiểu để được hưởng lương hưu còn dài (20 năm) chưa thu hút được người lao động có thời gian tham gia muộn.
Bên cạnh đó, sự vào cuộc của cấp ủy chính quyền tại một số địa phương đối với việc mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội còn hạn chế, chưa thật sự quyết liệt; công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội được tăng cường, đổi mới, song vẫn cần thời gian để thay đổi nhận thức của một bộ phận người lao động, nhất là vùng sâu, vùng xa.
Đề giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) năm 2024, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, đã có nhiều quy định theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, khuyến khích bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Đồng thời, từng bước khắc phục tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần của thời gian qua, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, góp phần ổn định cuộc sống khi về già.
Cụ thể, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã quy định người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con, nếu đáp ứng đủ điều kiện đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con, thì được hưởng trợ cấp bằng 2 triệu đồng cho mỗi con được sinh ra, và mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ.
Kinh phí thực hiện trợ cấp này do ngân sách Nhà nước bảo đảm, và Chính phủ quyết định điều chỉnh mức trợ cấp thai sản phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; khả năng của ngân sách Nhà nước từng thời kỳ.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thực tế thời gian qua, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho phụ nữ là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn khi sinh con đúng chính sách dân số.
Bên cạnh đó, Luật mới cũng quy định giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu xuống 15 năm, và quy định về tính tỷ lệ hưởng lương hưu đối với trường hợp có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 15 năm đến dưới 20 năm; sửa đổi quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Trong thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm phát triển bền vững người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.