S&P 500 tụt dốc 5 phiên liên tiếp, giá dầu lập đáy mới của năm 2022
Không chỉ phiên này, nỗi lo suy thoái kinh tế xảy ra trong năm 2023 đã phủ bóng lên tâm trí nhà đầu tư suốt những phiên gần đây...
Chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ 5 liên tiếp trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (7/12), khi nhà đầu tư lo lắng về nguy cơ suy thoái kinh tế và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có một chu kỳ tăng lãi suất kéo dài hơn dự kiến. Giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh, lập đáy mới của năm nay, do mối lo về nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Lúc đóng cửa, S&P 500 trượt 0,19%, còn 3.933,92 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 1,58 điểm, chốt ở 33.597,92 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,51%, còn 10.958,55 điểm.
Giá cổ phiếu đã giằng co giữa tăng và giảm trong suốt thời gian của phiên giao dịch. S&P 500 ở đỉnh của phiên tăng 0,41% và ở đáy của phiên giảm 0,47%.
“Thị trường đang chững lại sau đợt phục hồi mạnh kể từ khi lập đáy vào hồi tháng 10”, chiến lược gia trưởng Ryan Detrick của Carson Group phát biểu. Ông Detrick kỳ vọng rằng thị trường sẽ tiếp tục xu hướng này cho tới khi nhà đầu tư nhận được những thông tin rõ ràng hơn từ cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 12 của Fed và báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11.
Cuộc họp của Fed sẽ diễn ra vào ngày thứ Ba và thứ Tư tuần tới, và ngân hàng trung ương này được dự báo sẽ tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm. Dù bước nhảy lãi suất này giảm so với mức tăng 0,75 điểm phần trăm của 4 lần nâng liên tiếp vừa qua, nhà đầu tư đang lo ngại về việc liệu Fed có thể đưa nền kinh tế hạ cánh mềm mà vẫn khống chế được lạm phát một cách thành công.
Không chỉ phiên này, nỗi lo suy thoái kinh tế xảy ra trong năm 2023 đã phủ bóng lên tâm trí nhà đầu tư suốt những phiên gần đây.
“Tất cả các chỉ báo tài chính đều phản ánh một cuộc suy thoái kinh tế sắp xảy đến. Trong một số chu kỳ kinh tế gần đây, S&P 500 đạt đỉnh ở thời điểm bình quân 4 tháng trước khi suy thoái xuất hiện”, chuyên gia Azhar Iqbal của ngân hàng Wells Fargo nhận định trong một báo cáo.
Giới đầu tư đang chờ những dữ liệu kinh tế tiếp theo trong tuần này để căn chỉnh kỳ vọng về chính sách của Fed. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu sẽ công bố vào ngày thứ Năm; chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 11 và báo cáo niềm tin người tiêu dùng tháng 12 sẽ công bố vào ngày thứ Sáu.
Trong 3 phiên đầu tuần, Dow Jones đã giảm 2,42%; S&P 500 và Nasdaq giảm tương ứng 3,38% và 4,39%.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 2,18 USD/thùng, tương đương giảm 2,8%, còn 77,17 USD/thùng. Giá này thấp hơn mức đóng cửa của dầu Brent trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2022 là 78,98 USD/thùng.
Giá dầu WTI giao sau tại New York trượt 2,24 USD/thùng, còn 72,01 USD/thùng. Giá dầu WTI đã xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm trong phiên ngày thứ Ba, và mức đóng cửa của phiên ngày thứ Tư là một đáy mới.
Như vậy, giá dầu đã để mất toàn bộ thành quả tăng kể từ khi nổ ra chiến tranh Nga-Ukraine. Khi chiến tranh mới nổ ra, giá dầu Brent tăng vọt lêngần 140 USD/thùng, cách không xa mức cao nhất mọi thời đại thiết lập vào năm 2008 và châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trên toàn cầu.
Những tháng gần đây, giá dầu giảm liên tục vì giới đầu tư và chuyên gia kinh tế lo ngại về nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế - một hệ quả của chiến dịch tăng lãi suất để chống lạm phát.
Phiên giảm ngày thứ Tư còn do số liệu cho thấy lượng dầu thô tồn kho thương mại của Mỹ giảm nhiều hơn dự báo. Giá dầu tụt mạnh bất chấp một thông tin khả quan là Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - mạnh tay nới lỏng chính sách chống dịch hà khắc mang tên Zero Covid.
Thị trường đang tiếp tục chờ xem ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt mới mà phương Tây áp lên dầu thô Nga sẽ có tác động như thế nào. Lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga vận chuyển bằng đường biển của Liên minh châu Âu (EU) và trần giá 60 USD/thùng đối với dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đều đã chính thức có hiệu lực từ tuần này.
Tờ báo Vedomosti của Nga ngày thứ Tư đưa tin rằng nước này đang cân nhắc các lựa chọn để đáp trả, bao gồm cấm bán dầu cho một số quốc gia.
“Thị trường ngày hôm nay vẫn còn quá nhiều bấp bênh”, Phó chủ tịch Claudio Galimberti của Rystad Energy nhận định và nói thêm rằng sản lượng dầu thô của Nga có thể sẽ không giảm nhiều như dự báo ban đầu.