Startup chia sẻ xe lớn nhất Hàn Quốc thành "bom xịt" khi IPO

Mai Thanh
Chia sẻ

Dù có tiềm năng và được hậu thuẫn bởi nhiều “ông lớn” về đầu tư, startup trong ngành chia sẻ xe của Hàn Quốc này vẫn nhận về thất bại trong lần ra mắt thị trường…

Socar - công ty hoạt động về lĩnh vực chia sẻ xe hơi nổi bật tại xứ sở kim chi
Socar - công ty hoạt động về lĩnh vực chia sẻ xe hơi nổi bật tại xứ sở kim chi

Socar - công ty khởi nghiệp chia sẻ xe hơi lớn nhất Hàn Quốc đã thất bại trong lần ra mắt thị trường chứng khoán Seoul hôm 22/8, ngay cả khi đã định giá cổ phiếu thấp hơn mức cuối cùng của thị trường.

Cổ phiếu của Socar tăng 1,25% so với giá phát hành công khai lần đầu (IPO) 28.000 won (21,10 USD) trong những phút đầu tiên ra mắt, sau đó đã giảm xuống còn 26.300 won, chốt mức vốn hóa thị trường của Socar là 642 triệu USD.

Tuần trước, Socar cắt giảm mục tiêu chào bán IPO xuống còn 102 tỷ won (78,1 triệu USD), định giá công ty ở mức 966.5 tỷ won (731 triệu USD) trước khi giao dịch.

Socar ra mắt công chúng ngay trong bối cảnh thị trường IPO ở Hàn Quốc đang trong giai đoạn trì trệ, hàng loạt công ty tại đây phải trì hoãn kế hoạch niêm yết.

Các nhà phân tích cho rằng, hiệu suất bị sụt giảm trong ngày ra mắt của Socar là do mức định giá đắt đỏ và sự chậm lại của thị trường IPO do bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu.

MỤC TIÊU VÀ THAM VỌNG PHÁT TRIỂN CỦA SOCAR

Jaeuk Park - Giám đốc điều hành của Socar từng chia sẻ với TechCrunch, công ty đang đẩy mạnh kế hoạch niêm yết vì họ tự tin vào kết quả hoạt động và dự kiến sẽ tạo ra cả lợi nhuận hoạt động và lợi nhuận ròng vào cuối năm nay.

Ông cho biết, thay vì chờ đợi thị trường chứng khoán phục hồi để định giá cao hơn trong 2-3 năm tới, công ty ưu tiên đầu tư vào tăng trưởng hữu cơ hoặc vô cơ với số tiền thu được từ IPO.

"Trước hết, tốc độ tăng trưởng của Socar nhanh hơn dự kiến trong bối cảnh tái mở cửa sau đại dịch", ông nói. "Thị trường chứng khoán dự kiến sẽ khó khăn trong thời điểm hiện tại, nhưng ngành công nghiệp di động sẽ phát triển nhanh chóng. Vậy nên chúng ta không thể bỏ lỡ thời điểm quan trọng này. Công ty sẽ tập trung vào việc đẩy nhanh hoạt động mua bán và sáp nhập, cũng như đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh và công nghệ mới".

Công ty có kế hoạch tăng cường các dịch vụ và nỗ lực mở rộng phạm vi hoạt động thông qua việc mua lại để trở thành một siêu ứng dụng di động, mục tiêu đạt doanh thu 1 nghìn tỷ won (748 triệu USD) vào năm 2025, tăng từ 289 tỷ won của năm ngoái. Socar còn đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng doanh thu hàng năm từ 30% trở lên vào năm 2025.

"Công ty chúng tôi còn là startup kỳ lân về dịch vụ di động đầu tiên và duy nhất ở Hàn Quốc. Socar sẽ trở thành công ty kỳ lân có lãi đầu tiên được niêm yết", ông Park tự tin khẳng định.

Socar được "hậu thuẫn" bởi SoftBank và nhà đầu tư chiến lược nổi tiếng tại Hàn Quốc SK Inc. Startup này bước chân vào giới kỳ lân với khoản tài trợ khoảng 183.2 tỷ won (150 triệu USD) ở mức 1.3 nghìn tỷ won (tương đương 1 tỷ USD) vào tháng 3 từ Lotte Rental, đơn vị cho thuê xe hơi của Tập đoàn Lotte. Họ cũng đã huy động được tổng cộng 379.7 tỷ won (284.2 triệu USD) kể từ khi thành lập vào năm 2011, trước khi phát hành công khai lần đầu.

Các cổ đông lớn của công ty bao gồm SoftBank, SK Inc., Lotte Rental và Altos Ventures sẽ nắm giữ cổ phần của họ kể từ khi họ đồng ý thời hạn khóa lên tới 6 tháng.

QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN VÀ VỊ TRÍ CỦA SOCAR TRONG NGÀNH CHIA SẺ XE HƠI

Công ty 11 năm tuổi này bắt động hoạt động dịch vụ chia sẻ ô tô với quy mô 100 chiếc xe ở Jeju. Tới thời điểm hiện tại, họ sở hữu hơn 19 nghìn chiếc xe trên khắp cả nước, cung cấp các dịch vụ như chia sẻ xe hơi, cho thuê xe ô tô, xe đạp điện, bãi đỗ xe, quản lý và bảo trì phương tiện. Một siêu ứng dụng vận tải cung cấp dịch vụ di chuyển tích hợp của công ty sẽ ra mắt vào cuối năm nay. Ngoài ra, Socar đang xây dựng một hệ sinh thái cải thiện tính di động trong tương lai, bao gồm nền tảng lái xe tự động, dịch vụ trạm sạc điện cho ô tô điện và khả năng vi động.

Ông Park cho biết, Socar muốn thâm nhập thị trường Đông Nam Á với lĩnh vực kinh doanh mới là phần mềm dạng dịch vụ B2B của hệ thống quản lý đội xe (FMS), dự kiến sẽ bắt đầu rao bán vào cuối quý 4 năm nay. 19 nghìn chiếc xe do Socar sở hữu sẽ được hợp lại và xây dựng một hệ thống FMS sử dụng dữ liệu chung, chẳng hạn như vị trí của từng xe và môi trường xung quanh để hỗ trợ hệ thống giám sát và kiểm soát hiệu quả, cung cấp thông tin chính xác cho người lái xe và máy chủ quản lý.

"Khác với lĩnh vực chia sẻ xe hơi - ngành mũi nhọn của Socar trong 10 năm qua, nếu kế hoạch FMS được ổn định, nó sẽ có tiềm năng trở thành một phần mềm dạng dịch vụ B2B đảm bảo tỷ suất lợi nhuận cao", Park nói.

Socar tuyên bố rằng công ty đã chiếm khoảng 80% thị phần tại Hàn Quốc, với hơn 11.4 triệu người dùng và 1.4 triệu người dùng hoạt động hàng tháng trong năm nay.

Công ty còn thành lập Socar Malaysia, 79% cổ phần thuộc sở hữu của SK Inc., và ra mắt dịch vụ tại Malaysia vào năm 2018, tại Indonesia vào năm 2020.

Socar được thành lập năm 2011 bởi Lee Jae woong - đồng sáng lập cổng internet lớn nhất Hàn Quốc Daum Communications (sau này được sáp nhập vào Kakao năm 2014). Còn Jaeuk Park là một doanh nhân nối tiếp, kiêm nhà sáng lập công ty VCNC - nhà sản xuất của ứng dụng nhắn tin cho các cặp đôi Between ra mắt năm 2011. Ông đã bán VCNC cho Socar vào năm 2018. Sau khi bán VCNC, Park gia nhập Socar với tư cách là giám đốc chiến lược, lãnh đạo doanh nghiệp gọi xe của Socar Tada. Năm 2020, sau khi ông Lee từ chức, ông Park bắt đầu đảm nhận vai trò giám đốc điều hành của công ty.

Nhà sản xuất trò chơi Hàn Quốc Krafton đã mua lại ứng dụng Between của VCNC vào tháng 5 năm 2021. Trong khi đó, Viva Republica - một nhà điều hành siêu ứng dụng tài chính Toss đã mua 60% cổ phần của Tada, doanh nghiệp gọi xe của VCNC với một khoản tiền bí mật vào tháng 10 năm ngoái.

TMap Mobility của Hàn Quốc có các nhà đầu tư bao gồm Uber Technologies và công ty đầu tư SK Square của SK Inc. cho biết, họ đã huy động được 149.2 triệu USD (200 tỷ won) từ nhà đầu tư chiến lược KB Bank. Một nền tảng gọi xe khác của Hàn Quốc là Kakao Mobility cũng đã lên kế hoạch IPO từ năm 2022 - 2023 và cho biết họ đã chấm dứt đàm phán giao dịch với công ty cổ phần tư nhân MBK Partners.

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con