Sự thay đổi của thị trường e-commerce Đông Nam Á: TikTok và hành vi của người tiêu dùng năm 2023
Thu hút hàng triệu người dùng trên toàn thế giới, TikTok hiện là ứng dụng truyền thông hàng đầu thế giới. Ứng dụng này ảnh hưởng sâu sắc đến hành vi của người dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Đông Nam Á…
Năm 2022, TikTok chính thức ra mắt tính năng Thương mại điện tử, TikTok Shop, cho phép người dùng tiếp cận và mua trực tiếp các mặt hàng mà không cần phải rời khỏi ứng dụng. Từ đây, những thói quen trong hành vi mua hàng của người dùng Đông Nam Á bắt đầu có sự thay đổi.
THAM VỌNG CỦA TIKTOK
Để đáp lại mối lo ngại ngày càng tăng trên toàn cầu về bảo mật dữ liệu đồng thời cũng để củng cố vị thế của mình ở Đông Nam Á, ByteDance đã công bố một kế hoạch đầu tư mới.Công ty có kế hoạch bơm hàng tỷ USD vào khu vực Đông Nam Á, tái khẳng định thực hiện cam kết bảo mật dữ liệu trong bối cảnh ngày càng có nhiều chính phủ và cơ quan quản lý lo ngại rủi ro của việc thu thập dữ liệu.
Theo Momentum Works, các giao dịch thương mại điện tử khu vực đạt gần 100 tỷ USD vào năm 2022, trong đó thị trường Indonesia đóng góp 52 tỷ USD. Trong đó, các giao dịch của TikTok chiến 4,4 tỷ USD trên toàn khu vực vào năm 2022, tăng đáng kể so với mức 600 triệu USD được ghi nhận vào năm 2021. Bất chấp mức tăng trưởng vượt trội này, hiệu quả hoạt động Thương mại điện tử của công ty vẫn tụt hậu so với các đối thủ như Shopee, với báo cáo doanh số bán hàng đạt 48 tỷ USD vào năm 2022.
Công ty có trụ sở tại Trung Quốc dự định đầu tư vào nhiều lĩnh vực quan trọng khác nhau để củng cố vị thế của mình tại thị trường Đông Nam Á, chẳng hạn như quảng cáo, hỗ trợ các nhà cung cấp nhỏ hay tăng cường đào tạo nhân sự.
TÁC ĐỘNG CỦA TIKTOK ĐẾN BỐI CẢNH THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
TikTok đã tạo ra cuộc cách mạng trong lĩnh vực Thương mại điện tử. Cơ sở người dùng rộng lớn và định dạng video hấp dẫn đã giúp các doanh nghiệp thu hút và tiếp cận hiệu quả các khách hàng hơn. Với 40% nhân khẩu học người dùng nằm trong độ tuổi từ 16 đến 24 tuổi, TikTok đã thực sự thành công trong việc thỏa mãn nhóm người dùng này. Với thuật toán ưu tiên nội dung hấp dẫn, ngay cả những doanh nghiệp nhỏ với ngân sách hạn chế cũng có cơ hội tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng.
Chỉ cần một video lên xu hướng, thương hiệu sẽ tiếp tục được tăng khả năng hiển thị những video kế tiếp, từ đó, thúc đẩy lưu lượng truy cập đáng kể đến các trang web Thương mại điện tử của họ. Chỉ cần biết tận dụng xu hướng để tạo ra nội dung lan truyền, doanh nghiệp dễ dàng thu hút hàng triệu lượt xem và thu hút được lượng lớn người theo dõi.
Ví dụ: vào tháng 5/2019, Chipotle, nhà sáng tạo nội dung tạo ra trào lưu “thử thách lật nắp” trên TikTok. Thử thách nhanh chóng lan truyền và tạo ra hơn 100.000 video đi theo xu hướng này với hơn 230 triệu lượt xem.
Tiên phong tạo ra xu hướng các video ngắn, TikTok nổi lên như một công cụ bán hàng mới để các doanh nghiệp kết nối với khán giả trẻ và cách mạng hóa các chiến lược tiếp thị của họ. Định dạng nội dung hấp dẫn của nền tảng, kết hợp với cơ sở người dùng rộng lớn, mang đến cơ hội to lớn cho các thương hiệu mở rộng phạm vi tiếp cận và nâng cao nhận thức về thương hiệu của họ theo những cách mà trước đây không thể tưởng tượng được.
Không chỉ dừng lại ở việc giúp các doanh nghiệp tiếp thị, với quyết định lấn sân sang Thương mại điện tử, TikTok một lần nữa định nghĩa lại trải nghiệm mua sắm của người dùng. Livestream trực tiếp sản phẩm không còn là chuyện xa lạ. Việc này đã giúp người dùng đánh giá kỹ lưỡng sản phẩm trước khi quyết định mua hàng.
MỘT SỐ NỀN TẢNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ KHÁC TẠI ĐÔNG NAM Á
Shopee – Shopee hiện có GMV lớn nhất Đông Nam Á, ở mức 46,5%. Tuy nhiên, thị phần của nền tảng này đã giảm kể từ năm 2022. Shopee cũng đã mạo hiểm đầu tư dịch vụ tài chính cho người dùng BNPL, điều mà TikTok shop vẫn chưa tham gia.
Lazada – Được coi là một trong những công ty tiên phong về thương mại điện tử di động, GMV của Lazada trong khu vực cũng đã bị thu hẹp vào năm 2023 do sự tăng trưởng của TikTok Shop. Lazada vẫn hoàn toàn tập trung vào thương mại điện tử. Công ty mẹ của nó, Tập đoàn Alibaba, gần đây đã công bố kế hoạch đầu tư thêm 845 triệu USD vào nền tảng thương mại điện tử này. Gần đây, Lazada cũng đã giới thiệu LazzieChat, một chatbot AI có tính sáng tạo, vào nền tảng của mình.
Tokopedia – Từng là gã khổng lồ thương mại điện tử của Indonesia, chi nhánh thương mại điện tử của GoTo đang phải đối mặt với mức tăng trưởng chậm hơn sau một loạt các đợt sa thải và các biện pháp cắt giảm chi phí để có lãi. Mặc dù ra mắt một số tính năng mới cho khách hàng, Tokopedia có thể phải tìm thêm cách để xây dựng lại danh tiếng của mình như một nền tảng thương mại điện tử hàng đầu ở Indonesia.
Shein – Khởi đầu là một thương hiệu thời trang nhanh ra mắt trong thời kỳ đại dịch Covid-19, Shein cũng đang ngày càng phổ biến ở Đông Nam Á. Mặt hàng chủ yếu của nền tàng này là thời trang. Mặc dù không phải là ứng dụng thương mại điện tử phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, nền tảng này đang thu hút khách hàng ở nhiều nơi trên thế giới. Ứng dụng này đã được tải xuống nhiều nhất ở Nam Phi và là ứng dụng mua sắm thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Mỹ.
Trong năm 2023, thị phần dự kiến của TikTok Shop ở Đông Nam Á sẽ tăng 13,2%, ngang hàng với các công ty lớn như Lazada và Tokopedia. Khi công ty tiếp tục đầu tư hàng tỷ USD để thúc đẩy hoạt động kinh doanh Thương mại điện tử của mình, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần sẵn sàng điều chỉnh chiến lược để tận dụng nền tảng có ảnh hưởng nhất thế giới này…