Sức hút khách quốc tế của du lịch Thừa Thiên - Huế
Trong 6 tháng đầu năm 2023, lượng khách du lịch đến Thừa Thiên - Huế đạt khoảng hơn 1,64 triệu, trong đó khách quốc tế đạt khoảng gần 568.000 lượt. Thị trường khách thu hút đến tham quan, du lịch tại tỉnh này, ngoài Thái Lan, Hàn Quốc, châu Âu và Bắc Mỹ, thị trường đang nổi gồm Úc và Đài Loan...
Theo báo cáo của Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, lượng khách du lịch đến Thừa Thiên - Huế đạt khoảng hơn 1,64 triệu lượt trong nửa năm 2023, trong đó khách nội địa đạt khoảng gần hơn 1,073 triệu lượt, khách quốc tế đạt khoảng gần 568.000 lượt. Khách lưu trú khoảng gần 846.000 lượt. Tổng thu từ du lịch 6 tháng ước đạt khoảng gần 3.500 tỷ đồng, tăng 148% so với cùng kỳ năm 2022. Các thị trường khách quốc tế lưu trú chiếm tỷ trọng lớn là Thái Lan, Pháp, Úc, Đức, Mỹ, Anh, Hà Lan, Tây Ban Nha, Đài Loan, Malaysia và một số thị trường khác.
Để tạo ra sự hấp dẫn, thu hút khách đến Huế, trong thời qua, Ngành Du lịch Thừa Thiên - Huế đã tổ chức một số hoạt động kích cầu du lịch trong khuôn khổ Festival 4 mùa 2023, như Lễ hội chào Hè Huế 2023 diễn ta trong cuối tháng 3, lễ hội Khinh khí cầu Huế 2023 và mới đây nhất là Ngày hội Sen Huế 2023 diễn ra tại hồ Tịnh Tâm thu hút hàng vạn du khách và người địa phương tham gia.
Trong thời gian tới, ngành Du lịch Thừa Thiên - Huế sẽ tiếp tục triển khai Ngày hội Hiphop Huế 2023 vào cuối tháng 7, Ngày hội Lân vào đầu tháng 9 và Tuần lễ du lịch chăm sóc sức khỏe vào tháng 11.
Các sự kiện du lịch này cùng Festival Thể thao Huế 2023 đang diễn ra và Ngày hội Áo dài Huế sắp diễn ra trong tháng 7 cùng với các hoạt động phụ trợ hấp dẫn khác đã, đang và sẽ thu hút một lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, du lịch tại Huế, góp phần vào sự phục hồi chung của ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
Cùng với đó, sự kiện Nhà ga mới T2 của Cảng hàng không quốc tế Phú Bài vừa đưa vào hoạt động từ cuối tháng 4 và chính thức được khai trương vào ngày 17/6 vừa qua là một cơ hội tốt để ngành du lịch tỉnh chuẩn bị đón các dòng khách quốc tế đến từ một số thị trường truyền thống và tiềm năng. Nhà ga này có tổng mức đầu tư gần 2.300 tỷ đồng, với công suất 5 triệu hành khách/năm (gồm 1 triệu khách quốc tế và 4 triệu khách quốc nội). T2 Phú Bài là nhà ga đầu tiên của ACV ứng dụng chuyển đổi số, nâng cấp hạ tầng số, nền tảng số để chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ nhằm đem lại nhiều thuận lợi cho hành khách…
Đáng chú ý, chuyến bay quốc tế đầu tiên đến Nhà ga T2 - Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài vào rạng sáng ngày 02/7/2023 - xuất phát từ thành phố Côn Minh, Trung Quốc (với 230 hành khách) đây được xem là dấu mốc mới, mở ra tiền đề cho sự phát triển của hàng không quốc tế đến với Thừa Thiên - Huế trong thời gian tới.
Thông tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện nay ngành du lịch tỉnh này đang đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, truyền thông hình ảnh, sản phẩm du lịch địa phương; tham mưu cho chính quyền các chính sách tạo điều kiện thuận lợi, vận động các doanh nghiệp du lịch địa phương có chính sách giá ưu đãi cho các hãng bay và đơn vị lữ hành đưa khách đến Thừa Thiên Huế; hỗ trợ kết nối và quảng bá cho doanh nghiệp du lịch tỉnh xây dựng các sản phẩm mới, đặc biệt là du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch MICE, du lịch làng nghề truyền thống và du lịch tâm linh để bổ trợ thêm cho du lịch di sản; đồng thời xây dựng các danh hiệu: “Huế - Thành phố Lễ hội”, “Huế - Kinh đô Áo dài”, “Huế - Kinh đô ẩm thực”. Thừa Thiên - Huế cũng đang triển khai đề án Festival Bốn mùa nhằm thu hút du khách trong nước và quốc tế xuyên suốt cả năm. Đây là điều kiện thuận lợi và cơ hội tốt cho việc tăng chuyến, mở thêm các đường bay mới đi và đến Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh, khẳng định vị thế và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đánh giá thị trường khách thu hút đến tham quan, du lịch tại Thừa Thiên - Huế sắp tới, Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc cho biết, ngoài thị trường truyền thống Thái Lan, Hàn Quốc, châu Âu và Bắc Mỹ, thị trường đang nổi gồm Úc và Đài Loan thì thị trường các quốc gia Hồi giáo ở Đông Nam Á và Trung đông là một trong những thị trường tiềm năng cần được quan tâm triển khai xúc tiến.