Tái khởi động sản xuất, yếu tố tiên quyết là an toàn nguồn lực lao động
Để tái khởi động lại sản xuất sau một thời gian dài giãn cách, sự an toàn nguồn lực lao động là yếu tố quan trọng hàng đầu...
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn các nhà lãnh đạo Doanh nghiệp 2021 với chủ đề “Đảm bảo an toàn nguồn lực lao động – nền tảng của phát triển bền vững” do Hội đồng Doanh nghiệp Phát triển Bền vững (VBCSD) và Mạng lưới Doanh nghiệp Hỗ trợ Phát triển Quyền năng Phụ nữ (VBCWE) phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 7/10, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam, Chủ tịch Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam Hỗ trợ Phát triển Quyền năng Phụ nữ (VBCWE), Phó chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD), nhấn mạnh một thông điệp: Tái khởi động sản xuất, yếu tố tiên quyết là an toàn nguồn lực lao động.
"Việt Nam đang trải qua những ngày tháng lịch sử vượt khó quên, với những thách thức chưa từng có, ảnh hưởng tới sự phát triển các quốc gia toàn cầu, Việt Nam không phải là ngoại lệ. Từ đó, gây ra sự xáo trộn cuộc sống các gia đình, xã hội, sự đứt gãy từng phần đối với nền kinh tế của từng khu vực, quốc gia, từng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh", Chủ tịch Deloitte Việt Nam chỉ rõ. Gần đây, đã có một khái niệm được Chính phủ và nhiều địa phương nhắc đến, đứt gãy chuỗi lao động.
"Khi doanh nghiệp tái khởi động lại sản xuất sau một thời gian dài giãn cách, điều quan trọng là từng doanh nghiệp cần phải xây dựng lại và duy trì một kế hoạch hoạch kinh doanh liên tục. Để thực hiện kế hoạch này, câu chuyện về sự an toàn nguồn lực lao động đang là yếu tố tối quan trọng, hàng đầu".
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam.
Bình thường mới theo quan niệm của Chính phủ, đó là sống chung, sống cùng với Covid một cách an toàn, thích ứng và hiệu quả.
Bà Thanh cho biết, ba yếu tố trụ cột để doanh nghiệp trong một doanh ngiệp phát triển bền vững, nguồn lực kinh tế, nguồn lực lao động và nguồn lực xã hội.
Trong đó, nguồn lực kinh tế gắn với tài chính và thị trường, luôn luôn được các doanh nghiệp coi trọng và hàng đầu, ưu tiên tối đa.
Nguồn lực lao động gắn với câu chuyện an toàn nguồn lực lao động, góc nhìn từ bảo toàn nguồn lực và phát triển nguồn lực lao động, với chất lượng ngày càng cao, gắn với phát triển bền vững, gắn với một quan hệ lao động gắn kết pháp lý. Tuy nhiên, "một chính sách làm việc linh hoạt để thực thi bình đẳng giới tại nơi làm việc, hỗ trợ cho việc nâng cao, hiệu suất năng suất lao động đối với khu vực kinh tế tư nhân, dường như chưa được các doanh nghiệp quan tâm một cách đúng mức và đầy đủ", bà Thanh chỉ rõ.
Ra đời với sứ mệnh hỗ trợ các doanh nghiệp trong khu vực kinh tế tư nhân để cải thiện chính sách và môi trường làm việc, nâng cao hiệu quả kinh doanh hướng đến phát triển bền vững, VBCWE là tổ chức đầu tiên tại Việt Nam tiên phong trong việc xây dựng và nâng cao nhận thức và hành động trong việc xây dựng và phát triển văn hóa đa dạng bao trùm, nơi tạo ra giá trị giới một cách bình đẳng nơi làm việc, thông qua một công cụ hỗ trợ.
"Đó chính là xây dựng chính sách nhân sự một cách đảm bảo, trong đó có chính sách làm việc linh hoạt một cách gián tiếp và bền vững",Chủ tịch Deloitte Việt Nam nhấn mạnh.
VBCWE đang đóng góp cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp và nền kinh tế. Các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng rất nhiều sau Covid, thì người lao động và lao động nữ là nhóm dễ bị tổn thương nhất.
Cũng theo bà Carly Main, Quyền tham tán, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, bất bình đẳng giới hiện là thách thức khó vượt qua. Đại dịch Covid thậm chí gây ra những bất lợi do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh cuộc sống.
"Theo cuộc khảo sát gần đây, Covid ảnh hưởng đến lực lượng lao động, đặc biệt lực lượng lao động nữ, vừa thu nhập giảm sút, ảnh hưởng đến tinh thần, tăng gánh nặng và gia tăng trách nhiệm. Hậu quả không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người lao động mà còn ảnh hưởng đến doanh nghiệp", bà Carly Main nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bà Carly Main cũng thừa nhận tiềm năng của người phụ nữ tham gia vào nền kinh tế và có tác động mạnh mẽ vào sự tăng trưởng và sự cạnh tranh.
Dưới góc nhìn lạc quan, bà Hà Thu Thanh cho rằng: "Đại dịch Covid cũng trở thành một cú hích để các doanh nghiệp nhìn lại hoạt động của chính mình, tạo ra chính sách làm việc linh hoạt, từ giải pháp tình thế thành một xu thế lớn hơn".
Đồng thời, thay đổi từ tư duy quản lý lao động, theo thời gian sang tư duy quản trị an toàn và hiệu quả nguồn lực lao động. Đây cũng là bài toán để duy trì lực lượng lao động một cách liên tục và bền vững, tạo điều kiện để ổn định công ăn việc làm cho người lao động và tạo đa cho doanh nghiệp được phục hồi và trở lại phát triển một cách nhanh hơn, bền hơn, vững hơn.
Có thể thấy, trong tư duy phát triển bền vững thời bình thường, một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) gọi là thời "bình thường tốt hơn" theo một cách tích cực, thì sự bền vững về môi trường xã hội, trong đó sự bền vững về lực lượng lao động, nguồn lực quan trọng nhất và đang bị đứt gãy của doanh nghiệp, sẽ hỗ trợ rất nhiều bên cạnh nguồn lực tài chính đang mỏng gần đi qua từng giai đoạn của đại dịch.
"Sự bền lòng và sự gắn kết của người lao động càng cao thì doanh nghiệp cần phát triển bền vững. Đồng thời phải hỗ trợ nhiều cho an sinh xã hội và sự ổn định của chính doanh nghiệp và của cộng đồng", bà Thanh khẳng định.
Nhờ củng cố nguồn lực lao động của từng doanh nghiệp, cập nhật thêm kế hoạch, doanh nghiệp sẽ vượt qua thách thức trước mắt cũng như phục hồi, tạo đà tăng trưởng trong dài hạn.