Tai nạn do pháo nổ tăng trong dịp Tết
Trong nửa đầu kỳ nghỉ Tết, đã có hơn 450 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại, nhiều hơn gần 130 ca so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023, song không có trường hợp tử vong, theo Bộ Y tế...
Bộ Y tế vừa có báo cáo gửi Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ về việc tăng cường công tác bảo đảm y tế trong dịp Tết Giáp Thìn năm 2024.
Theo đó, Bộ Y tế cho biết, từ ngày 8/2/2024 đến ngày 11/2/2024 (tức từ ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão đến ngày mùng 2 tháng Giêng năm Giáp Thìn), trên toàn quốc ghi nhận 109.840 bệnh nhân đang điều trị, tăng 14,7% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023.
Tổng số bệnh nhân đến khám, cấp cứu là 151.268 người, tăng 4,5% so với cùng kỳ; gần 61.400 bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú, tăng 1%.
Tổng số ca phẫu thuật các loại là 7.291 ca phẫu thuật cấp cứu, tăng 3,3% so với cùng kỳ; trong đó số ca phẫu thuật cấp cứu là 1.908 ca, tăng 11% so với năm 2023.
Tổng số ca đỡ đẻ, mổ đẻ thành công 7.680 ca, tăng 9,6%. Tổng số bệnh nhân ra viện là 73.092 bệnh nhân, tăng 8,2%.
Liên quan đến tình hình khám cấp cứu tai nạn nghi liên quan đến giao thông, tính từ ngày 8/2 đến ngày 11/2, có tổng cộng 9.920 ca khám, cấp cứu do tai nạn giao thông, giảm 14,4% so với cùng kỳ Tết Quý Mão năm 2023. Số lượng ca khám, cấp cứu tai nạn giao thông chiếm 6,6% tổng số ca khám, cấp cứu.
Số trường hợp phải nhập viện 4.787 trường hợp (chiếm 48,3% tổng số ca), tăng 9,6% so với Tết Quý Mão 2023. Có 67 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, giảm 17 ca (20,2%) so với Tết Quý Mão 2023.
Đối với tai nạn do pháo nổ, chất nổ, đã có 453 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại, nhiều hơn 129 ca so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023, không có trường hợp tử vong.
Có 55 trường hợp cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ tự chế, 24 trường hợp phải nhập viện điều trị theo dõi.
Bộ Y tế đánh giá, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ về tăng cường công tác khám, chữa bệnh trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, bảo đảm công tác thường trực cấp cứu cho nhân dân.
Tai nạn liên quan đến giao thông giảm mạnh cả số khám, số nặng chuyển tuyến trên và số ca tử vong. Tuy nhiên, tai nạn do pháo nổ tăng so với Tết Quý Mão 2023.
Liên quan đến tình hình ngộ độc thực phẩm, từ ngày 8/2 đến nay, trên toàn quốc chưa ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm và bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 đã được toàn ngành Y tế, các địa phương và cơ quan chức năng chủ động triển khai nghiêm túc, quyết liệt, góp phần kiểm soát tình hình an toàn thực phẩm, đặc biệt các vụ ngộ độc thực phẩm và nguy cơ ô nhiễm thực phẩm cho cộng đồng.
Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các địa phương theo dõi, nắm thông tin và xử lý kịp thời trong trường hợp có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Đối với tình hình cung ứng thuốc khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai mua sắm thuốc; quản lý giá cả; kiểm tra chất lượng, và cung cấp thông tin công khai.
Đồng thời phối hợp với cơ quan thanh tra trong việc đảm bảo việc thực thi các quy định liên quan đến thuốc để đảm bảo cung ứng thuốc phòng, chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết.
Từ đầu kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán đến ngay, Bộ Y tế không nhận được thông tin, phản ánh về thiếu thuốc, tăng giá thuốc trên toàn quốc.
Cũng trong dịp Tết, Bộ Y tế đã chỉ đạo toàn diện Giám đốc Sở Y tế, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ xây dựng và triển khai kế hoạch tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên Đán năm 2024; phân công trực 24/24 giờ đối với lãnh đạo và nhân viên đơn vị theo quy định.
Cùng với đó, tổ chức lực lượng, phương tiện ứng trực, theo dõi, giám sát diễn biến dịch và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh. Thực hiện tốt việc chăm lo, động viên vật chất, tinh thần đối với lực lượng trực chống dịch và cán bộ y tế công tác tại đơn vị…