Tán thành cơ chế đặc thù, giao Khánh Hòa quyết định đầu tư đường liên vùng gần 2.000 tỷ đồng
Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều đồng thuận với chủ trương và áp dụng cơ chế đặc thù đầu tư đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận...
Ngày 30/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về quyết định chủ trương đầu tư dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận.
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cho biết dự án được lên kế hoạch từ lâu và đa số ý kiến của các đại biểu đồng thuận với quyết định chủ trương đầu tư dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận.
Theo Bộ trưởng, dự án mang nhiều ý nghĩa về phát triển kinh tế xã hội cũng như ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần nâng cao đời sống vùng dân cư tuyến đường đi qua.
Về cơ chế đặc thù áp dụng cho dự án, Bộ trưởng khẳng định cơ quan soạn thảo, thẩm tra sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu, rà soát lại kỹ càng, đảm bảo quản lý chặt chẽ, tiết giảm quy trình thủ tục.
Trước đó, thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai bày tỏ tán thành với chủ trương đầu tư dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận.
Đại biểu cho biết, dự án này cần đưa ra Quốc hội thảo luận bởi liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Vấn đề liên quan đến chất lượng rừng đã được làm rõ, tuy nhiên, đại biểu đề nghị, trong Nghị quyết cần làm rõ thêm việc sẽ trồng rừng thay thế như nào.
Đề cập tới với vấn đề phải trình Quốc hội việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đại biểu Trịnh Xuân An cho hay, cơ sở dữ liệu, số liệu đánh giá cho rằng phần này không tác động trực tiếp đến sinh thái, an toàn, môi trường. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ cung cấp thêm thông tin về cơ sở này, đặc biệt là bảo đảm về giá trị, tính chính xác của các thông số.
Liên quan tới cơ chế đặc thù, đặc cách Quốc hội đang dự kiến giao tỉnh Khánh Hòa, đại biểu đề nghị cần rà soát lại các dự án đã áp dụng cơ chế đặc thù. Quốc hội đã giao nhiều cơ chế đặc thù đối với nhiều dự án khác nhau, do đó, cần phải có tổng kết, đánh giá để những cơ chế đó trở thành thông dụng. Qua đó, có thể áp dụng và sửa đổi quy định pháp luật.
Bày tỏ quan điểm ủng hộ dự án, đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, cho biết tuyến đường đi sát vào khu bảo tồn quốc gia nên cần đặc biệt chú ý đến công tác bảo tồn, phải có phương án thi công cụ thể, có phương án phục hồi, trồng rừng thay thế.
"Cần mở rộng diện tích khu bảo tồn ở phạm vi xung quanh để bù lại diện tích rừng, thay vì trồng lại lẻ tẻ ở nhiều xã, hay ở đất rừng sản xuất", Đại biểu tỉnh Thái Nguyên lưu ý.
Lưu ý phương án thiết kế mở rộng lòng đường để đáp ứng các mục tiêu đề ra, đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh đặt vấn đề khu vực này có rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ gia đình có công với cách mạng cần chú trọng chính sách đền bù để người dân có nơi ở mới phù hợp hơn, cao hơn. Dự án cần dự trù kinh phí đáp ứng đủ yêu cầu.
Do đó, đại biểu đề nghị nên áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù và Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét nếu có điều chỉnh các nội dung trong chủ trương quyết định đầu tư.
Cũng tại phiên họp, đa phần đại biểu Quốc hội đều thống nhất về chủ trương đầu tư dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận.
Bởi đây là một trong những dự án giao thông huyết mạch quan trọng và cần tập trung nguồn lực để nghiên cứu thực hiện đầu tư giai đoạn từ nay đến năm 2025, nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, đặc biệt kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối vùng theo Nghị quyết chính của Bộ Chính trị.
Dự án này nếu được đầu tư hoàn thành sẽ tạo ra một trục giao thông theo hướng Bắc- Nam tại khu vực phía Tây tỉnh Khánh Hòa, tiếp nối với trục giao thông theo hướng Bắc - Nam tại khu vực phía Tây của tỉnh Ninh Thuận, đồng bộ với mạng lưới đường giao thông theo hướng Đông - Tây của tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận.
Từ đó, góp phần hình thành mạng lưới giao thông đường bộ thông suốt từ tỉnh Khánh Hòa qua phía Tây tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Lâm Đồng, kết nối các đầu mối giao thông trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh, giúp mở rộng không gian và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội không chỉ giúp hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh tỉnh Khánh Hòa thoát nghèo mà còn thúc đẩy các phát triển kinh tế - xã hội của cả một vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung.
Theo tờ trình của Chính phủ, tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa, kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận dài 56,9 km là 1.929,882 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 là 1.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2030 là 930 tỷ đồng.
Nhu cầu sử dụng đất: khoảng 128,96 ha và chuyển mục đích sử dụng rừng 75,58 ha, gồm: 32,88 ha đất rừng đặc dụng; 27,07 ha đất rừng phòng hộ.
Thời gian thực hiện dự án theo đề xuất của Chính phủ là từ năm 2022 đến năm 2027. Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội thông qua các cơ chế đặc biệt áp dụng cho dự án, rút ngắn thời gian xây dựng, thông qua việc giao UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện dự án theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý theo quy định pháp luật về đầu tư công.