Tăng trưởng tín dụng nhích lên, lãi suất cho vay bình quân giảm 0,6% so với cuối 2023
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I do Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/3, tính đến 25/3/2024 so với 31/12/2023, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76%, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 0,26%...
Dù tín dụng đã thoát tăng trưởng âm (2 tháng đầu năm giảm 0,72% so với cuối 2023) nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng 1,99% cùng kỳ 2023.
Trước đó, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Nước tại cuộc họp toàn thể Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia chiều ngày 28/3 cho biết đến 25/3, lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới lần lượt ở mức 3,1%/năm và 6,5%/năm, giảm tương ứng khoảng 0,4%/năm và 0,6%/năm so với cuối năm 2023; tỷ giá diễn biến phù hợp với xu hướng các đồng tiền quốc tế so với USD.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng đầu năm tăng thấp chủ yếu do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán và khả năng hấp thụ vốn chưa cao, tuy nhiên đã phục hồi trong tháng 3. Tính đến ngày 25/3/2024, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 13,6 triệu tỷ đồng, tăng 0,26% so với cuối năm 2023 (riêng tháng 3 tăng 0,98%).
Ngân hàng Nhà nước đánh giá kinh tế có tín hiệu phục hồi khá tích cực, thể hiện ở xu hướng tăng mạnh về xuất khẩu, vốn FDI, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, dịch vụ. Các cân đối vĩ mô được đảm bảo: lạm phát trong tầm kiểm soát, phù hợp với mục tiêu đặt ra; tiến độ thu, chi ngân sách nhà nước cao hơn cùng kỳ năm 2023, thu lớn hơn chi; cán cân thanh toán thặng dư năm 2023 và dự kiến cân bằng trong quý I/2024.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.
Tính chung quý I/2024, cả nước có 59,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 20 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 73,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có gần 24,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Như vậy, so sánh giữa số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong quý I/2024, tổng số doanh nghiệp nước ta giảm 14,1 nghìn doanh nghiệp, bình quân một tháng giảm 4,7 nghìn doanh nghiệp.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2024, số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý IV/2023 thấp, chỉ có 22,1% nhưng dự kiến quý II/2024, có 45,4% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý I/2024. Dự kiến đây sẽ là động lực cho tăng trưởng tín dụng trong quý II/2024.
Tại cuộc họp tháng 3, các Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng đề cập tới một số khó khăn, thách thức đặt ra đòi hỏi Chính phủ và các Bộ, ngành cần có những giải pháp phù hợp trong thời gian tới. Những khó khăn đó như: xung đột địa chính trị tại một số khu vực trên thế giới có thể còn kéo dài; triển vọng kinh tế thế giới còn nhiều bất trắc, khó lường; lạm phát vẫn hiện hữu và đang có dấu hiệu tăng; tốc độ tăng trưởng cầu tiêu dùng giảm so với cùng kỳ; đầu tư tư nhân giảm, bởi vậy, trong bối cảnh dư địa chính sách tiền tệ rất hạn chế, dư địa của chính sách tài khóa còn nhiều thì cần mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.