Tập đoàn Bệnh viện TNH tiếp tục gia hạn thời gian trả nợ cho thành viên Hội đồng quản trị
Thời gian gia hạn đến ngày 31/3/2025. Lý do là công ty cần thực hiện xong thủ tục phát hành cổ phiếu theo Nghị quyết đại hội cổ đông thường niên 2023 và có nguồn vốn mới để bố trí trả nợ theo hợp đồng đã ký...
Công ty Cổ phần Tập đoàn Bệnh viện TNH (mã TNH-HOSE) thông báo Nghị quyết HĐQT về việc tiếp tục gia hạn thời gian vay vốn Thành viên HĐQT theo hợp đồng vay vốn đã ký.
Theo đó, HĐQT TNH thông qua việc ký phụ lục hợp đồng để gia hạn thời gian vay vốn các thành viên HĐQT với số tiền 92 tỷ đồng. Được biết, đây là số tiền Công ty vay các lãnh đạo để trả nợ trái phiếu phát hành năm 2020.
Thời gian gia hạn đến ngày 31/3/2025. Lý do là công ty cần thực hiện xong thủ tục phát hành cổ phiếu theo Nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2023 và có nguồn vốn mới để bố trí trả nợ theo hợp đồng đã ký.
Điểm đáng lưu ý, đây đã là lần thứ ba mà TNH gia hạn thời gian trả nợ. Trong đó, lần đầu tiên công ty xin gia hạn đến ngày 31/5/2024 và lần thứ hai xin gia hạn đến ngày 31/10/2024.
Khoản vay này không có tài sản đảm bảo, lãi suất vay bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) áp dụng vào ngày 1/9/2022. Trong đó, danh sách các thành viên HĐQT đã cho TNH vay bao gồm ông Hoàng Tuyên, Chủ tịch HĐQT (35,6 tỷ đồng); ông Lê Xuân Tân (11,4 tỷ đồng); ông Nguyễn Văn Thuỷ (35 tỷ đồng); ông Nguyễn Xuân Đôn (10 tỷ đồng).
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, TNH ghi nhận doanh thu đạt 222,49 tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ (229,6 tỷ) và lợi nhuận sau thuế đạt 53,6 tỷ đồng, giảm 13,5% so với cùng kỳ (gần 62 tỷ đồng).
Trong năm 2024, TNH đặt kế hoạch doanh thu đạt 540 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 155 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2024, TNH đã hoàn thành 34,6% so với kế hoạch năm.
Được biết vào đầu tháng 6/2024, TNH đã công bố tăng viện phí và với mức viện phí mới có hiệu lực từ ngày 15/6/2024, VCSC kỳ vọng giá dịch vụ trung bình của TNH sẽ cao hơn trong nửa cuối năm 2024.
Ngoài ra, VCSC cũng kỳ vọng tổng số lượt khám bệnh của TNH sẽ dần cải thiện vào cuối năm. Mức tăng trưởng này sẽ được hỗ trợ bởi số lượng công nhân làm việc tại KCN Yên Bình phục hồi, đặc biệt là từ khách hàng chính của TNH – Samsung Electronics Thái Nguyên, sẽ thúc đẩy lượt khám bệnh tại Bệnh viện đa khoa Yên Bình; và tăng trưởng từ số lượt khám mới của TNH Việt Yên khi bệnh viện này đi vào hoạt động vào quý 3/2024.
TNH đặt kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2024 lần lượt là 540 tỷ đồng (+2% svck) và 155 tỷ đồng (+11% svck). Theo quan điểm của VCSC, mục tiêu doanh thu của TNH là khả thi nhờ viện phí và lượng bệnh nhân đến khám tăng. Tuy nhiên, mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2024 có thể gặp thách thức do chi phí vận hành cao hơn từ Bệnh viện Đa khoa TNH Việt Yên sắp đi vào hoạt động, và chi phí lãi vay tăng do dư nợ tăng.
Bên cạnh đó, mục tiêu tăng công suất giường bệnh lên gần 4 lần vào năm 2030. Theo quan điểm của VCSC, mục tiêu tăng gấp 4 lần quy mô của TNH vào năm 2030 là khá tham vọng. Với bản chất thâm dụng vốn và thời gian phát triển bệnh viện kéo dài, việc đảm bảo đủ nguồn tài trợ là rất quan trọng. Để giải quyết vấn đề này, TNH đã quyết định tăng giới hạn sở hữu nước ngoài từ 49% lên 70%. Động thái này có thể giúp thu hút các nhà đầu tư quốc tế, cung cấp nguồn vốn cần thiết để mở rộng và mang lại lợi ích cho TNH từ các quan hệ đối tác chiến lược và chuyển giao công nghệ trong trung hạn.