Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo lỗ lũy kế lên 1,8 tỷ USD
Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho thấy số lỗ lũy kế ở thời điểm hiện tại là hơn 43.800 tỷ đồng tương đương với khoảng 1,8 tỷ USD...
Theo đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ nửa đầu năm của EVN ghi nhận 229.880 tỷ đồng tăng nhẹ so với con số của cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, kinh doanh dưới giá vốn khiến EVN lỗ gộp 15,2 tỷ đồng trong khi năm ngoái chỉ lỗ 4,2 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính giảm trong khi chi phí lãi vay lại tăng mạnh lên 8.744 tỷ đồng, chi phí bán hàng chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng dẫn tới EVN báo lỗ từ hoạt động kinh doanh 27.683 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh, thuế, EVN báo lỗ 29.107 tỷ đồng 6 tháng đầu năm tăng mạnh so với số lỗ cùng kỳ năm ngoái 16.586 tỷ đồng.
Nâng lỗ lũy kế của EVN lên tới 43.845 tỷ đồng tương đương với khoảng 1,8 tỷ USD. Vốn chủ sở hữu do đó giảm mạnh từ 225.000 tỷ đồng xuống còn 194.000 tỷ đồng. Nợ phải trả tính đến cuối tháng 6 giảm nhẹ còn 437.962 tỷ đồng trong đó vay nợ tài chính ngắn hạn và dài hạn 306.000 tỷ đồng, chiếm 70% tổng vay nợ.
Tính đến cuối quý 2/2023, tiền mặt và tiền gửi của EVN đạt 76.582 tỷ đồng, giảm gần 25.000 tỷ. Tổng tài sản của EVN đến giữa năm 2023 đạt 666.165 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm.
Trước đó, ngày 4/5/2023, EVN điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân trước đó. Theo tính toán, ức tăng giá điện 3% từ cuối tháng 4 giúp tăng doanh thu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khoảng 8.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo EVN, nếu tình hình thủy văn tiếp tục diễn biến bất lợi, giá các loại nhiên liệu vẫn giữ như hiện nay, giá bán lẻ điện bình quân không được điều chỉnh kịp thời ở mức phù hợp thì dự kiến cả năm 2023 EVN sẽ lỗ khoảng 51.468 tỉ đồng; tổng lũy kế số lỗ của EVN cả năm 2022 - 2023 là gần 78.000 tỉ đồng.
Việc tiếp tục lỗ khiến EVN gặp nhiều khó khăn trong năm 2023. Dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ thiếu hụt dòng tiền khoảng 22.000 tỉ đồng. Do đó, trong tháng 7 vừa qua, EVN tiếp tục đề xuất tăng giá điện.
Ở diễn biến khác, báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Chính phủ về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước trong 6 tháng đầu năm cũng cho hay tổng lỗ phát sinh của cả khu vực này là 33.639 tỉ đồng, chủ yếu tập trung ở khối các doanh nghiệp trung ương. Trong đó, điển hình nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ phát sinh 32.055 tỉ đồng. Ước cả năm 2023 lỗ phát sinh của khối doanh nghiệp nhà nước ước đạt 41.666 tỉ đồng, chủ yếu đến từ doanh nghiệp trung ương gồm EVN 37.062 tỉ đồng.