Thách thức của doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ khi xuất khẩu qua thương mại điện tử
Có đến 93% các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ cho rằng họ không thể xuất khẩu nếu không có thương mại điện tử. Trong khi đó, kinh doanh qua sàn thương mại điện tử cũng đặt ra nhiều thách thức...
Theo số liệu của trang Statista, năm 2023, doanh số thương mại điện tử bán lẻ toàn cầu ước tính đạt 5,8 nghìn tỷ USD, và được dự báo sẽ tăng trưởng 39% trong những năm tới, kỳ vọng vượt mức 8 nghìn tỷ USD vào năm 2027. Sự sôi động của thương mại điện tử toàn cầu được cho là sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam đang tìm kiếm cơ hội thương mại quốc tế.
Cụ thể, tại Việt Nam, theo báo cáo mới nhất của Access Partnership, giá trị xuất khẩu thương mại điện tử B2C Việt Nam năm 2023 đạt 86 nghìn tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ đóng góp 26%. Tuy nhiên, có một số liệu đáng chú ý là có đến 93% các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ được khảo sát cho rằng họ không thể xuất khẩu nếu không có thương mại điện tử.
HAI THÁCH THỨC LỚN KHI XUẤT KHẨU HÀNG HÓA QUA SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, cho biết có rất nhiều thách thức đối mặt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ khi tham gia thương mại điện tử và xuất khẩu hàng hóa, trong đó có hai thách thức lớn nhất, quan trọng nhất.
Thách thức thứ nhất là việc quyết định nên bán sản phẩm nào. Điều này liên quan đến việc hiểu cả nhu cầu thị trường, quy định thị trường và tuân thủ quy luật sản phẩm, để nhà bán hàng có thể đưa ra lựa chọn thị trường đúng đắn, lựa chọn sản phẩm phù hợp.
Ngoài ra, khi phát triển sản phẩm, nhà bán hàng cần linh hoạt để có thể kết hợp nhu cầu của khách hàng vào quá trình phát triển sản phẩm. Họ cần đáp ứng nhu cầu của thị trường và khách hàng nhanh chóng.
“Đây là một phần quan trọng và rất thách thức đối với nhiều nhà bán hàng chưa quen với tốc độ của nền thương mại điện tử xuyên biên giới và thương mại điện tử toàn cầu nói chung”, ông Gijae Seong nói.
Thách thức thứ hai là chi phí, đặc biệt là chi phí logistics. “Hãy tưởng tượng bán sản phẩm từ Việt Nam sang Hoa Kỳ - điều đó đòi hỏi rất nhiều tiền, đặc biệt là cho logistics, vận chuyển đầu vào và quản lý hàng tồn kho”, do đó, các doanh nghiệp cần tìm ra cách sử dụng những công cụ và chương trình của nền tảng thương mại điện tử để tối ưu hóa lợi ích khi sản xuất sản phẩm, đàm phán với nhà cung cấp và thiết kế chuỗi cung ứng, kết hợp tất cả những công cụ và chương trình này để cải thiện cấu trúc chi phí.
RẤT CẦN SỰ HỖ TRỢ CỦA CHÍNH PHỦ THÚC ĐẨY THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ XUYÊN BIÊN GIỚI
Bên cạnh đó, đại diện Amazon Global Selling Việt Nam cũng nhấn mạnh đến sự hỗ trợ của chính phủ trong việc phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới. Trong đó, các cơ quan chính phủ cần hiểu rõ hơn về mô hình kinh doanh này, những painpoint (điểm đau) thực tế của các đối tác bán hàng, từ đó thiết kế và định hình chính sách hiệu quả hơn.
Theo ông Gijae Seong, các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều lợi thế trong lĩnh vực thương mại điện tử. Việt Nam là quốc gia chú trọng đến xuất khẩu và được chính phủ hỗ trợ mạnh mẽ thông qua các sáng kiến thúc đẩy kinh tế.
Sự phát triển của ngành sản xuất tại Việt Nam cũng đang thu hút đầu tư quốc tế, khi nhiều thương hiệu lớn chuyển dịch nhà máy đến Việt Nam, tăng cường năng lực sản xuất và xuất khẩu. Sự đầu tư này không chỉ hỗ trợ các thương hiệu lớn mà còn mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ hơn, góp phần vào sự phát triển của sản xuất địa phương.
“Với sự phát triển liên tục của thương mại điện tử toàn cầu cùng các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với thương mại điện tử, bao gồm thương mại điện tử xuyên biên giới, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những cơ hội mới để mở rộng dấu ấn quốc tế”, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam nói.
Trong 5 năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu và mở rộng hoạt động kinh doanh toàn cầu với Amazon. Số lượng sản phẩm bán ra trên Amazon từ các đối tác bán hàng Việt Nam tăng hơn 300%.
Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử Quốc gia giai đoạn 2021-2025 của Việt Nam được định hướng theo nền kinh tế số toàn cầu, thúc đẩy và phát triển kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam.
Xuất khẩu qua thương mại điện tử đã trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế số Việt Nam và huy động sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. Những tín hiệu tích cực này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đang ở vị thế tốt để nắm bắt cơ hội xuất khẩu qua thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế số quốc gia.