Thái Nguyên tạo cú hích tăng trưởng
Kinh tế Thái Nguyên mang màu sắc mới với sự chuyển mình đi lên trong thời gian trở lại đây. Có vị trí địa lý thuận lợi, Thái Nguyên hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển kinh tế. Nơi đây được đánh giá sẽ trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại và dịch vụ phía Bắc...
Nằm trong vùng Thủ đô đồng thời là tỉnh trung tâm khu vực trung du miền núi phía Bắc, trung tâm lớn thứ ba cả nước về y tế, giáo dục, Thái Nguyên đang vươn lên mạnh mẽ, trở thành một trong những điểm đến lý tưởng thu hút giới đầu tư thời gian qua. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 11,1%/năm, diện mạo Thái Nguyên đang thay đổi từng ngày.
KINH TẾ TĂNG TỐC
Kinh tế Thái Nguyên mang màu sắc mới với sự chuyển mình đi lên trong thời gian trở lại đây. Có vị trí địa lý thuận lợi, Thái Nguyên hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển kinh tế. Nơi đây được đánh giá sẽ trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại và dịch vụ phía Bắc.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình đạt 11,1%/năm, cao gấp 1,5 lần trung bình cả nước giúp quy mô kinh tế Thái Nguyên không ngừng mở rộng. Đây cũng là địa phương có giá trị xuất khẩu đứng thứ tư cả nước. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu tại Thái Nguyên đạt 11,3 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ. Năng lực sản xuất của các ngành đều có sự bứt phá đáng kể.
Bước sang giai đoạn 2021 - 2025, Thái Nguyên đặt mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía bắc và vùng Thủ đô Hà Nội với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 8%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 100 triệu đồng/người/năm trở lên...
Thái Nguyên cũng là một trong số những tỉnh phía Bắc có sự đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng. Tỉnh Thái Nguyên đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, ưu tiên nguồn vốn này cho xây dựng kết cấu hạ tầng. Các tuyến đường cao tốc, tuyến đường nối từ thành phố về các huyện được đầu tư xây mới, nâng cấp, mở rộng, tạo sự kết nối thông suốt góp phần thúc đẩy kinh tế đi lên. Đơn cử như đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đường 47m, đường gom nối các khu công nghiệp, đường Thái Nguyên - Chợ Mới, đường Bắc Sơn kéo dài, đường Việt Bắc…
Hệ thống đường cao tốc, đường quốc lộ và các trục đường hiện đại giúp di chuyển từ Thái Nguyên đến Sân bay Quốc tế Nội Bài và Thủ đô Hà Nội chỉ mất hơn 1 tiếng đi ô tô. Thời gian lưu thông từ Thái Nguyên đến các cửa khẩu quốc tế ở phía Bắc hay của ngõ thông thương đường biển tại Hải Phòng cũng rất dễ dàng, nhanh chóng, chỉ mất 2-3 tiếng. Khi mạch máu giao thông được khơi thông, Thái Nguyên chạy băng băng trên con đường phát triển kinh tế- xã hội, đẩy mạnh kết nối giao thương trong tỉnh và với các tỉnh, thành lân cận.
Thái Nguyên còn là địa danh du lịch nổi tiếng, trở thành điểm đến hàng đầu ở khu vực phía Bắc hiện nay. Du lịch Thái Nguyên đã có sự phát triển không ngừng trong thời gian qua với các khu di tích lịch sử nổi tiếng như An toàn khu ATK Định Hóa, đối chè Tân Cương... Du khách còn thỏa sức khám phá hồ Núi Cốc gắn liền với cảnh quan thanh bình, êm ả cùng các dịch vụ thú vị, hấp dẫn.
Hay khu vực hồ Suối Lạnh đang phát triển các dịch vụ du lịch hạng sang, đẳng cấp với sân golf, biệt thự nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái... và còn nhiều khu du lịch mới được khai phá. Xứ chè Thái Nguyên đang thay da đổi thịt từng ngày với sự chuyển mình mạnh mẽ. Đây cũng là địa phương hiện an toàn trong mùa dịch, các doanh nghiệp yên tâm sản xuất, mở rộng dư địa tăng trưởng.
"MIỀN ĐẤT HỨA" THU HÚT ĐẦU TƯ
Sự phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ tại Thái Nguyên thời gian vừa qua cùng với hạ tầng đồng bộ đã giúp tỉnh quy tụ được nhiều chủ đầu tư, tập đoàn lớn. Để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư cũng như cải thiện và nâng cao hình ảnh địa phương, Thái Nguyên chú trọng công tác giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất, hoàn thiện hạ tầng giao thông và khu công nghiệp gắn kết với quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội.
Cùng với hạ tầng đồng bộ, sự chủ động tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi đã giúp Thái Nguyên trở thành địa chỉ đỏ hút dòng vốn đầu tư thời gian qua. Thái Nguyên nằm trong top 15 tỉnh, thành có chỉ số cạnh tranh tốt nhất cả nước (chỉ số PCI năm 2020 xếp thứ 11/63).
Chia sẻ về Thái Nguyên, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đã nhận định, Thái Nguyên là một trong những tỉnh thành phố nằm trong top 10-15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh. Các chỉ số được đánh giá cao của Thái Nguyên luôn là bộ ba chỉ số được các nhà đầu tư dài hạn quân tâm nhất gồm sự an toàn từ các thiết chế pháp lý, vai trò tiên phong của lãnh đạo chính quyền và công tác đào tạo nguồn lao động.
Thái Nguyên cũng trở thành một trong những điểm sáng về thu hút vốn FDI. Hiện nay, tỉnh đã thu hút được 161 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 8,6 tỷ USD. Đồng thời, Thái Nguyên cũng là địa chỉ đỏ của các nhà đầu tư trong nước với hơn 7.000 doanh nghiệp đang hoạt động, đạt tổng vốn đăng ký hơn 100.000 tỷ đồng.
Môi trường đầu tư kinh doanh của Thái Nguyên có sự cải thiện tích cực trong những năm qua, nhờ đó, diện mạo Thái Nguyên thay đổi theo hướng khang trang, hiện đại. Dự báo trong thời gian tới dòng vốn đầu tư sẽ tiếp tục đổ bộ vào Thái Nguyên, giúp "thủ đô gió ngàn" phát triển sôi động, tạo dấu ấn mạnh mẽ trong tăng trưởng kinh tế thời gian tới.
Đi liền với phát triển kinh tế- xã hội là đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Thái Nguyên được biết đến là một trong những địa phương có thu nhập trung bình trên đầu người cao trong cả nước. GDP bình quân đầu người tăng từ 51 triệu đồng/người/năm trong năm 2015 lên 90 triệu đồng/người/năm vào năm 2020. Thu nhập tăng lên cũng thúc đẩy nhu cầu người dân về các dịch vụ, tiện ích và chốn an cư trong môi trường hiện đại, tiện nghi.
Thái Nguyên đang khoác lên mình một tấm áo mới trên hành trình trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp, thương mại và dịch vụ của cả nước. Thị trường bất động sản vì thế càng trở nên sôi động, là tâm điểm đón sóng đầu tư trong thời gian tới.