Thái Nguyên: UBND cấp huyện được lập, điều chỉnh danh mục công trình kiến trúc có giá trị
UBND tỉnh Thái Nguyên vừa ban hành quy định về việc phân cấp lập, điều chỉnh danh mục công trình kiến trúc có giá trị; lập quy chế quản lý kiến trúc; phê duyệt, ban hành quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn trên địa bàn. Hiệu lực được tính từ ngày 15/3/2023…
Cụ thể, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phân cấp cho UBND cấp huyện tổ chức lập, điều chỉnh danh mục công trình kiến trúc có giá trị thuộc phạm vi quản lý. Ngoài ra cũng phân cấp cho UBND cấp huyện được lập quy chế quản lý kiến trúc thuộc phạm vi quản lý; phê duyệt, ban hành quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn sau khi HĐND cùng cấp thông qua.
Để thực hiện, UBND tỉnh yêu cầu, Sở Xây dựng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tổ chức và hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện, đồng thời theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện và tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Đối với UBND cấp huyện, cần thực hiện việc được phân cấp đảm bảo kịp thời, hiệu quả; chủ động cân đối nguồn kinh phí ngân sách địa phương hàng năm, để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, giúp phát huy quyền tự chủ của chính quyền địa phương, trong thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước trên địa bàn đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, UBND cấp huyện chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan trong việc trình HĐND cùng cấp thông qua quy chế quản lý kiến trúc. Hàng năm phải báo cáo Sở Xây dựng về tình hình thực hiện nhiệm vụ.
Được biết về quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, một thực tế được chỉ ra là tại không ít địa phương công tác triển khai quy hoạch còn hạn chế, nhất là việc bảo vệ phát huy không gian kiến trúc truyền thống, bảo vệ di tích văn hóa lịch sử. Hơn nữa, quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh đã ảnh hưởng không nhỏ đến các vùng ven đô, vùng nông thôn, dẫn đến sự thay đổi về mặt xã hội, văn hoá, lối sống ở nông thôn nhanh chóng tác động đến những vấn đề xây dựng.
Nhiều khu cận các đô thị phát triển một cách tự phát. Khu vực nông thôn, kiến trúc ngày càng mất bản sắc truyền thống, pha tạp, không phù hợp cảnh quan tự nhiên, cấu trúc làng, xã và yêu cầu phòng chống thiên tai, các giá trị kiến trúc truyền thống chưa được chú trọng kế thừa, phát triển. Kiến trúc công trình công cộng, nhà ở theo tuyến, nhà ở phân tán không phù hợp quy hoạch, địa hình tự nhiên, thiếu điểm nhấn, thiếu phân bố không gian hợp lý (giữa khu vực sản xuất, dân sinh, công trình công cộng, cây xanh).
Các không gian sinh hoạt văn hoá truyền thống mang tính tín ngưỡng như đình làng, đền, chùa, cùng không gian phụ trợ, bao gồm: sân đình giếng làng, ao làng…. đang dần bị lấn chiếm do không gian ở và không gian sản xuất nghề truyền thống tạo nên.
Vì vậy, nhằm nâng cao công tác quản lý, phù hợp và thể chế hóa định hướng lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, ngày 7/2/2023 Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống.
Trong đó, ở địa phương, UBND các cấp được yêu cầu phải quan tâm hơn nữa việc chỉ đạo công tác lập, thực hiện quy hoạch, quản lý kiến trúc trên địa bàn do mình quản lý; Xác định rõ quy mô, ranh giới, tính chất, chức năng của khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn trong đồ án quy hoạch chung xây dựng xã, theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại văn bản số 2307/BXD-QHKT, về việc hướng dẫn Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021 – 2025.