Thanh Hóa: Chủ đầu tư dự án thủy điện hơn 3000 tỷ đề nghị hoãn thanh tra để “xoay” tiền trả nợ
Công ty VNECO, vừa có văn bản gửi Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị hoãn thanh tra dự án thủy điện Hồi Xuân để doanh nghiệp “xoay” tiền trả nợ...
Dự án Thủy điện Hồi Xuân được xây dựng trên sông Mã tại huyện Quan Hóa, Thanh Hóa có tổng mức đầu tư khoảng 3.320 tỷ đồng, công suất lắp máy 102MW với 3 tổ máy, sản lượng điện hằng năm đạt 432 triệu KWh, do Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng điện Hồi Xuân (VNECO), thuộc Tổng công ty Cổ phần Xây dựng điện Việt Nam, làm chủ đầu tư, được khởi công vào tháng 3-2010.
DỰ ÁN “CHẾT LÂM SÀNG”, KHOẢN VAY 125 TRIỆU USD ĐẾN KỲ THANH TOÁN
Tuy nhiên, khi đang triển khai dự án, do không đủ năng lực tài chính, VNECO đã phải dừng thi công. Đến tháng 6-2014, Công ty TNHH dịch vụ-thương mại-sản xuất-xây dựng Đông Mê Kông mua lại cổ phần và trở thành cổ đông chính nắm giữ khoảng 91% cổ phần của VNECO.
Năm 2015, Dự án Thủy điện Hồi Xuân được chuyển giao cho Công ty TNHH dịch vụ-thương mại-sản xuất-xây dựng Đông Mê Kông và được Chính phủ bảo lãnh cho khoản vay thương mại 125 triệu USD từ Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ). Nhờ đó, dự án được thi công trở lại vào năm 2017, nhưng cũng chỉ được một thời gian lại phải dừng lần thứ hai vì thiếu vốn.
Được biết, khoản vay 125 triệu USD từ Goldman Sachs được thông qua Tổ chức bảo đảm đầu tư đa biên (MIGA), thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới. Khoản vay này được ủy thác tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đã giải ngân hết cho chủ đầu tư.
Theo báo cáo của VNECO Hồi Xuân, dự án đã thực hiện được khoảng 93% khối lượng công trình với giá trị thực hiện ước đạt hơn 4,2 nghìn tỷ đồng. Dự án còn thiếu 280 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, xây dựng các hạng mục và đi vào vận hành nhà máy.
Hiện nay còn một số hạng mục chưa được thi công như công trình đường chống ngập ở các bản Phé, Mý, Bá xã Phú Xuân; bản Chiềng xã Phú Sơn, cầu treo Phú Xuân và cầu treo Chiềng. Ngoài ra, 5 công trình trường học, trạm y tế phải hoàn trả vẫn chưa có tiền chi trả cho UBND huyện Quan Hóa để thi công.
Năm 2010, chủ đầu tư đã ký hợp đồng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với giá bán điện trung bình năm là 657 đồng/kWh. Do dự án thi công kéo dài, điều chỉnh thiết kế và điều kiện thủy văn khiến điện lượng giảm xuống, cùng với yếu tố trượt giá nên tổng mức đầu tư dự án tăng lên (khoảng 1.169 tỷ đồng).
Được biết đến tháng 1 năm 2023, khoản vay 125 triệu USD có bảo lãnh có Chính phủ đến kỳ hạn thanh toán gốc và lãi theo nội dung hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, trước khó khăn chồng chất của chủ đầu tư, khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính cho MIGA đang bị đặt dấu hỏi hỏi lớn.
CHỦ ĐẦU TƯ KIẾN NGHỊ HOÃN THANH TRA ĐỂ “XOAY” TIỀN TRẢ NỢ
Trong văn bản gửi Thanh tra Chính phủ, VNECO cho biết doanh nghiệp đang tích cực tái cấu trúc để tìm nguồn tài chính hoàn thiện nhà máy, chính thức hòa lưới điện và chi trả các nghĩa vụ tài chính quốc tế.
Theo đó, Công ty VNECO và Công ty Đông Mê Kông vẫn đang thực hiện theo phương án giải quyết chủ đạo là đơn vị sẽ phát hành gói trái phiếu 400 triệu đô la Mỹ để thanh toán dứt điểm công nợ. Liên quan đến nội dung gói trái phiếu mà doanh nghiệp đang thu xếp, Công ty TNHH MTV Regina (Công ty Regina) – đối tác đang trong quá trình mua lại toàn bộ cổ phần Công ty Đông Mê Kông tại Công ty VNECO sẽ trực tiếp thu xếp gói trái phiếu 400 triệu đô la Mỹ từ nước ngoài này. Từ đó, Công ty VNECO sẽ thanh toán toàn bộ các khoản nợ Bộ Tài chính bao gồm khoản vay từ Quỹ tích lũy trả nợ, phí bảo lãnh và các khoản phát sinh khác, tiến tới tất toán khoản vay nước ngoài có bảo lãnh Chính phủ của Dự án.
Hiện tại, đại diện Công ty Regina đã được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật Công ty VNECO đã và đang tích cực làm việc với Ngân hàng Nhà nước cho nội dung xác nhận hạn mức phát hành. Công ty Regina cũng đã thành toán chi phí và ứng vốn cho các nhà thầu để tập kết vật tư, nhân công, thiết bị tái khởi động thi công nhà máy với giá trị khoảng gần 20 tỷ đồng.
Liên quan đến nghĩa vụ góp vốn chủ sở hữu vào dự án, theo phương án tài chính vay vốn có bảo lãnh Chính phủ hiện nay Công ty Đông Mê Kông đã góp vượt phần vốn chủ sở hữu phải nộp (đã nộp 849,409 tỷ đồng trên 717 tỷ đồng). Nhưng với cam kết thực hiện các nghĩa vụ đề hoàn thành dự án, Công ty Đông Mê Kông sẽ nộp đủ 72,1 tỷ vốn chủ sở hữu còn thiếu. Hiện nay, Công ty Đông Mê Kông đã và đang thực hiện góp phần vốn chủ sở hữu còn lại vào dự án thông qua việc hợp tác với đối tác Regina triển khai thi công lại tại Nhà máy.
Doanh nghiệp này cho rằng: Hiện nay, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính đang có kế hoạch thanh tra tại dự án Thủy điện Hồi Xuân về phương án thanh toán khoản nợ của VNECO Hồi Xuân đối với Quỹ tích lũy trả nợ. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai các phương án huy động vốn trả Qũy tích lũy trả nợ của Công ty Đông Mê Kông và Công ty VNECO.
Vì thế, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án thủy điện Hồi Xuân đề nghị Thanh tra Chính phủ tạo điều kiện chấp thuận và báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép được giãn thời gian thanh tra Công ty VNECO như trên trong thời gian Công ty Đông Mê Kông đang tập trung hoàn tất các thủ tục hợp tác cần thiết; cũng như không ảnh hưởng đến niềm tin của các bên nước ngoài trong việc phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan gói trái phiếu 400 triệu đô la Mỹ; và tập trung nguồn lực đề thực hiện công việc giải phóng mặt bằng, hoàn thiện nhà máy, phát điện hoàn chỉnh và đưa vào kinh doanh chính thức. Từ đó, tạo điều kiện cho Công ty VNECO có được cam kết thanh toán khoản đã vay Quỹ tích lũy trả nợ một cách cụ thể và chính thức.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đề nghị Bộ Tài chính đàm phán với MIGA để xin gia hạn thời hạn trả nợ. Đồng thời VNECO cũng đề nghị tỉnh Thanh Hóa bố trí kiểm tra thực tế việc đơn vị đã triển khai thi công tại công trường. Từ đó có ý kiến đề xuất lên Thanh tra Chính phủ cho phép dời thời gian thanh tra thủy điện Hồi Xuân cho đến khi đơn vị hoàn thành việc thi công, phát điện hoàn chỉnh và đưa vào kinh doanh chính thức để đơn vị tập trung nhân lực, vật lực, đặc biệt trong thời điểm thời tiết đang không thuận tiện triển khai thi công như hiện nay.
Được biết, mới đây Thanh tra Chính phủ đã công bố thanh tra đối với 3 dự án lớn tại Thanh Hóa trong đó có Dự án thủy điện Hồi Xuân.