Thanh Hoá muốn hút 1,1 triệu khách đến với du lịch nông nghiệp
Theo Đề án Phát triển du lịch nông nghiệp tỉnh Thanh Hoá, mục tiêu đến năm 2030 ngành du lịch nông nghiệp Thanh Hoá sẽ đón hơn 1,1 triệu lượt khách, trong đó có 13.000 lượt khách quốc tế...
UBND tỉnh Thanh Hoá vừa có buổi hội nghị nghe báo cáo Đề án Phát triển du lịch nông nghiệp tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030.
Tại hội nghị trên, theo đánh giá của đơn vị tư vấn, tỉnh Thanh Hoá có tài nguyên du lịch tự nhiên - cảnh quan tự nhiên khu vực nông nghiệp, nông thôn phong phú, mang nét đẹp riêng và phân bố theo từng vùng địa hình, vùng nông nghiệp.
Cùng với đó, tài nguyên du lịch văn hoá - hoạt động sản xuất nông nghiệp ở khu vực nông thôn như các làng nghề, di tích văn hoá, tâm linh mang giá trị văn hoá nông thôn; các bản, làng gắn với giá trị văn hoá sản xuất nông nghiệp truyền thống của đồng bào dân tộc miền núi; các lễ hội văn hoá nông nghiệp gắn với tín ngưỡng và văn hoá cộng đồng cũng rất đặc sắc, đa dạng. Cùng với lợi thế về vị trí địa lý, khả năng kết nối các tuyến du lịch khác của tỉnh, của khu vực, là điều kiện rất thuận lợi để du lịch nông nghiệp phát triển, vươn xa hơn.
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của đề án, thực trạng du lịch nông nghiệp địa phương này còn nhiều hạn chế, như chưa định hình thành một dòng sản phẩm riêng biệt trên bản đồ du lịch; chưa có sản phẩm du lịch nông nghiệp nổi bật, đặc trưng của tỉnh.
Một số sản phẩm nông nghiệp mới xây dựng của tỉnh này chỉ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch ở mức cơ bản; hoạt động sản xuất làng nghề mới ở quy mô hộ gia đình, khả năng tiếp cận thị trường còn yếu; chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ còn hạn chế; chưa thu hút được các nhà đầu tư có tiềm lực để khai thác lợi thế...
Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp, gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hoá và môi trường sinh thái của địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng đa giá trị, đề án đặt mục tiêu đến năm 2030 ngành du lịch nông nghiệp sẽ đón 1,1 triệu lượt khách; trong đó có 13.000 lượt khách quốc tế.
Tổng thu du lịch nông nghiệp của Thanh Hoá đến năm 2030 đạt 741 tỷ đồng, thu hút 9.000 lao động tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp, có 80% điểm du lịch nông nghiệp được thực hiện số hoá; phát triển thành công 6 dòng sản phẩm chính tại 29 điểm du lịch gồm du lịch nông nghiệp gắn với sản xuất, du lịch cộng đồng, sinh thái, làng nghề truyền thống, nghỉ dưỡng và lịch sử, tâm linh...
Đề án cũng định hướng 5 không gian phát triển du lịch nông nghiệp gồm: Không gian du lịch miền núi phía Tây; không gian du lịch miền núi phía Nam; không gian vùng trung tâm của tỉnh; không gian phát triển du lịch phía Bắc và không gian phát triển du lịch ven biển và đồng bằng ở phía Đông.
Cùng với đó, đề án cũng xác định 3 tuyến du lịch nông nghiệp gồm tuyến nội vùng, tuyến liên kết nội tỉnh và tuyến liên kết ngoại tỉnh; định hướng hoạt động đầu tư phát triển các điểm du lịch và 8 nhóm giải pháp phát triển, với tổng nguồn kinh phí thực hiện đề án dự kiến là hơn 181 tỷ đồng.
Tại cuộc họp, đại biểu các sở, ngành, địa phương cơ bản thống nhất với mục tiêu, định hướng, các giải pháp mà đề án đã xây dựng. Đặc biệt, các địa phương có tiềm năng về du lịch nông nghiệp như thành phố Thanh Hoá và các huyện: Thường Xuân, Bá Thước, Thạch Thành, Hà Trung... hy vọng đây sẽ là đề án mang tính “dẫn đường”, tạo cơ hội cho các địa phương khai thác tiềm năng du lịch nông nghiệp.
Các sở, ngành, địa phương cũng góp ý, đề xuất bổ sung một số sản phẩm lợi thế; đồng thời đề nghị bổ sung các định hướng về quy mô và phân định rõ chức năng các đơn vị có trách nhiệm trong tổ chức thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá, đánh giá đây là một đề án khó, tuy nhiên việc nghiên cứu, xây dựng chi tiết, công phu các nội dung đề án đã gợi mở những hướng phát triển cụ thể của du lịch nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa.
Ông Thi đề nghị Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và đơn vị tư vấn tiếp thu, bổ sung thêm các sản phẩm có tiềm năng phát triển thành sản phẩm du lịch lợi thế mà các địa phương đã đề xuất; trong đó có định hướng cụ thể hơn về sản phẩm đặc trưng, xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp điểm duy trì được kiến trúc tự nhiên và gắn liền với hoạt động trải nghiệm; thực hiện số hoá dữ liệu các điểm du lịch và phát triển các kênh truyền thông để quảng bá tiếp cận khách hàng...