Thanh khoản bất ngờ giảm mạnh, cổ phiếu phân hóa
Mặc dù chiều nay giao dịch có sôi động hơn chút ít so với phiên sáng, nhưng tính chung cả ngày, HoSE và HNX vẫn chỉ khớp thành công hơn 14 ngàn tỷ đồng, là mức thấp nhất 6 phiên. Điểm tích cực là dòng tiền không mạnh nhưng thị trường có được độ phân hóa cân bằng, cho thấy bên bán cũng không dứt khoát...
Mặc dù chiều nay giao dịch có sôi động hơn chút ít so với phiên sáng, nhưng tính chung cả ngày, HoSE và HNX vẫn chỉ khớp thành công hơn 14 ngàn tỷ đồng, là mức thấp nhất 6 phiên. Điểm tích cực là dòng tiền không mạnh nhưng thị trường có được độ phân hóa cân bằng, cho thấy bên bán cũng không dứt khoát.
VN-Index chịu áp lực bán tăng lên ngay đầu phiên chiều và tạo đáy sâu trong phiên lúc 1h40, giảm xấp xỉ 4 điểm. Tuy nhiên thời gian còn lại lực cầu nâng giá dần lên, không chỉ giúp cải thiện thanh khoản mà còn đẩy giá quay lại tham chiếu khá nhiều. Chỉ số kết phiên tăng ngược 1,06 điểm (+0,09%).
Tính riêng phiên chiều nay, thanh khoản khớp lệnh hai sàn đạt hơn 7.719 tỷ đồng, tăng 22% so với buổi sáng. Độ rộng của VN-Index tại đáy duy trì 154 mã tăng/360 mã giảm, nhưng đến cuối phiên cải thiện nhiều với 215 mã tăng/302 mã giảm. Hiệu quả của lực mua nâng giá tuy chưa thúc đẩy xu hướng phục hồi rõ nét hơn, nhưng việc giá cổ phiếu cải thiện trên diện rộng cũng là tín hiệu cho thấy bên bán không chiếm được ưu thế rõ ràng.
Mặt khác, nhìn từ góc độ phân bổ vốn, nhóm cổ phiếu giảm trên 1% lúc đóng cửa chiếm khoảng 24,2% tổng giá trị khớp sàn HoSE và nhóm cổ phiếu tăng trên 1% chiếm 28% thanh khoản. Nói cách khác, hiệu quả của dòng tiền vẫn khá tích cực khi tập trung đẩy giá cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu blue-chips chiều nay không xuất sắc, đà tăng của các trụ dẫn dù mạnh thì cũng là tăng từ sáng. VHM đóng cửa tăng 3,4% so với tham chiếu nhưng chiều nay chỉ tăng thêm được 0,24%. VIC nhích thêm chỉ 0,11%, đóng cửa trên tham chiếu 2,56%. VNM thậm chí tụt mất 0,43% so với buổi sáng, còn tăng 1,45%. MSN cũng tụt 0,15% còn tăng 1,96%. Một số mã khá mạnh phiên chiều thì ảnh hưởng rất hạn chế: SSI tăng riêng chiều nay 1,4% và đảo chiều thành công lên trên tham chiếu 0,31%. BCM phục hồi 1,56% thành tăng 0,15%...
Khối ngoại phiên chiều giảm áp lực bán, xả thêm 698,4 tỷ đồng cổ phiếu trên HoSE trong khi mua vào 577,1 tỷ đồng, tương ứng bán ròng 121,3 tỷ đồng. Phiên sáng khối này xả ròng 305 tỷ. Các mã bị bán nhiều là VCB -140,5 tỷ, FUEVFVND -103,5 tỷ, STB -65,8 tỷ, VPB -47,5 tỷ. Bên mua có VND +44,3 tỷ, DGC +26,9 tỷ.
Mặc dù giảm bán nhưng tính chung cả ngày, khối ngoại vẫn rút đi 426,3 tỷ đồng nữa. Tuần trước khối ngoại ghi nhận mức bán ròng kỷ lục 4.057 tỷ đồng trên cả 3 sàn, mức cao nhất kể từ tuần giữa tháng 1/2021. Tuần trước cũng là tuần bán ròng thứ 5 liên tiếp với tổng giá trị vốn rút ròng khoảng 8.233 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm 2023, khối này rút xấp xỉ 18.000 tỷ đồng ròng trên toàn thị trường.
Từ đầu tháng 11/2023 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 6.500 tỷ đồng riêng với cổ phiếu trên sàn HoSE. Trong khi đó VN-Index tăng trưởng xấp xỉ 9,5%. Giao dịch mua của khối ngoại chiếm trung bình 6,6% tổng giao dịch sàn HoSE và bán chiếm trung bình 7,8%. Có thể thấy khối ngoại ngày càng lép vế và không ảnh hưởng nhiều đến dòng tiền chung. Việc thanh khoản co giãn hàng ngày hoặc xuống thấp chủ yếu do thay đổi của nhà đầu tư trong nước.
Với biên độ điều chỉnh giá cổ phiếu rất hẹp, thanh khoản nhỏ cũng không phải là tín hiệu xấu. Mặt khác, đặt trong bối cảnh thị trường đang giằng co ngay tại đỉnh ngắn hạn hồi tháng 11 vừa rồi, áp lực bán không khiến thị trường quay đầu giảm tức là cung cầu đang cân bằng. Nhà đầu tư vẫn có niềm tin nhất định để nắm giữ cổ phiếu tại thời điểm nhạy cảm về mặt kỹ thuật như vậy.