Thanh khoản tăng mạnh, thị trường trượt dốc, khối ngoại xả lớn
Diễn biến vượt đỉnh của VN-Index hôm qua chỉ tạo thêm chút hưng phấn ngắn ngủi sáng nay. Chỉ số đạt đỉnh lúc 10h25 tăng khoảng 9,5 điểm rồi lao dốc trong suốt thời gian còn lại. Chốt phiên sáng VN-Index giảm 0,65 điểm với thanh khoản lên cao nhất 12 phiên. Khối ngoại cũng tranh thủ xả ròng hơn 417 tỷ đồng, cao nhất 7 phiên sáng trở lại đây...
Diễn biến vượt đỉnh của VN-Index hôm qua chỉ tạo thêm chút hưng phấn ngắn ngủi sáng nay. Chỉ số đạt đỉnh lúc 10h25 tăng khoảng 9,5 điểm rồi lao dốc trong suốt thời gian còn lại. Chốt phiên sáng VN-Index giảm 0,65 điểm với thanh khoản lên cao nhất 12 phiên. Khối ngoại cũng tranh thủ xả ròng hơn 417 tỷ đồng, cao nhất 7 phiên sáng trở lại đây.
Mặc dù điểm số mất đi không nhiều nhưng điểm dở là thị trường đã không tranh thủ được đà tâm lý hưng phấn của phiên trước. Mặt khác thanh khoản gia tăng nhanh cho thấy đang có áp lực chốt lời xuất hiện.
Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết sáng nay đạt gần 14.261 tỷ đồng, tăng 14% so với sáng hôm qua. HoSE tăng 16%, đạt 13.180 tỷ.
Độ rộng thay đổi khá nhanh, nhất là trong rổ VN30, phù hợp với diễn biến của VN-Index. Lúc 9h30 chỉ số ghi nhận 317 mã tăng/74 mã giảm, khi đạt đỉnh cao nhất có 374 mã tăng/98 mã giảm. Độ rộng sau đó co lại liên tục và đến lúc chốt phiên chỉ còn 248 mã tăng/217 mã giảm.
Riêng với nhóm VN30, đầu phiên chỉ duy nhất SSB là giảm giá nhưng chốt phiên đã là 11 mã tăng/16 mã giảm. Do đầu ngày nhiều mã tăng tốt nên biên độ trượt giá trong phiên là khá mạnh. VN30-Index từ mức tăng 0,64% thành giảm 0,27%. Rổ này hiện chỉ có 5 mã giảm dưới tham chiếu hơn 1%, nhưng tới 25 mã tụt giá trên 1% so với mức đỉnh. Nói cách khác, biên độ bullp-trap sáng nay xuất hiện trên diện rộng ở nhóm này.
Trong nhóm 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất của VN-Index thì chỉ có 3 mã tăng là GAS tăng 0,69%, CTG tăng 0,92% và TCB tăng 1,42%. Mở rộng ra Top 20 mã vốn hóa hàng đầu thì cũng chỉ thêm 3 cổ phiếu là SAB tăng 0,69%, MBB tăng 0,52% và GVR tăng 1,59%.
Phía giảm may mắn là biên độ không mạnh, VCB giảm 0,22%, VHM giảm 0,18%, VIC giảm 0,32%, VPB giảm 0,46%. Chỉ có HPG giảm 1,03%, VNM giảm 1,38% và FPT giảm 1,11% là đáng kể. Tuy vậy mức độ trượt giá của các cổ phiếu này cũng khá mạnh, chẳng hạn VHM đã lao dốc tới 1,41% chỉ trong phiên sáng; VIC trượt giảm tới 1,76%; VPB trượt 1,81%; HPG trượt 2,05%...
Mở rộng ra toàn sàn HoSE thì cũng chỉ còn chưa tới 20 cổ phiếu tăng giá và giữ được mức giá cao nhất trong buổi sáng. Hơn 66% số cổ phiếu có phát sinh giao dịch sáng nay trượt giá trên 1% so với mức đỉnh.
Diễn biến tăng trước giảm sau hoặc mạnh trước yếu sau đi cùng với mức thanh khoản cao thường là kết quả của áp lực bán áp đảo. Nhà đầu tư tranh thủ lúc giá tăng để chốt lời và gia tăng sức ép hạ giá dần xuống. Dĩ nhiên độ rộng cuối cùng vẫn còn hàng trăm mã tăng giá thể hiện khả năng chống đỡ vẫn còn tốt từ bên mua.
Hiện sàn HoSE vẫn còn 75 cổ phiếu chốt trên tham chiếu hơn 1%. 11 mã trong số này đạt thanh khoản trên 100 tỷ đồng. Nổi bật là BCG tăng 5,17% thanh khoản 332 tỷ đồng; DXG tăng 2,47% thanh khoản 258,1 tỷ; SHB tăng 1,19% thanh khoản 237,2 tỷ; MSB tăng 1,34% với 163,7 tỷ; HHV tăng 1,92% với 158,9 tỷ; HAG tăng 1,42% với 158,3 tỷ; NLG tăng 1,27% với 150,1 tỷ; LCG tăng 2,57% với 131,6 tỷ… Dù vậy ngay cả với những cổ phiếu thu hút dòng tiền tích cực và giá còn rất mạnh này, biên độ trượt giá xuống đều trên 1%, cá biệt NLG trượt giảm 2,45% so với đỉnh.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay mua rất ít, chỉ giải ngân 353,5 tỷ đồng, kém nhất 7 tuần. Trong khi đó quy mô bán ra đạt 770,7 tỷ đồng, tương ứng bán ròng 417,2 tỷ. Riêng cổ phiếu trong rổ VN30 bị khối này xả 297,9 tỷ. Các mã bị bán nhiều là HPG -97,7 tỷ, TPB -44,2 tỷ, STB -35,9 tỷ, SSI -32,9 tỷ, VPB -27,7 tỷ. Phía mua lớn nhất là GMD cũng chỉ hơn 15 tỷ đồng ròng.