Thiếu hụt nhân tài tăng cao, ngành hàng tiêu dùng làm gì để giữ chân lao động?
Ngành hàng tiêu dùng đã phải đối mặt với rất nhiều thách thức cam go trong những năm gần đây. Sự khan hiếm nhân tài đã tăng lên mức cao nhất trong 17 năm với 77% nhà tuyển dụng ngành hàng tiêu dùng toàn cầu cho biết họ đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân tài, theo một báo cáo của ManpowerGroup...
Những thông tin này được các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo “Triển vọng thị trường lao động ngành hàng tiêu dùng 2023”, tổ chức chiều 31/7.
NGÀNH HÀNG TIÊU DÙNG TĂNG TRƯỞNG MẠNH
Những phát triển đột phá của công nghệ và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cùng các biến động kinh tế toàn cầu đã và đang thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng tiêu dùng lên một tầm cao mới, mang đến nhiều giá trị hơn, sự cá nhân hóa cao hơn, kết nối nhiều hơn và trải nghiệm tốt hơn cho người dùng.
Theo báo cáo “Triển vọng thị trường lao động ngành hàng tiêu dùng 2023” của ManpowerGroup, nhằm thắt chặt mối quan hệ với khách hàng, nâng cao trải nghiệm số cho người tiêu dùng và xây dựng lợi thế cạnh tranh, các thương hiệu đang đồng thời hướng tới mô hình kinh doanh đa kênh và bán hàng trực tiếp.
Theo báo cáo từ KPMG, mô hình bán hàng trực tiếp có lợi nhuận biên được kỳ vọng tăng tới 40% khi bỏ qua các đại lý bán hàng truyền thống, và dự kiến đạt mốc tăng trưởng trên 20% cho đến năm 2025, mở ra nhiều triển vọng phát triển tích cực và cơ hội việc làm hấp dẫn.
Trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ, doanh nghiệp cần chủ động tối ưu và đa dạng hóa hình thức tiếp cận khách hàng, đặc biệt là cải thiện trải nghiệm số trong mua sắm.
Qualtrics (Công ty quản lý trải nghiệm của Hoa Kỳ) nhận định các doanh nghiệp có thể mất 4,7 nghìn tỷ USD hàng năm, nếu không đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm số của người dùng. Ngoài ra, Gartner (Công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ của Mỹ) dự báo đến năm 2025, 50 doanh nghiệp đi đầu ngành sẽ phát triển ứng dụng mua sắm riêng thông qua việc đầu tư vào AI và công nghệ số.
Tại hội thảo, bà Hoàng My Hương, Giám đốc điều hành Oxford MindPower, Giảng viên Mindfulness, Đại học Oxford nhận định với nhịp sống hối hả hiện nay, người tiêu dùng có xu hướng kỳ vọng các hình thức mua hàng nhanh chóng, tiện lợi theo kiểu “sống là không chờ đợi”.
Để đáp ứng với nhu cầu này, theo báo cáo từ Crunchbase, các tập đoàn bán lẻ lớn như Amazon hay Albertson's đang thử nghiệm tính năng Check-out free, sử dụng các cảm biến tiên tiến, camera và thanh toán trực tuyến, cho phép người dùng bỏ qua hàng chờ thanh toán thông thường.
Bên cạnh đó, McKinsey (Công ty tư vấn quản trị toàn cầu, chuyên nghiên cứu chiến lược cho các tập đoàn, chính phủ và các tổ chức quốc gia) dự báo thương mại điện tử sẽ tiếp tục bùng nổ, và có thể chiếm từ 18-30% doanh số bán hàng ở nhiều thị trường phát triển vào năm 2030, cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của kinh doanh trực tuyến.
Ngoài ra, “Dark store” hay các trung tâm chỉ thực hiện đơn hàng mang đi đang trở nên phổ biến sau đại dịch Covid-19, thông qua việc chuyển đổi thành các trung tâm trung chuyển, đặc biệt trong lĩnh vực ẩm thực và thời trang.
Phát triển bền vững hiện đang là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của doanh nghiệp. Bà My Hương cho hay, phát triển bền vững là một mục tiêu quan trọng trong ngành hàng tiêu dùng, hướng tới mang lại giá trị cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và xã hội cũng như môi trường.
Theo báo cáo từ Deloitte, 97% các “ông lớn” trong ngành hàng tiêu dùng xem phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu, và 54% doanh nghiệp đi đầu cho biết tính bền vững là chìa khóa quan trọng cho sự đổi mới của ngành.
Bà cho biết, Chiến lược phát triển doanh nghiệp theo định hướng xanh “ESG” đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, hướng tới những giá trị tích cực cho môi trường, xã hội. Vào năm 2021, khoảng 1.200 startup xanh áp dụng mô hình kinh doanh đột phá để chống biến đổi khí hậu đã huy động được số tiền kỷ lục, lên tới 90 tỷ USD. Điều này đang tạo thêm áp lực buộc các thương hiệu phải nỗ lực trong việc phát triển bền vững.
GIẢI PHÁP THU HÚT VÀ GIỮ CHÂN NHÂN TÀI
Song hành cùng sự phát triển vượt bậc, ngành hàng tiêu dùng cũng phải đối mặt với thực trạng khan hiếm nhân tài, cấu thành từ kỳ vọng càng tăng lên của người lao động đối với doanh nghiệp.
Chia sẻ tại sự kiện, bà Điệp Lê (Kim), Trưởng nhóm Dịch vụ Tuyển dụng cấp cao và Tư vấn nhân sự, ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ, dược, giáo dục, ManpowerGroup Việt Nam cũng đưa ra nhận định, ngành hàng tiêu dùng đã phải đối mặt với rất nhiều thách thức cam go trong những năm gần đây.
Theo báo cáo “Xu hướng tuyển dụng quý 2/2023” của ManpowerGroup, sự khan hiếm nhân tài đã tăng lên mức cao nhất trong 17 năm, với 77% nhà tuyển dụng ngành hàng tiêu dùng toàn cầu cho biết họ đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân tài.
Theo bà Kim, mặc dù đang gặp nhiều thách thức về nguồn nhân lực, nhưng thị trường lao động ngành hàng tiêu dùng vẫn có những tín hiệu tích cực. Báo cáo cũng cho thấy triển vọng tuyển dụng toàn cầu của ngành hàng tiêu dùng đã tăng 18%, tăng 11% so với quý trước và sụt giảm chỉ 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với tốc độ phát triển của công nghệ hiện nay, nhu cầu nhân sự với những kỹ năng số và kỹ năng xanh sẽ tăng lên trong thời gian tới, cho thấy tính cấp thiết của việc nâng cao kỹ năng và tái đào tạo kỹ năng cho người lao động.
Doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược cải thiện kỹ năng cho người lao động, gia tăng năng suất công việc cũng như nâng cao tầm quan trọng của việc cải thiện hình ảnh nhà tuyển dụng, nhằm thu hút và giữ chân nhân tài trong dài hạn.
Theo bà, việc cải thiện hình ảnh của doanh nghiệp và nhà tuyển dụng, cũng như văn hóa công ty sẽ là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho các doanh nghiệp, nhất là với doanh nghiệp vừa và nhỏ không có nguồn tài chính lớn.
“Thực tế, rất nhiều công ty startup vẫn thu hút được nhiều người trẻ và giỏi dám dấn thân là do có môi trường, văn hóa tạo cho nhân viên cảm thấy có niềm tin, hy vọng, khiến họ cảm thấy vui vẻ, được cống hiến và có tầm nhìn rõ ràng về tương lai. Họ cũng biết được việc mình làm có đóng góp giá trị gì cho xã hội”, vị này nói.
Nói thêm về vấn đề này, bà My Hương cũng cho rằng, văn hóa, thu nhập, lương bổng chỉ là một yếu tố để giữ chân nhân tài. Ngoài lương, người lao động, đặc biệt là các nhân sự trẻ quan tâm đến tầm nhìn của doanh nghiệp, họ cũng khát khao được cống hiến và muốn được lắng nghe, đây cũng là các yếu tố để thu hút người lao động.