Thời trang kỹ thuật số sẽ ra sao trong tương lai?
Trong vài năm gần đây, thị trường tiền điện tử lao dốc, NFT - loại token mã hóa trên blockchain giảm mạnh giá trị và cơn sốt metaverse dần lắng dịu. Vậy sự thoái trào này đã ảnh hưởng như thế nào đến giấc mơ thời trang kỹ thuật số?...
Trước đại dịch, tương lai của thời trang số dường như vô cùng rộng mở. Năm 2018, nhà bán lẻ Scandinavia Carlings hợp tác với Virtue Worldwide ra mắt bộ sưu tập quần áo kỹ thuật số và bán hết trong một tuần. Đến năm 2022, Gucci, Balmain và Prada đã bán các sản phẩm thời trang kỹ thuật số hoặc kết hợp giữa kỹ thuật số và vật lý dưới dạng NFT, và Tuần lễ Thời trang Metaverse diễn ra với lượng người tham dự đông đảo.
NHỮNG Ý KIẾN TRÁI CHIỀU
Tuy nhiên, hiện tại, có cảm giác như cơn sốt metaverse đã phần nào bị lãng quên. Mọi người dường như chỉ lo lắng về việc AI sẽ chiếm mất việc làm của họ. Thời trang kỹ thuật số cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng. Dù vậy, thời trang kỹ thuật số không bị ảnh hưởng nghiêm trọng như metaverse hay NFT nói chung, một phần nhờ vào sự nổi bật ngày càng tăng của lĩnh vực game. Tuy nhiên, nhận thức về thời trang kỹ thuật số vẫn còn hạn chế.
Matt Powell, chuyên gia phân tích bán lẻ tại BCE Consulting cho biết: “Động lực thúc đẩy sự phát triển của NFT là suy nghĩ rằng tất cả mọi người sẽ trở nên giàu có (nếu đầu tư vào loại tài sản này). Và tất nhiên là không phải ai cũng trở nên giàu có sau khi đầu tư. Vì vậy mọi người nhanh chóng mất đi hứng thú. Ngoài ra, chúng ta còn nhận ra rằng để duy trì NFT cần một nguồn lượng năng lượng khổng lồ.”
Về khía cạnh NFT trong thời trang, Matt nhận xét: “Tôi không nghĩ rằng các thương hiệu hay nhà bán lẻ thực sự biết cách kiếm tiền từ nó và cách tạo ra mối liên kết giữa các sản phẩm vật lý và sản phẩm kỹ thuật số… Chắc chắn khách hàng không còn sự quan tâm tới NFT như cách đây vài năm nữa”.
Mason Rothschild, người sáng lập công ty sáng tạo kỹ thuật số Gasoline, cũng cho rằng trên thực tế, thời trang kỹ thuật số không có nhiều giá trị về mặt nội tại. “Sẽ không có ai chi tiền cho một chiếc xe kỹ thuật số nếu họ không có một chiếc xe thật. Không có ai chi tiền cho quần áo kỹ thuật số nếu họ không có phiên bản thật của nó”.
Thực chất, thời trang kỹ thuật số vẫn là một lĩnh vực khá mới mẻ, chỉ đang ở giai đoạn khởi đầu. Rất nhiều người tiêu dùng vẫn chưa quen với việc kết hợp thời trang đời thực và thời trang số, điều này khiến thời trang số gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Thách thức càng thêm lớn do người tiêu dùng chưa đủ quen thuộc với những tiến bộ công nghệ cần thiết để xây dựng mô hình kinh doanh thời trang kỹ thuật số sinh lời cho hầu hết các công ty. Đây là lý do khiến những thương hiệu tiên phong trong lĩnh vực thời trang kỹ thuật số đang gặp khó khăn. Bên cạnh đó, trong giai đoạn kinh tế bất ổn, người tiêu dùng thường có xu hướng lựa chọn các sản phẩm hữu hình tích hợp công nghệ mới, mang lại những lợi ích thiết thực. Nếu kết hợp thêm với trải nghiệm kỹ thuật số thì càng tốt.
HƯỚNG PHÁT TRIỂN MỚI
Nhưng nếu chúng ta nhìn vào những số liệu tuyệt vời từ các nền tảng game điện tử Roblox hoặc Fortnite, thì tương lai khác lạc quan. Năm 2023, Fortnite đã thu lại được 204 triệu tiền thanh toán cho nhà phát triển, tăng 300% so với năm trước đó. Thời trang kỹ thuật số từ trước đến nay luôn gắn liền với game, và giờ đây chúng ta thấy thời trang thực tế và các thương hiệu xa xỉ đang dần bước chân vào lĩnh vực này.
Gần đây, Adidas đã kết hợp với nhà sáng tạo trên Roblox - Jonathan Courtney để ra mắt chiếc vòng cổ trị giá 2 triệu Roblux (khoảng 20 nghìn USD). Đây là sản phẩm do người dùng thiết kế, phiên bản giới hạn đắt đỏ nhất từng được bán, và nó được bán hết ngay lập tức. Chiếc vòng cổ độc nhất vô nhị này là một phần trong nỗ lực mới của Adidas nhằm thâm nhập vào lĩnh vực game và tài sản trong game như một mô hình kinh doanh tạo ra doanh thu thay thế.
"Về cơ bản, chúng tôi chưa bao giờ định vị mình trong lĩnh vực game - lĩnh vực giải trí lớn nhất thế giới", ông Thomas Wehner, Giám đốc mảng game của Adidas - bộ phận kinh doanh mới chuyên mở rộng sự hiện diện của thương hiệu trên nhiều môi trường game khác nhau, cho biết. "Chúng tôi không chỉ hướng đến việc rót tiền vào hệ sinh thái game, mà còn thực sự kiếm tiền từ hệ sinh thái này".
Trong bối cảnh cơn sốt NFT đã giảm nhiệt và các chiến lược đổi mới thương hiệu trở nên đa dạng hơn, lĩnh vực game vẫn duy trì sức hút đáng kể và lượng người dùng lớn hơn nhiều. Năm 2023, 62% người lớn và 72% trẻ em ở Mỹ chơi trò chơi điện tử, và doanh thu ngành trò chơi điện tử dự kiến sẽ đạt tới 665 tỷ USD vào năm 2030.
Studio sản phẩm ảo của Nike, có tên gọi là Swoosh, cũng đang thể hiện sự ưu tiên cho lĩnh vực game bằng cách giới thiệu một dòng sản phẩm ảo được thiết kế để các nhân vật mặc trong các trò chơi điện tử; hãng cũng cho phép khách hàng truy cập vào các sản phẩm hiện hữu, miễn là khách hàng liên kết tài khoản trò chơi của họ với Nike.
Tương tự, Balenciaga cũng vừa phát hành trò chơi riêng của mình để quảng bá sự hợp tác với nhà soạn nhạc và nhạc sĩ người Pháp Bfrnd; sản phẩm vật lý bao gồm một chip NFC mở khóa cấp độ thứ tư của trò chơi. Hugo, thông qua dòng denim mới Hugo Blue, đã tạo ra một chiếc áo khoác phiên bản giới hạn với chip NFC tích hợp, cho phép truy cập vào skin avatar trong Roblox.
Không nói quá khi cho rằng game là một cách tiếp cận mới đối với sự thay đổi văn hóa và công nghệ tương tự hướng tới hàng hóa kỹ thuật số và thế giới ảo. "Câu hỏi đặt ra là liệu xu hướng này có phải là nhất thời hay là một bước tiến tới việc sử dụng rộng rãi các tài sản sưu tầm kỹ thuật số", một chuyên gia nói với Vogue Business.
Nhìn chung, thời trang kỹ thuật số là một phần của hệ sinh thái lớn. Các chuyên gia cho rằng chúng ta không thể khẳng định đó là một xu hướng nhất thời mà là một quá trình xây dựng lâu dài. Người ta ta đã dành nhiều thời gian để nói về TikTok, nhưng hiện nay, thanh thiếu niên đang dành nhiều thời gian hơn cho Roblox và các thế giới ảo khác, nơi họ mặc trang phục kỹ thuật số. Vào năm 2023, Roblox đã có 165 tỷ lần cập nhật avatar và có 1,6 tỷ mặt hàng và phụ kiện thời trang kỹ thuật số được mua, đây là một con số đáng kinh ngạc.
Alice Delahunt, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của nền tảng thời trang kỹ thuật số Syky cho biết: “Khi thắc mắc về tương lai của thời trang kỹ thuật số, tôi khuyên mọi người hãy bỏ qua những ồn ào và nhìn vào những sự thật cơ bản. Thời trang kỹ thuật số là một phần không thể tránh khỏi của tương lai”.