Thông qua Quy hoạch Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý về sứ mệnh mới
Với 100% thành viên Hội đồng thẩm định đồng ý thông qua Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với điều kiện có bổ sung và chỉnh sửa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý Quảng Ngãi về sứ mệnh mới, trở thành cực tăng trưởng với động lực tăng trưởng mới…
Chủ tịch Hội đồng thẩm định, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh như vậy khi thông báo ý kiến của hội đồng thành viên tại Hội thẩm định Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 16/3.
SỨ MỆNH, VAI TRÒ PHẢI KHÁC
“Chúng ta đang có những thuận lợi là Nghị quyết số 26, Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được phê duyệt, các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị… Trong đó đặt lên vai Quảng Ngãi một sứ mệnh mới, đó là trở thành cực tăng trưởng của vùng động lực miền Trung. Sứ mệnh, vai trò, vị trí của Quảng Ngãi phải khác, phải làm sao đóng góp xứng đáng trong vùng động lực này, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý, Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa rõ nét tính đột phá, nhất là trong cơ cấu kinh tế, phụ thuộc quá vào lọc dầu và thép. Cần mạnh dạn hơn, tư duy mới, tìm điểm đột phá mới để xây dựng cơ cấu kinh tế, các động lực phát triển mới.
“Tôi rất lo, nếu phụ thuộc quá, chúng ta sẽ không tận dụng hết các tiềm năng của Quảng Ngãi, cũng như khó phát triển bền vững”, Bộ trưởng quan ngại.
Về mô hình phát triển, Bộ trưởng yêu cầu xác định rõ khu vực cần khuyến khích phát triển, xác định rõ khu vực ưu tiên đầu tư, rõ khu vực liên kết giữa Chu Lai và Dung Quất.
Về phát triển du lịch, Bộ trưởng yêu cầu rà soát lại các sản phẩm du lịch, tập trung vào những sản phẩm khác biệt nhưng cạnh tranh dựa vào các đặc điểm như vị trí địa lý “cầu nối” liên kết của vùng Nam Trung Bộ với Tây Nguyên; Lý Sơn; Văn hóa Sa Huỳnh; và Khu chứng tích Sơn Mỹ.
Về hàng không, Bộ trưởng đề nghị Quảng Ngãi nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch sân bay tại đảo Lý Sơn theo các nội dung được xác định trong dự thảo quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030; xây dựng đề án nghiên cứu, phát triển cảng hàng không dân dụng đáp ứng yêu cầu theo văn bản số 1260/BGTVT-KHĐT, ngày 13/02/2023 của Bộ Giao thông vận tải.
Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh rà soát việc đầu tư các dự án phát triển nguồn điện trên địa bàn phải đảm bảo trên cơ sở nhu cầu thực tế của địa phương, Quy hoạch điện 8 và các quy hoạch liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt; rà soát hiệu quả của các dự án thủy điện đã đưa vào quy hoạch thời kỳ 2011 - 2020, nhưng chưa thực hiện đầu tư và các dự án mới đưa vào quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, kiên quyết không đưa vào quy hoạch nếu dự án không hiệu quả, chiếm dụng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; không đưa mới các dự án thủy điện quy mô nhỏ, dưới 10 MW vào quy hoạch theo văn bản số 9844/BCT-ĐL, ngày 22/12/2020 của Bộ Công Thương.
Trên cơ sở này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị tỉnh Quảng Ngãi hoàn thiện hồ sơ quy hoạch đảm bảo chất lượng, tiến độ trên cơ sở tiếp thu giải trình toàn bộ ý kiến tham gia thẩm định và Báo cáo thẩm định theo đúng quy định hiện hành; chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung, số liệu trong Báo cáo Quy hoạch và hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ Quy hoạch.
SẮP XẾP LẠI KHÔNG GIAN, HÌNH THÀNH 4 HÀNH LANG KINH TẾ VÀ 6 KHÔNG GIAN KINH TẾ ĐỘNG LỰC
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị về quy hoạch Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết Quảng Ngãi đã xây dựng 3 kịch bản phát triển; trong đó lựa chọn kịch bản 3 theo hướng hài hóa và bền vững với tốc độ tăng trưởng GRDP 2021-2030 là 7,25-8,25%.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã định hình không gian, tầm nhìn phát triển thể hiện qua cấu trúc 4 hành lang kinh tế chiến lược, 5 vùng liên huyện kết nối, 6 không gian kinh tế động lực; đây được xem là cấu trúc của sự phát triển cân bằng, liên kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa khu vực duyên hải, trung du, miền núi và hải đảo của tỉnh Quảng Ngãi.
Cụ thể, cấu trúc không gian phát triển tỉnh Quảng Ngãi sẽ được phát triển theo 4 hành lang kinh tế chiến lược gồm: (1) Hành lang kinh tế Bắc Nam: Dung Quất - TP. Quảng Ngãi - Sa Huỳnh (hành lang Bắc Nam quốc gia); (2) Hành lang Ba Vì (Ba Tơ) - Sơn Hà - Sơn Tây - Trà Bồng (hành lang liên kết nội Tỉnh, dọc theo tỉnh lộ 622, 626 và 24B kết nối từ Trà Bồng đến Ba Tơ); (3) Hành lang Lý Sơn- Dung Quất - Trà Bồng - Trà My dọc quốc lộ 24C mở rộng kết nối Trà My, và cửa khầu Nam Giang (Hành lang Đông Tây phía Bắc); (4) Hành lang kinh tế dọc Quốc lộ 24 Sa Huỳnh- Ba Tơ- Bờ Y: từ Phổ An đi Thạch Trụ - Phổ Phong đến Ba Tơ - Kon Tum - Bờ Y - Ngọc Hồi (Hành lang Đông Tây phía Nam).
Đồng thời định vị 6 không gian kinh tế động lực.
Thứ nhất, Thành phố Quảng Ngãi và vùng phụ cận (Khu vực A): Vùng phụ cận thuộc một phần các Huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành. Trong đó, thành phố Quảng Ngãi đóng vai trò thủ phủ của Tỉnh, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, thương mại dịch vụ đô thị.
Thứ hai, vùng động lực công nghiệp của tỉnh (Khu vực B): Bao gồm huyện Bình Sơn (Khu kinh tế Dung Quất) và một phần huyện Trà Bồng, một phần huyện Sơn Tịnh là trọng điểm công nghiệp và dịch vụ hậu cần.
Thứ ba, khu vực kinh tế sinh thái biển (Khu vực C): Bao gồm thị xã Đức Phổ và Huyện Mộ Đức. Phát triển khu vực trở thành trung tâm đầu mối kinh tế sinh thái biển Quảng Ngãi với trung tâm là thị xã Đức Phổ, hình thành trung tâm hậu cần nghề cá của khu vực, gắn với công nghiệp hậu cần nghề cá, trung tâm đầu mối, giao thương thủy sản hoàn thành chuỗi giá trị ngành hàng.
Thứ tư, khu vực kinh tế rừng xanh (Khu vực D): Bao gồm các huyện Trà Bồng, Sơn Tây, Minh Long, Ba Tơ. Hình thành các trung tâm kinh tế miền cao, hướng tới đột phá kinh tế rừng cho Quảng Ngãi.
Thứ năm, hành lang nông nghiệp bền vững (Khu vực E): Bao gồm các khu vực có địa hình tương đối bằng phẳng thuận lợi phát triển nông nghiệp xen giữa các khu vực đồi núi thuộc địa giới hành chính của các huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, một phần huyện Sơn Tịnh, Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ. Hướng tới giảm thâm dụng tài nguyên và bảo tồn đa dạng sinh học, hình thành các hành lang kinh tế hỗn hợp - tuần hoàn.
Thứ sáu, đảo Lý Sơn - “ngọc lớn - ngọc bé” của Biển Đông (Khu vực F): Đảo Lý Sơn, với định hướng phát triển đảo Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển –đảo.