Thu phí tự động không dừng: Đèo Cả muốn đi theo "vết xe đổ" của Tasco?
Nếu mấu chốt của vấn đề không được giải quyết triệt để thì tiến độ dự án cuối cùng vẫn thất bại dù rơi vào tay doanh nghiệp này hay doanh nghiệp khác
Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tasco từng nói với VnEconomy: "Thu phí tự động như miếng xương, làm rồi mới thấy sai lầm". Quả thật, miếng xương này khó nhằn, hai năm sau, Tasco phải đành lòng buông bỏ, nhường lại cho một doanh nghiệp khác có tên là Đèo Cả.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, Tasco hay Đèo Cả không phải là lời giải cho bài toán. Ai làm cũng vậy, nếu mấu chốt của vấn đề không được giải quyết triệt để thì tiến độ dự án cuối cùng vẫn thất bại dù rơi vào tay doanh nghiệp này hay doanh nghiệp khác.
Tiền đâu Đèo Cả mua lại VETC?
Như VnEconomy đưa tin trước đó, Công ty TNHH thu phí tự động VETC (doanh nghiệp do Liên danh Tasco và VETC lập ra) mới đây có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đề nghị Bộ này lựa chọn nhà đầu tư khác nhận chuyển giao dự án hoặc nhà nước tiếp tục triển khai dự án.
Bộ Giao thông Vận tải cùng với Công ty VETC có văn bản báo cáo Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo trong tháng 10/2019 hoặc cho dừng hợp đồng và thực hiện thủ tục phá sản doanh nghiệp trong tháng 12/2019. Nếu bắt buộc phải thực hiện dự án thì đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chia sẻ rủi ro, bù doanh thu thiếu hụt so với phương án tài chính của hợp đồng.
Ngay sau đó, xuất hiện thông tin Tasco đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét chấp thuận cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả nắm ít nhất 65% vốn điều lệ tại VETC để tiếp tục thực hiện dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 1.
Theo nguồn tin của VnEconomy, đơn vị trực tiếp đứng ra thực hiện thương vụ mua bán VETC này là Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả - Hamadeco (mã chứng khoán HHV - UpCOM) một doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Đèo Cả. Trước thời điểm tháng 7/2019, công ty này có tên là Công ty TNHH MTV quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân, thuộc Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông Cienco 5.
Việc mua lại VETC từ Tasco, đã dần hiện thực hoá tham vọng lấn sân vào thu phí tự động không dừng. Từ hai mùa đại hội đồng cổ đông bất thường trước đó, ban lãnh đạo công ty đã đặt ra mục tiêu lột xác thành tập đoàn đầu tư hạ tầng giao thông, trong đó có danh mục nhận quyền thu phí BOT.
Tuy nhiên, với năng lực tài chính hiện tại của Hamadeco đặt ra dấu hỏi lớn về khả năng thực sự mua nổi dự án thu phí tự động không dừng?
Báo cáo tài chính đã được kiểm toán của Hạ tầng giao thông Đèo Cả 9 tháng năm 2019 cho thấy cả doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp này sụt giảm mạnh, lần lượt đạt 160 tỷ đồng doanh thu, giảm 37% so với cùng kỳ năm 2018; lợi nhuận ghi nhận 13 tỷ đồng, giảm 67%. Năm 2018, lợi nhuận của Hạ tầng giao thông Đèo Cả cũng chỉ vỏn vẹn 18 tỷ đồng.
Nguồn vốn của Hamadeco tính đến ngày 30/9/2019 là 2.798 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn nợ phải trả 2.694 tỷ đồng, chiếm đến 96%. Còn lại là vốn chủ sở hữu với 103 tỷ đồng. Hồi đầu năm 2019, nguồn vốn của công ty chỉ ở mức 360 tỷ đồng.
Trước khi có ý định mua lại VECT, Hamadeco đã nhận chuyển nhượng cổ phần và đầu tư vào 5 dự án với tổng giá trị đầu tư là 2.394 tỷ đồng. Theo cam kết với các đối tác đã chuyển nhượng, công ty có thời hạn 120 ngày để thanh toán, tức chậm nhất là đến tháng 2/2020 để công ty có thời gian thu xếp vốn. Tình trạng thiếu hụt thanh khoản đã rõ. Do đó, để có khả năng trả các chủ nợ, ban lãnh đạo Hamadeco đã trình cổ đông thông qua phương án phát hành hơn 239,4 triệu cổ phần để tăng vốn điều lệ, hoán đổi khoản công nợ nêu trên.
Các nhà đầu tư (chủ nợ) dự kiến nhận cổ phiếu phát hành là: Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Thạch B.O.T (Hải Thạch BOT); Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Miền Bắc (Hạ tầng Miền Bắc); Công ty Cổ phần Tập đoàn Hải Thạch (Tập đoàn Hải Thạch); Công ty Cổ phần BOT Hưng Phát (BOT Hưng Phát) và Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Quốc tế Hà Thành (QT Hà Thành).
Đáng chú ý, tất cả các chủ nợ được Hamadeco phát hành riêng lẻ cổ phiếu đều là thành viên thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Đèo Cả - cổ đông lớn nhất của Hamadeco. Điều này khiến nhà đầu tư không khỏi băn khoăn về tính thực chất của việc tăng vốn của Hamadeco.
Quay trở lại với VETC, tổng mức đầu tư dự án là 2.030 tỷ đồng, tính đến thời điểm hiện tại, giá trị đầu tư đã thực hiện khoảng 1.300 tỷ đồng. Như vậy, nếu muốn mua lại 65% VETC, số tiền mà Hamadeco phải bỏ ra không hề nhỏ.
Trong khi đó, chính Tasco cũng đang phải gánh một khoản lỗ 300 tỷ đồng. Dự kiến, số lỗ này có thể lên tới 580 tỷ vào năm 2020, chưa kể vốn chủ sở hữu tham gia dự án là 278 tỷ đồng. Các cổ đông của VETC không đồng thuận tiếp tục đầu tư, cung cấp vốn cho dự án.
Đèo Cả sẽ đi theo vết xe đổ của Tasco?
Trao đổi với VnEconomy, ông Trần Văn Thế, Phó chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cho biết, Hamadeco chỉ là đơn vị thành viên đứng ra thực hiện thương vụ, còn thu xếp vốn và đưa người quản lý vận hành VETC là từ Tập đoàn Đèo Cả. Trước mắt mức độ tham gia chỉ dừng ở việc quản trị và điều hành dự án. Người của Tập đoàn Đèo Cả sẽ tham gia các vị trí chủ chốt của VETC như Chủ tịch, Phó chủ tịch, bộ máy tài chính kế toán… Còn việc mua bán sở hữu cổ phần sẽ thực hiện sau này khi mà Kiểm toán độc lập, kiểm toán nhà nước xác định lại giá trị của doanh nghiệp.
"Dự án tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ, vốn chủ sở hữu 300 tỷ thì với mức đầu tư này không phải là khó khăn với Tập đoàn Đèo Cả", ông Thế nói.
Ông Trần Văn Thế, Phó chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả.
Tuy nhiên, vốn cũng chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm. Khó khăn, vướng mắc lớn nhất của dự án thu phí tự động không dừng hiện nay chính là mâu thuẫn giữa chủ đầu tư BOT và doanh nghiệp dự án VETC. Tasco đã phải nhả ra vì nhiều nhà đầu tư BOT chưa đồng ý đàm phán, chưa đồng ý mức trích, hoặc đã đồng ý nhưng còn phải chờ ý kiến của ngân hàng tài trợ vốn hay UBND tỉnh.
Chính ông Thế cũng phải thừa nhận rằng, cách triển khai dự án thu phí tự động không dừng như hiện nay là chưa phù hợp. Các nhà đầu tư BOT đã có văn bản ý kiến với Hiệp hội các nhà đầu tư hạ tầng giao thông rằng đã không được đàm phán khi triển khai thu phí tự động không dừng.
"Công ty thu phí tự động không dừng đàm phán với Bộ Giao thông Vận tải ký hợp đồng BOO sau đó mang thiết bị đến lắp đặt mà nhà đâu tư BOT không biết. Mức phí cũng do cơ quan khác ấn định mà họ không được biết. Một số nhà đầu tư còn phàn nàn mức thu phí không dừng thấp chỉ đạt 20-30% nhưng phải trả mức phí tính trên tổng doanh thu thực tế. Do đó, nhà đầu tư BOT không đồng ý với mức trích trả cho VETC và muốn đàm phán lại", ông Thế nói.
Như vậy, có thể hiểu, cả Tasco hay Đèo Cả đều không phải là đáp án duy nhất cho bài toán hiện nay. Bởi với cơ chế hiện hành thì doanh nghiệp nào nhảy vào tham chiến dự án thu phí tự động không dừng cũng sẽ gặp những khó khăn tương tự với các nhà đầu tư BOT. Nên nhớ, trước khi tham gia thu phí tự động không dừng, Tasco từng báo lãi đậm, từng được mệnh danh là ông trùm của nhiều dự án BOT, có kinh nghiệm quản lý vận hành nhiều năm trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đường bộ.
Ai mới là lời giải thực sự cho bài toán thu phí tự động không dừng?
Khi mấu chốt của vấn đề không được giải quyết triệt để thì tiến độ dự án cuối cùng vẫn thất bại dù rơi vào tay doanh nghiệp này hay doanh nghiệp khác.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng, bản thân VETC, các nhà đầu tư BOT, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền như Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải phải xem xét lại trách nhiệm của mình và quá trình thực hiện dự án vướng ở đâu để tháo gỡ.
Đồng quan điểm, chuyên gia giao thông - kinh tế Nguyễn Xuân Thuỷ cho rằng, nguyên nhân của sự chậm trễ trên chính là do mâu thuẫn giữa quyền lợi cá nhân và quản lý nhà nước, chứ không phải sự độc quyền trong cung cấp dịch vụ.
Theo Tiến sĩ Thuỷ, mấu chốt là ở Bộ Giao thông Vận tải - đơn vị quản lý chứ không phải chuyển sang doanh nghiệp này thực hiện sẽ tốt hơn doanh nghiệp khác. Bộ Giao thông Vận tải được Chính phủ giao thì phải có cơ chế đối với doanh nghiệp thu phí tự động, nhà đầu tư BOT và cả người dân. Nếu hai bên không thống nhất được mức phí thì phải ngồi lại với nhau tính toán làm sao cho hài hoà lợi ích các bên.
"Chủ yếu là vấn đề quản lý chứ không phải do doanh nghiệp này hay doanh nghiệp khác. Đèo Cả hay Tasco thì cũng phải có người điều hành tốt của Bộ Giao thông Vận tải, nếu không thay được người quản lý công tác này thì tiến độ sẽ không thay đổi", Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thuỷ nói và cho rằng Bộ Giao thông giao cho Tổng cục Đường bộ thì phải kiên quyết, dứt khoát, nếu anh không làm được thì để cho người khác làm.
Khi có cơ chế đủ mạnh thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết. "Tuy nhiên, tiến độ đến cuối năm 2019 chắc chắn là không kịp nữa rồi", Tiến sĩ Thuỷ nói.