Thủ tướng: Bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết để phát triển bền vững
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng hợp tác và đoàn kết quốc tế về cả song phương và đa phương có ý nghĩa quyết định trong nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó với dịch bệnh, nhất là ở các nước đang phát triển…
Chiều 20/9 (theo giờ New York), tại Trụ sở Liên Hợp Quốc, Hội nghị cấp cao của Liên Hợp Quốc về sẵn sàng ứng phó và phòng chống đại dịch đã khai mạc trọng thể, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức quốc tế. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị.
Việc triệu tập hội nghị cấp cao lần này là sáng kiến của Việt Nam, phối hợp cùng một số nước chủ chốt, đưa ra và được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhất trí hồi tháng 9/2022, với mục đích đề ra các giải pháp hiệu quả để khắc phục các thiếu sót ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu trong việc chuẩn bị, phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với các tình huống y tế khẩn cấp.
Việt Nam cũng là quốc gia khởi xướng đề xuất và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2020 đã đồng thuận lấy ngày 27/12 hằng năm là Ngày quốc tế về chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.
Tại hội nghị, các đại biểu bày tỏ quan ngại sâu sắc về tác động tiêu cực và lâu dài của đại dịch Covid-19 đối với sức khỏe, tính mạng con người cũng như việc thụ hưởng các quyền con người, làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng về kinh tế và xã hội trong và giữa các quốc gia, bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine Covid-19; kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế, điều phối ở cấp cao nhất để đảm bảo tiếp cận công bằng, kịp thời các sản phẩm y tế liên quan đến đại dịch, trong đó có vaccine, và nâng cao khả năng phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó; đề nghị xoá bỏ các hàng rào thương mại, tăng cường chuỗi cung ứng để tạo thuận lợi cho việc vận chuyển thuốc và các sản phẩm y tế công cộng; khẳng định các quốc gia có vai trò và trách nhiệm chính trong quyết định việc phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó với đại dịch, phù hợp với bối cảnh và ưu tiên của quốc gia.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước khẩn trương hành động để đẩy nhanh việc bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân ở tất cả các quốc gia, giải quyết các rủi ro sức khỏe trong tương lai, bao gồm cả tình trạng kháng kháng sinh, thông qua cách tiếp cận "Một sức khỏe" và tăng cường đầu tư xây dựng lực lượng lao động chăm sóc sức khoẻ và y tế toàn cầu.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh những hậu quả hết sức nặng nề của đại dịch và kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực hành động để thế hệ tương lai không phải chịu thảm họa đại dịch, có cách tiếp cận và các giải pháp mang tính toàn cầu và toàn dân.
Thủ tướng cho rằng hợp tác và đoàn kết quốc tế về cả song phương và đa phương có ý nghĩa quyết định trong nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó với dịch bệnh, nhất là ở các nước đang phát triển.
Thủ tướng đề nghị ưu tiên tăng cường khả năng tiếp cận vaccine kịp thời và bình đẳng, năng lực điều trị, dự báo, công nghệ, an toàn, hiệu quả, ý thức người dân, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất vaccine, thuốc điều trị và hỗ trợ tài chính hiệu quả cho các nước đang phát triển, kém phát triển.
Thủ tướng cho rằng cần tập trung nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng, coi đây là nhiệm vụ cấp thiết của từng quốc gia và của hợp tác quốc tế, đồng thời cần đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết toàn cầu, đoàn kết toàn dân và sự nỗ lực của mọi quốc gia trong phòng chống dịch bệnh.
Nêu bật nỗ lực của Việt Nam chung tay cùng cộng đồng quốc tế chia sẻ thông tin, kinh nghiệm kịp thời, hiệu quả để ứng phó và phòng, chống dịch bệnh, Thủ tướng khẳng định Việt Nam ủng hộ kêu gọi cộng đồng quốc tế đồng ý đưa an ninh y tế toàn cầu thành một ưu tiên trong chương trình nghị sự để sớm ngăn ngừa, chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó hiệu quả với các loại dịch bệnh; với tinh thần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết để phát triển bền vững và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và cảm ơn các nước bạn bè, các tổ chức quốc tế, trong đó có WHO, đã hợp tác và hỗ trợ hiệu quả Việt Nam, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19.
Hội nghị đã nhất trí thông qua bằng đồng thuận nội dung Tuyên bố chính trị về sẵn sàng ứng phó và phòng chống đại dịch, trong đó quyết định sẽ tổ chức hội nghị cấp cao của Liên Hợp Quốc về sẵn sàng ứng phó và phòng chống đại dịch vào năm 2026 để đánh giá toàn diện việc triển khai Tuyên bố này.