Thủ tướng: Pháp luật phải vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển

Tiến Dũng
Chia sẻ

Ngày 14/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9/2024, xem xét, cho ý kiến, thông qua đối với 3 dự án luật, 2 đề nghị xây dựng luật...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp - Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp - Ảnh: VGP

Với các dự án luật, các đại biểu đã cho ý kiến về hồ sơ, trình tự, thủ tục trình, nguyên tắc, yêu cầu xây dựng luật, các nội dung trong dự thảo luật. Với các đề nghị xây dựng luật, các đại biểu cho ý kiến về hồ sơ, trình tự, thủ tục đề nghị xây dựng, sự cần thiết xây dựng luật, nguyên tắc, yêu cầu xây dựng luật, các chính sách được đề nghị.

QUY ĐỊNH, CHÍNH SÁCH NÀO TỐT CHO ĐẤT NƯỚC THÌ QUYÊT TÂM LÀM

Trong buổi sáng, Chính phủ cho ý kiến về hai dự án luật do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng gồm: Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP và Luật Đấu thầu.

Đánh giá Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) có nội dung sửa đổi, bổ sung khá lớn, phức tạp, thời gian trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 nên rất gấp, các thành viên Chính phủ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nỗ lực hơn nữa để bảo đảm hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo đúng quy định.

Còn Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP và Luật Đấu thầu sửa đổi, bổ sung mới, bãi bỏ 65 điều, khoản, điểm của 4 Luật, trong đó nhiều quy định sửa đổi liên quan đến thẩm quyền, trình tự, thủ tục trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, đấu thầu. Các đại biểu thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật nhằm tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc có tính cấp bách, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, góp phần khơi thông mọi nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng.

Nhấn mạnh một số nguyên tắc, yêu cầu xây dựng các luật này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu rà soát, bám sát các chủ trương mới trong các nghị quyết, kết luận của Đảng để cụ thể hóa; đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết; cái gì hiệu quả nhất, tốt nhất cho đất nước thì làm, cái gì tốt thì kế thừa, cái gì chưa tốt thì sửa đổi, luôn đổi mới, cái gì thấy đúng thì cương quyết làm; trường hợp quy định khác các luật hiện hành thì phải xác định rõ nguyên tắc áp dụng pháp luật, bảo đảm thống nhất trong quá trình thi hành.

Đồng thời, cần phân công rõ người, rõ việc, một việc chỉ một người làm, ai làm tốt nhất thì giao; có sự phối hợp giữa các cơ quan. Các nội dung sửa đổi, bổ sung cần được thuyết minh, giải trình đầy đủ, rõ ràng, có số liệu, lập luận để bảo đảm tính thuyết phục với cơ quan có thẩm quyền.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, thiết kế công cụ để kiểm tra, giám sát; tăng cường hậu kiểm, giảm tiền kiểm để bảo đảm linh hoạt.

Quang cảnh phiên họp - Ảnh: VGP
Quang cảnh phiên họp - Ảnh: VGP

Đơn giản hóa, cắt giảm trình tự, thủ tục rườm rà, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan các cấp; cương quyết xóa bỏ cơ chế xin cho và môi trường phát sinh tham nhũng, tiêu cực, dễ dẫn tới sai phạm, khuyết điểm, mất cán bộ; rút ngắn thời gian triển khai, sớm hoàn thành, đưa dự án đầu tư công vào khai thác.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, huy động năng lực quản lý và nguồn lực của các thành phần kinh tế trong thực hiện dự án đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư tư. Sử dụng nguồn vốn ODA không dàn trải, tập trung cho một số dự án lớn, trọng điểm mang tính xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái.

Bổ sung các cơ chế, công cụ đánh giá hiệu quả công việc cũng như giám sát, kiểm tra, đôn đốc để thực hiện khen thưởng, kỷ luật phân minh trong việc thực hiện đầu tư công.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình tiếp tục chỉ đạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để hoàn thiện dự án Luật; tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ, phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các bộ liên quan để giải trình, tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, bảo đảm chất lượng, tiến độ, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

GIẢM CHI THƯỜNG XUYÊN, TẬP TRUNG CHO ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN

Buổi chiều, Chính phủ thảo luận, cho ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính và hai đề nghị xây dựng luật.

Dự án luật do Bộ Tài chính chủ trì xây dựng là Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Chứng khoán, Luật Quản lý thuế.

Các đại biểu đánh giá cao Bộ Tài chính đã tích cực nghiên cứu, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổng kết thực tiễn, xây dựng các chính sách mới để hoàn thiện dự án Luật với hồ sơ, thủ tục đầy đủ theo quy định.

Về nguyên tắc, yêu cầu xây dựng Luật, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung xử lý triệt để những vướng mắc, điểm nghẽn trong thực tiễn, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, khuyến khích, huy động có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển trong bối cảnh mới.

Về nội dung sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế, Thủ tướng nhấn mạnh định hướng tăng thu, mở rộng cơ sở thu, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; chi hiệu quả, giảm chi thường xuyên, tập trung cho đầu tư phát triển, tốc độ tăng chi cho đầu tư phát triển phải tăng cao hơn tốc độ tăng chi thường xuyên; bảo đảm linh hoạt trong sử dụng ngân sách nhà nước; đẩy mạnh thu thuế với thương mại điện tử, hoàn thuế nhanh…

Về nội dung sửa đổi Luật Chứng khoán, Bộ Tài chính rà soát kỹ các quy định để tạo thị trường giao dịch thuận lợi, cơ quan nhà nước quản lý hiệu quả. Đối với Luật Kế toán, Bộ Tài chính cần thận trọng làm rõ các nguyên tắc áp dụng chuẩn mực kế toán để thuận lợi cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý…

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu ý kiến - Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu ý kiến - Ảnh: VGP

Về nội dung sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, cần tháo gỡ nút thắt pháp lý để đẩy mạnh hợp tác công tư, tăng cường các hình thức "đầu tư công, quản lý tư" như với sân vận động, bảo tàng, nhà khách…, "đầu tư tư, sử dụng công" như với các công sở…, "lãnh đạo công, quản trị tư" với các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao… Về nội dung sửa đổi Luật Dự trữ Quốc gia, cần bảo đảm dự trữ phù hợp, linh hoạt, thuận tiện, kịp thời trong quá trình thực hiện xuất cấp dự trữ đối với các tình huống khẩn cấp.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của Chính phủ, các Thành viên Chính phủ tại cuộc họp, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

PHÂN CẤP, PHÂN QUYỀN TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

Về đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng, các đại biểu thống nhất sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật nhằm hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua; đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao về tiến độ và chất lượng xây dựng thể chế, nhất là để kịp thời đề xuất, ban hành văn bản quy phạm pháp luật xử lý những vấn đề cấp bách, phát sinh.

Bên cạnh các nguyên tắc, yêu cầu chung, Thủ tướng lưu ý một số nội dung trong quá trình xây dựng luật này, theo đó cần thể chế hóa kịp thời, đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

"Cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện, luật hóa; những vấn đề mới, chưa chín, chưa rõ, chưa có quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội; những vấn đề đang trong quá trình vận động, chưa rõ ràng, thực tiễn đang biến động, hay những vấn đề cụ thể cấp bách cần xử lý trong phạm vi hẹp, thời gian ngắn thì đề xuất giao Chính phủ căn cứ tình hình thực tế để quy định, hướng dẫn bảo đảm linh hoạt, phù hợp", Thủ tướng nhấn mạnh.

Tăng cường phân cấp, phân quyền trong công tác xây dựng pháp luật, gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu; cắt giảm tối đa thủ tục rườm rà, không cần thiết, làm chậm tiến độ soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Thành Long chỉ đạo, Bộ Tư pháp tiếp thu tối đa ý kiến thành viên Chính phủ, ý kiến tại Phiên họp Chính phủ, khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.

TẠO ĐIỀU KIỆN ĐỂ CÁC CƠ QUAN BÁO CHÍ TĂNG TIỀM LỰC, CƠ SỞ VẬT CHẤT

Về đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng, các đại biểu tập trung thảo luận về nội dung đề xuất chính sách liên quan tới tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động báo chí; nâng cao chất lượng người làm báo, lãnh đạo cơ quan báo chí; thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí; điều chỉnh hoạt động báo chí trên không gian mạng…

Về nguyên tắc, yêu cầu xây dựng Luật, Thủ tướng nhấn mạnh cần bám sát và thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về quản lý và phát triển hoạt động báo chí; sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành nhằm khắc phục vướng mắc, bất cập, bảo đảm phù hợp thực tiễn; thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực báo chí phù hợp với tình hình thực tiễn, xu hướng chuyển đổi số báo chí và giữ vững bản chất, phát huy vai trò báo chí cách mạng; hoàn thiện các cơ quan báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, giữ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội.

Thủ tướng: Pháp luật phải vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển - Ảnh 1
Thủ tướng: Pháp luật phải vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển - Ảnh 2
Thủ tướng: Pháp luật phải vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển - Ảnh 3
Thủ tướng: Pháp luật phải vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển - Ảnh 4
 

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình và lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu - Ảnh: VGP

Mục tiêu là xây dựng các cơ quan báo chí chủ lực, truyền thông đa phương tiện phục vụ đắc lực, hiệu quả lợi ích quốc gia, dân tộc; nâng cao chất lượng người làm báo, lãnh đạo cơ quan báo chí; đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí; xây dựng cơ chế, chính sách để bảo đảm cho các cơ quan báo chí hoàn thành sứ mệnh, nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao trong công tác thông tin tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện để các cơ quan báo chí tăng cường tiềm lực, cơ sở vật chất, có thêm nguồn thu nhập hợp pháp, chính đáng cho các cơ quan báo chí và người hoạt động báo chí; khen thưởng, kỷ luật kịp thời, phù hợp.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo việc hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật này; Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật; Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung Đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, trình Quốc hội trong năm 2025.

VỪA QUẢN LÝ CHẶT CHẼ, VỪA KIẾN TẠO PHÁT TRIỂN

Kết luận chung phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá sau một ngày làm việc khẩn trương, sôi nổi với tinh thần trách nhiệm cao, Chính phủ đã hoàn thành 5 nội dung quan trọng; đánh giá cao Bộ Tư pháp và các Bộ chủ trì đã nỗ lực, tích cực chuẩn bị, trình các nội dung; đề nghị các đồng chí Bộ trưởng chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến hợp lý của các thành viên Chính phủ và các đại biểu, hoàn thiện các đề nghị, dự án luật theo quy định, bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng; các đồng chí Phó Thủ tướng được phân công theo lĩnh vực phụ trách quan tâm, trực tiếp chỉ đạo việc hoàn thiện 05 nội dung quan trọng nêu trên.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm về công tác thể chế thời gian tới, Thủ tướng cho biết khối lượng công việc rất lớn do đòi hỏi của thực tiễn trong khi phải dành thời gian, công sức cho nhiều nhiệm vụ quan trọng khác. Tại kỳ họp thứ 8, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội thông qua 15 dự án luật, trình Quốc hội cho ý kiến 10 dự án luật.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục phát huy tinh thần vì nhân dân phục vụ, càng làm càng tốt hơn, xứng đáng với sự tin tưởng, mong đợi của Đảng, Nhà nước, nhân dân; đề nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ưu tiên thời gian, tập trung nguồn lực cao nhất, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện các dự án luật để trình Quốc hội theo đúng quy định; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, tạo sự đồng thuận trong quá trình thẩm tra, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội; tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, đối tượng tác động…

"Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các dự án Luật phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật; đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, theo hướng vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động được các nguồn lực, tạo không gian phát triển mới cho đất nước trong giai đoạn mới", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng nêu rõ, việc xây dựng các dự án luật cần cố gắng chuẩn bị, trình trong thời gian ngắn nhất có thể, đáp ứng kịp thời các diễn biến nhanh chóng và yêu cầu cấp bách của thực tiễn; nỗ lực, quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc pháp lý trong thực tiễn và trình bày, lập luận thuyết phục, tạo sự đồng thuận của xã hội, người dân, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng.

Đồng thời, xây dựng quy định phải rõ ràng nhưng không quá cứng nhắc; tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để, đồng thời huy động, phân bổ các nguồn lực có hiệu quả, nâng cao năng lực thực thi, thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực.

Cùng với đó, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xóa bỏ cơ chế xin cho, giảm các khâu trung gian. Kiểm soát quyền lực; không để xảy ra tình trạng cài cắm quy định lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ hoặc tạo môi trường cho tham nhũng, tiêu cực trong các dự án luật.

Thủ tướng yêu cầu việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh phải kịp thời, không để xảy ra khoảng trống pháp lý, vướng mắc gây khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp, người dân, ảnh hưởng đến hiệu lực thi hành của luật do chậm ban hành văn bản quy định chi tiết. Bộ trưởng Bộ Tư pháp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc ban hành văn bản quy định chi tiết của các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương và tình hình tổ chức thi hành pháp luật.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con