Thừa Thiên Huế quy định về thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Quyết định 44/2023/QĐ-UBND quy định một số nội dung về cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh…
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Quyết định 44/2023/QĐ-UBND có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/8/2023 và thay thế cho Quyết định 65/2017/QĐ-UBND ngày 15/8/2017 và Quyết định 34/2020/QĐ-UBND ngày 28/5/2020 của UBND tỉnh quy định một số nội dung về cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn.
Cụ thể, về thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng: UBND tỉnh quy định: Sở Xây dựng cấp phép xây dựng công trình từ cấp II trở lên; công trình xây dựng thuộc địa giới hành chính từ 2 đơn vị cấp huyện trở lên (trừ các công trình quy định tại khoản 2 điều này).
Ban quản lý khu kinh tế, công nghiệp cấp giấy phép xây dựng công trình thuộc dự án trên địa bàn khu kinh tế, khu công nghiệp được cơ quan có thẩm quyền cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đăng ký đầu tư hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương (trừ công trình tôn giáo, tín ngưỡng, công trình di tích lịch sử - văn hóa và nhà ở riêng lẻ).
UBND các huyện, thị xã, TP.Huế cấp giấy phép xây dựng công trình cấp III, cấp IV, nhà ở riêng lẻ (không phân biệt cấp công trình) trên địa bàn do mình quản lý.
Ngoài ra, đối với thẩm quyền điều chỉnh, gia hạn, cấp lại, thu hồi, hủy bỏ giấy phép xây dựng: Công trình do cơ quan nào cấp giấy phép xây dựng thì cơ quan đó có thẩm quyền điều chỉnh, gia hạn, cấp lại và thu hồi, hủy giấy phép xây dựng do cơ quan đó cấp. Khi điều chỉnh thiết kế xây dựng hoặc sửa chữa, cải tạo công trình làm thay đổi cấp của công trình, thì thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng được xác định theo cấp của công trình sau điều chỉnh thiết kế, hoặc công trình sửa chữa, cải tạo.
Trường hợp dự án đầu tư xây dựng gồm nhiều loại công trình và có cấp công trình khác nhau, thẩm quyền cấp, điều chỉnh, gia hạn, cấp lại và thu hồi, hủy giấy phép xây dựng cho các công trình thuộc dự án, được xác định theo thẩm quyền của cơ quan có trách nhiệm cấp giấy phép xây dựng công trình có cấp cao nhất dự án. Trường hợp có mâu thuẫn giữa các tiêu chí để xác định thẩm quyền cấp phép xây dựng, thì Sở Xây dựng là cơ quan lựa chọn phương án thực hiện, và báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Còn quy định liên quan đến công trình, nhà ở riêng lẻ xây dựng mới: Công trình được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn có chiều cao tối đa là 2 tầng (không có tầng hầm, tầng bán hầm), tổng chiều cao công trình không quá 10 m và tổng diện tích sàn xây dựng không quá 160 m2. Đối với công trình sử dụng vào mục đích phục vụ cộng đồng, an sinh xã hội, các công trình khác có nhu cầu vượt quá quy mô nêu trên, phải được UBND tỉnh chấp thuận trước khi lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng có thời hạn.
Công trình, nhà ở riêng lẻ sửa chữa, cải tạo: Quy mô sau khi sửa chữa cải tạo không vượt quá quy mô đã quy định. Trường hợp công trình, nhà ở riêng lẻ có quy mô hiện trạng lớn hơn quy mô xác định nêu trên, thì được sửa chữa, cải tạo giữ nguyên trạng (không tăng quy mô: diện tích xây dựng, tổng diện tích sàn, chiều cao, số tầng).
Công trình được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn được tồn tại cho đến khi có quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Hết thời hạn tồn tại của công trình, hoặc Nhà nước giải phóng mặt bằng để thực hiện quy hoạch, thì chủ đầu tư phải tự phá dỡ toàn bộ công trình được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn, nếu không tự phá dỡ sẽ bị cưỡng chế và chủ đầu tư phải chịu mọi chi phí cho việc thực hiện cưỡng chế.