Thủy sản năm 2023: Sản lượng nuôi trồng vượt chỉ tiêu, xuất khẩu không hoàn thành kế hoạch

Chu Khôi
Chia sẻ

Tổng sản lượng thủy sản năm 2023 đạt 9,269 triệu tấn, vượt mục tiêu đề ra. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt khoảng 9,2 tỷ USD, bằng 92% so với kế hoạch (10 tỷ USD). Trong đó: Tôm khoảng 3,45 tỷ USD; Cá tra khoảng 1,9 tỷ USD; Nhuyễn thể khoảng 0,8 tỷ USD; Cá ngừ khoảng 0,9 tỷ USD...

Tiếp tục giảm cường lực đánh bắt hải sản.
Tiếp tục giảm cường lực đánh bắt hải sản.

Ngày 21/12/2023, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024.

13.000 HA NUÔI TRỒNG THỦY SẢN ĐƯỢC CHỨNG NHẬN VIETGAP

Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết ước tính đến hết tháng 12/2023, tổng sản lượng thủy sản đạt 9,269 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2022. Trong đó: khai thác thủy sản đạt 3,861 triệu tấn, tương đương với năm 2022; nuôi trồng thủy sản đạt hơn 5,408 triệu tấn, tăng 3,5%  so với năm 2022.

So với chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2023, tổng sản lượng thủy sản đạt 102,4% (9,05 triệu tấn); trong đó sản lượng khai thác vượt 4,9%, chưa đạt chỉ tiêu đề ra (giảm còn 3,68 triệu tấn); sản lượng nuôi trồng đạt 100,7%. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2023 ước đạt khoảng 9,2 tỷ USD, kém 0,8 tỷ USD so với kế hoạch đề ra 10 tỷ USD".

 

"Đến thời điểm này, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP ước đạt 13.000 ha, sản lượng thủy sản VietGAP năm 2023 ước đạt 1,65 triệu tấn".

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản.

Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2023 ước đạt 1,3 triệu ha nuôi nội địa và 9,5 triệu m³ lồng nuôi biển. Trong đó, nuôi biển tăng 5,5%, bao gồm: 4,3 triệu m³ lồng nuôi cá biển; 5,2 triệu m³ lồng nuôi tôm hùm và 57 nghìn ha nuôi nhuyễn thể. Tổng sản lượng nuôi biển đạt 789,8 nghìn tấn, tăng 10,1% so với năm 2022, gồm: Cá biển 46 nghìn tấn; tôm hùm 3,8 nghìn tấn; nhuyễn thể 440 nghìn tấn; đối tượng khác 300 nghìn tấn.

Nuôi nước lợ đạt tổng diện tích khoảng 920 nghìn ha, sản lượng 1,496 triệu tấn, trong đó tôm sú đạt 274 nghìn tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 845 nghìn tấn.  

Nuôi thủy sản nước ngọt 380 nghìn ha, sản lượng khoảng 3,122 triệu tấn. Trong đó, diện tích thả nuôi cá tra đạt 5.700 ha, sản lượng  đạt 1,71 triệu tấn, tăng 0,6% so với năm 2022. Cá rô phi: diện tích nuôi 30 nghìn ha, sản lượng 270 nghìn tấn, tăng 3,8% so với năm 2022. Ngoài ra, nuôi hỗn hợp và thủy sản khác đạt diện tích khoảng 344 nghìn ha, sản lượng 1,142 triệu tấn, tăng 1,1%.

SỐ LƯỢNG TÀU CÁ GIẢM GẦN 3000 CHIẾC

Đối với lĩnh vực khai thác thủy sản, tổng sản lượng khai thác năm 2023 ước khoảng 3,861 triệu tấn, chưa đạt chỉ tiêu đề ra giảm còn 3,68 triệu tấn. Trong đó, sản lượng khai thác biển 3,66 triệu tấn, giảm 0,3% so với năm 2022.

Ông Trần Đình Luân phát biểu tại hội nghị.
Ông Trần Đình Luân phát biểu tại hội nghị.

Thực hiện những khuyến nghị của EC trong tiến trình gỡ “thẻ vàng”, số lượng tàu cá giảm còn 83.430 chiếc, giảm 6.292 chiếc so với năm 2022 là 89.722 chiếc. Trong đó: tàu từ 6-12m là 37.770 chiếc (giảm 5.230 chiếc); tàu từ 12-15m là 16.000 chiếc (giảm 480 chiếc); tàu từ 15-24m là 26.500 chiếc (giảm 470 chiếc); tàu trên 24m là 2.510 chiếc (giảm 112 chiếc).

Năm 2023, Cục Thủy sản đã tham mưu xử lý 10 yêu cầu xác minh của các nước trong khối EU, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, thông báo cho cơ quan thẩm quyền của các nước châu Âu để giải phóng các lô hàng xuất khẩu.

 

"Năm 2023, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển đã công bố hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản ở vùng ven bờ và vùng lộng với tổng số hơn 67 nghìn giấy phép".

Theo Cục Thủy sản.

Năm 2023, Cục Thủy sản đã chủ trì, phối hợp tổ chức 13 đoàn công tác kiểm tra tại các địa phương về triển khai các quy định của pháp luật trong lĩnh vực khai thác thủy sản. Cục đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương làm việc với đoàn Thanh tra của EC sang làm việc tại Việt Nam trong tháng 10/2023 để thanh tra thực tế lần thứ 4 về IUU; Tham gia kiểm tra việc chống khai thác IUU tại các tỉnh, thành phố ven biển; Tổng hợp thông tin danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm quy định IUU, đăng tải lên website của Cục (9.855 tàu cá).

Đề cập những tồn tại, hạn chế của ngành thủy sản, ông Trần Đình Luân cho hay: Các tiêu chuẩn, quy chuẩn về quan trắc môi trường còn thiếu, chưa đồng bộ; Công tác bảo quản sản phẩm chưa cải thiện. Việc ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong khai thác và nuôi trồng thủy sản chưa được nhiều, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản chưa được chặt chẽ. Nhu cầu tiêu thụ giảm ở hầu hết các thị trường gây khó khăn cho tiêu thụ sản phẩm, giá bán sản phẩm giảm dẫn đến kim ngạch xuất khẩu giảm theo.

Đối với khai thác hải sản, số lượng tàu cá có xu hướng giảm dần nhưng chưa nâng cao giá trị sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch trong khai thác thủy sản còn ở mức cao. Sản lượng khai thác thủy sản chưa giảm đáp ứng chi tiêu chiến lược đề ra. Hạ tầng cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành, công tác duy tu, bão trì chưa được địa phương quan tâm, bố trí kinh phí thực hiện theo quy định.

PHẢI GỠ ĐƯỢC “THẺ VÀNG” TRONG QUÝ 2/2024

Nhìn về năm 2024, Cục Thủy sản nhận định ngành thủy sản tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn: Tình hình an ninh trật tự trên biển diễn biễn phức tạp, khó lường, các nước trong khu vực tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác trên biển, ngư trường khai thác hải sản của ngư dân ta bị thu hẹp đáng kể. EC tiếp tục giữ cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam, trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu chưa có dấu hiệu hồi phục, sự canh tranh mạnh mẽ của các thị trường và lượng tồn kho của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.

 

"Mục tiêu năm 2024: Diện tích nuôi trồng thủy sản giữ ổn định so với năm 2023 là 1,3 triệu ha, trong đó diện tích nuôi nước ngọt 380 nghìn ha, diện tích nuôi mặn, lợ 920 nghìn ha".

Theo Cục Thủy sản.

Cục Thủy sản đề ra mục tiêu năm 2024: Diện tích nuôi trồng thủy sản giữ ổn định so với năm 2023 là 1,3 triệu ha, trong đó diện tích nuôi nước ngọt 380 nghìn ha, diện tích nuôi mặn, lợ 920 nghìn ha.

Tiếp tục điều chỉnh giảm dần sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng và triển khai mạnh các giải pháp để tăng giá trị đối với cả sản lượng nuôi và khai thác để tăng giá trị sản xuất đối với với sản phẩm thủy sản, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng. Cụ thể, sản lượng khai thác khoảng 3,54 triệu tấn, giảm 8,3% so với năm 2023; sản lượng nuôi trồng 5,68 triệu tấn, tăng 5,0% so với năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản: Đạt khoảng 9,5 tỷ USD.

Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu Cục Thủy sản bám sát, triển khai quy chế phối hợp giữa Cục Thủy sản và Cục Thú Y liên quan đến công tác quản lý giống thủy sản, kiểm dịch động vật thủy sản, quản lý hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật để cải tạo xử lý môi trường.

“Phải kiểm soát chặt chẽ sản xuất an toàn thực phẩm sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh thủy sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc và xác nhận cam kết chống khai thác bất hợp pháp, phát triển thủy sản đạt chứng nhận quốc tế”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Đối với lĩnh vực hải sản, cần tổ chức lại sản xuất nuôi biển, hướng dẫn cho ngư dân chuyển đổi nghề từ khai thác ven bờ sang nuôi trồng hải sản và rong biển. Phải theo dõi, hướng dẫn, xử lý về chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác và quản lý, kiểm tra tàu cá tại cảng của các địa phương, đảm bảo tuân thủ các quy định về IUU.

"Tăng cường kiểm soát tàu cá rời cảng và về cảng. Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý quản lý tàu cá tại các địa phương. Tại các cảng cá, phải giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ, thu nhật ký, báo cáo khai thác và xác nhận nguồn gốc thủy sản. Mục tiêu phải gỡ được “thẻ vàng” trong quý 2 năm 2024”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con