Tiền đổ mạnh vào cổ phiếu blue-chips, VN-Index chạm mốc 1.300 điểm
Thị trường đột ngột tăng tốc rất nhanh trong khoảng 20 phút cuối của đợt khớp lệnh liên tục chiều nay. VN-Index tăng tới hơn 11 điểm (+0,93%) chỉ trong thời gian rất ngắn. Động lực đến từ nhóm VN30 khi chỉ số của rổ này tăng tới hơn 15 điểm (+1,09%) cùng thời gian. Sức kéo mạnh mẽ của các blue-chips lớn giúp VN-Index đóng cửa chạm 1.300,19 điểm, tăng chung cuộc 1,23% so với tham chiếu...
Thị trường đột ngột tăng tốc rất nhanh trong khoảng 20 phút cuối của đợt khớp lệnh liên tục chiều nay. VN-Index tăng tới hơn 11 điểm (+0,93%) chỉ trong thời gian rất ngắn. Động lực đến từ nhóm VN30 khi chỉ số của rổ này tăng tới hơn 15 điểm (+1,09%) cùng thời gian. Sức kéo mạnh mẽ của các blue-chips lớn giúp VN-Index đóng cửa chạm 1.300,19 điểm, tăng chung cuộc 1,23% so với tham chiếu.
Cuối cùng sau 4 tuần lễ giằng co, thị trường cũng đã vượt qua được đỉnh hồi tháng 3/2024. Nhịp kéo dứt khoát này vẫn phải trông cậy vào các mã lớn. Cổ phiếu ngân hàng có dấu ấn nổi bật trong phiên chiều.
VPB có màn bùng nổ ngoạn mục từ sau 2h. Chốt phiên sáng cổ phiếu này cũng đã rất mạnh với mức tăng 1,91%. Suốt nửa đầu phiên chiều VPB chỉ nhích thêm được 1 bước giá, nhưng đến cuối lại đột biến. Riêng chiều nay VPB đã tăng thêm tới 4,02%, đóng cửa trên tham chiếu 6,01%. Dòng tiền mua cực khỏe, đẩy thanh khoản cả ngày lên gần 1.309 tỷ đồng, trong đó riêng phiên chiều là 745,2 tỷ đồng, cao nhất rổ. Hôm nay là phiên có biên độ mạnh chưa từng thấy của VPB kể từ cuối tháng 10/2022. Vốn hóa của VPB cũng không quá lớn nhưng cũng đứng thứ 10 trong VN-Index, từ đó đóng góp khoảng 2,2 điểm cho chỉ số.
VCB, BID là hai cổ phiếu ngân hàng lớn nhất của VN-Index chiều nay cũng tăng thêm tương ứng 1,6% và 1,7%. Tiếc rằng hai mã này buổi sáng quá kém, VCB tăng không đáng kể còn BID thậm chí đỏ. Do đó biên độ mạnh chiều nay cũng chỉ giúp tăng vừa phải so với tham chiếu. Tuy vậy lợi thế vốn hóa khiến ảnh hưởng tới chỉ số rất tốt, cộng thêm gần 2,9 điểm. Loạt cổ phiếu ngân hàng khác tăng tốt chiều nay là MBB, ACB, CTG, HDB, SHB, TPB. Trong 10 cổ phiếu kéo điểm tốt nhất thị trường thì ngân hàng đóng góp 6 mã.
Chỉ số VN30-Index đóng cửa tăng 1,8% so với tham chiếu, độ rộng 26 mã tăng/4 mã giảm. Tình thế này ngược hoàn toàn so với buổi sáng khi chỉ số mới tăng 0,29% với 6 mã tăng/18 mã giảm. Thống kể cho thấy tất cả các mã trong rổ chiều nay đều khỏe hơn buổi sáng.
Sức mạnh của rổ VN30 một phần đến từ dòng tiền thay đổi. Tính riêng buổi chiều, giao dịch ở rổ này đạt gần 5.612 tỷ đồng, tăng 37% so với buổi sáng và chiếm hơn 51% lượng vốn tăng thêm của sàn HoSE. Nếu tính tổng cả phiên, rổ VN30 tăng không nhiều so với hôm qua, khoảng 3% do buổi sáng giao dịch kém, nhưng lại là nhóm duy nhất tăng thanh khoản. Rổ Midcap giảm 15%, Smallcap giảm 27% so với phiên trước. Thanh khoản rổ VN30 cả ngày cũng chiếm 48,1% mức khớp ở HoSE, là thị phần lớn nhất 35 phiên.
Thị trường nóng lên bất ngờ dĩ nhiên có ảnh hưởng rất tích cực đến các nhóm cổ phiếu khác. Sức mạnh lan tỏa rất rõ ràng: Thời điểm 2h chiều, trước khi đợt bùng nổ diễn ra, độ rộng VN-Index ghi nhận 180 mã tăng/234 mã giảm. Đến cuối đợt khớp lệnh liên tục là 303 mã tăng/128 mã giảm. Kết phiên thậm chí tốt hơn với 313 mã tăng/124 mã giảm. Diễn biến này cho thấy sự thay đổi giá tích cực của thị trường tâp trung hết vào 30 phút cuối.
Sàn HoSE đóng cửa có 123 cổ phiếu tăng hơn 1% với mức độ tập trung thanh khoản xấp xì 53% sàn. Gần một nửa số này (53 mã) tăng trên 2% xuất hiện khá nhiều giao dịch rất lớn như VPB, FPT, SSI, VIX, MBB, MSN, DGW. Hiệu ứng của dòng tiền chủ động đẩy giá lên rất rõ ràng khi phải vượt qua lượng bán khá dày, từ đó tạo thanh khoản cao.
Dù vậy tính chung cả phiên thì thanh khoản khớp lệnh hai sàn hôm nay cũng không đặc biệt, đạt 21.741 tỷ đồng, giảm gần 10% so với hôm qua. Sự thay đổi chính là cách mua.
Nhà đầu tư nước ngoài chiều nay cũng giảm vị thế bán ròng còn 180 tỷ đồng sau khi đã xả ròng 411,5 tỷ đồng trong buổi sáng. Dòng tiền trong nước áp đảo hoàn toàn và hấp thụ lượng bán của khối ngoại dễ dàng. Những mã bị bán ròng lớn là FPT -493,5 tỷ, VHM -184,5 tỷ, VRE -102,1 tỷ, VNM -89,6 tỷ, VPB -61,5 tỷ, KBC -38,9 tỷ. Bên mua có MBB +138,9 tỷ, MSN +88,8 tỷ, SSI +61,1 tỷ, SGN +40,6 tỷ, HAH +35,2 tỷ, KDH +21,8 tỷ.