TikTok đấu tranh cho sự sống còn tại Hoa Kỳ
Một cựu quan chức Bộ Tư pháp Hoa Kỳ dự đoán TikTok nhiều khả năng sẽ nhận thất bại trong cuộc đua pháp lý chống lại lệnh cấm ứng dụng tại nước này…
Có vẻ như tương lai của TikTok tại xứ sở cờ hoa đang dần hé lộ.
Đại diện nền tảng mạng xã hội nổi tiếng TikTok vừa có màn đối đầu với nhóm luật sư thuộc Chính phủ Hoa Kỳ vào ngày 16/9 (theo giờ địa phương) trong nỗ lực đấu tranh chống lại đạo luật có thể sớm dẫn tới lệnh cấm nền tảng này, theo Business Insider.
Dựa trên hàng loạt lập luận được hai bên đưa ra trước Hội đồng Thẩm phán Tòa phúc thẩm Quận Columbia, một chuyên gia pháp lý dự đoán tòa án có khả năng sẽ đưa ra phán quyết chống lại TikTok.
Ông Alan Rozenshtein, cựu quan chức Bộ Tư pháp, hiện là Phó Giáo sư tại Trường Luật Đại học Minnesota, nhận định Tòa phúc thẩm sẽ ra phán quyết "quyết đoán" và "toàn diện" chống lại TikTok.
Ông Rozenshtein cùng nhiều chuyên gia khác tin rằng vụ việc cuối cùng sẽ được đưa lên Tòa án Tối cao Hoa Kỳ.
TikTok và một số nhà sáng tạo nội dung đã đệ đơn kiện riêng vào tháng 5 vừa qua chống lại Chính phủ Hoa Kỳ, chỉ rõ lý do rằng luật mà Tổng thống Joe Biden đã ký vào tháng 4/2024 vi phạm quyền Tu chính án thứ nhất của người dùng.
LUẬT SƯ TIKTOK: LUẬT MỚI 'ÁP ĐẶT LỆNH CẤM NGÔN LUẬN ĐẶC BIỆT'
Luật mới từ chính quyền Tổng thống Joe Biden bắt buộc ByteDance, công ty mẹ của TikTok có trụ sở tại Bắc Kinh, sẽ có 9 tháng để rao bán hoạt động kinh doanh nền tảng chia sẻ video tại Hoa Kỳ cho tổ chức khác không đến từ Trung Quốc, nếu không sẽ bị xóa vĩnh viễn khỏi toàn bộ cửa hàng ứng dụng.
Phát ngôn viên từ Nhà Trắng giải thích quyết định thông qua luật nhằm giải quyết mối đe dọa tiềm tàng của TikTok đối với an ninh quốc gia.
Mối quan tâm chính của quan chức chính phủ là TikTok có thể bí mật cung cấp dữ liệu về người dùng cho chính quyền Bắc Kinh. Một số khác lo ngại rằng với 170 triệu người dùng Hoa Kỳ hàng tháng, ứng dụng nổi tiếng có thể trở thành công cụ tuyên truyền cho Chính phủ Trung Quốc.
Tất nhiên, các quan chức chưa đưa ra bằng chứng cụ thể nào để chứng minh cho lập luận trên.
Trong phần tranh luận diễn ra tại phiên tòa ngày 16/9, luật sư đại diện TikTok, ông Andrew Pincus, đã chỉ trích luật mới là "chưa từng có tiền lệ".
"Hiệu ứng của luật sẽ vượt ngoài sức tưởng tượng", ông Pincus nói thêm. "Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội nhắm mục tiêu rõ ràng vào tổ chức cụ thể tại Hoa Kỳ, tước bỏ quyền phát biểu của tổ chức cùng hơn 170 triệu người dùng".
Đại diện TikTok lập luận luật mới "áp đặt lệnh cấm ngôn luận đặc biệt dựa trên những rủi ro không xác định trong tương lai".
Mặt khác, Hội đồng Thẩm phán yêu cầu ông Pincus trình bày về mối quan hệ giữa TikTok với Trung Quốc và hỏi liệu Quốc hội có thể cấm một quốc gia nước ngoài sở hữu phương tiện truyền thông lớn tại Hoa Kỳ nếu hai nước "có chiến tranh" hay không.
Luật sư từ TikTok né tránh câu trả lời và tập trung vào vấn đề liên quan đến Tu chính án thứ nhất.
Ông Rozenshtein nhấn mạnh: "Vấn đề của TikTok là mỗi lần từ Trung Quốc được nhắc đến, điều đó lại khiến luật sư có màn thể hiện tệ hơn, và từ Trung Quốc được nhắc đến rất nhiều lần".
Luật sư đến từ Bộ Tư pháp Daniel Tenny, trong lập luận chính nhằm bảo vệ quan điểm, cho biết dữ liệu mà TikTok thu thập từ người dùng là dữ liệu "cực kỳ có giá trị đối với đối thủ nước ngoài đang cố gắng xâm phạm an ninh quốc gia Hoa Kỳ".
TikTok trước đây từng nhiều lần phủ nhận cáo buộc có quan hệ với Chính phủ Trung Quốc.
KẾT QUẢ CHƯA NGÃ NGŨ
Bà Sarah Kreps, nhà khoa học chính trị kiêm Giám đốc Viện Chính sách Công nghệ tại Đại học Cornell chia sẻ rằng thẩm phán có vẻ "hoài nghi" hơn về lập luận của TikTok, "nhưng cũng nêu ra loạt câu hỏi quan trọng về Tu chính án thứ nhất, ảnh hưởng của nước ngoài và tiêu chuẩn giám sát chưa được thể hiện rõ ràng".
"Sau khi nghe các lập luận trực tiếp, tôi càng chắc chắn rằng vụ việc sẽ kết thúc tại Tòa án Tối cao", bà Kreps nói. "Thách thức cơ bản nảy sinh là rất khó để xác định ranh giới giữa quyền tự do ngôn luận và an ninh quốc gia".
Ông Jameel Jaffer, Giám đốc Điều hành Viện Tu chính án thứ nhất Knight tại Đại học Columbia — đơn vị đã đệ trình đơn kiện nhằm ủng hộ TikTok — cũng dự đoán Tòa phúc thẩm liên bang sẽ không phải điểm dừng chân cuối cùng của vụ kiện.
Ông Jaffer cho biết: "Cuộc tranh luận ngày 16/9 một lần nữa xác nhận điều mà bất kỳ người dùng nào cũng có thể dự đoán trước rằng phán quyết duy trì lệnh cấm TikTok sẽ gây ra thiệt hại sâu sắc cho nền dân chủ đất nước và Tu chính án thứ nhất, bằng cách trao cho Chính phủ toàn quyền hạn chế việc tiếp cận thông tin, ý tưởng và phương tiện truyền thông từ nước ngoài của người dân Hoa Kỳ".
Vị Giám đốc bày tỏ "có rất nhiều lý do chính đáng để lo ngại về các chiến dịch truyền thông sai lệch từ nước ngoài hay hoạt động thu thập dữ liệu trên nền tảng truyền thông xã hội, nhưng Tòa phúc thẩm nên làm rõ việc Quốc hội cần giải quyết mối lo ngại thông qua luật minh bạch và quyền riêng tư thay vì hạn chế quyền Tu chính án thứ nhất của người dân".
TƯƠNG LAI CỦA TIKTOK TẠI HOA KỲ
Tỷ lệ ủng hộ lệnh cấm TikTok trong cộng đồng người dân Hoa Kỳ giảm dần xuyên suốt một năm rưỡi qua. Vào tháng 3/2023, cứ hai người trưởng thành thì có một người ủng hộ lệnh cấm TikTok, hiện con số giảm chỉ còn khoảng 32%, theo cuộc khảo sát do trung tâm nghiên cứu Pew thực hiện.
Sau khi Tòa phúc thẩm đưa ra phán quyết, vụ việc có thể được đưa lên Tòa án Tối cao. Dù vậy, chuyên gia Rozenshtein vẫn dự đoán TikTok sẽ không có kết quả tốt.
"Tôi không nghĩ TikTok sẽ không nhận được cái kết có hậu", vị Phó Giáo sư nhận định.
TikTok từ chối bình luận khi được hỏi về vụ kiện.