TikTok muốn trở thành "công ty đáng tin cậy nhất" trong bối cảnh lệnh cấm tại Mỹ tới gần

Sơn Trần
Chia sẻ

Giám đốc Điều hành TikTok phát biểu tại sự kiện thuộc Diễn đàn APEC rằng công ty tham vọng trở thành một trong những doanh nghiệp đáng tin cậy nhất thế giới…

TikTok tham vọng trở thành doanh nghiệp đáng tin cậy nhất thế giới.
TikTok tham vọng trở thành doanh nghiệp đáng tin cậy nhất thế giới.

TikTok mong muốn trở thành công ty đáng tin cậy về tự do ngôn luận, Giám đốc Điều hành Shou Zi Chew tuyên bố vào tuần trước, trong bối cảnh nền tảng truyền thông xã hội này phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ từ chính phủ Hoa Kỳ, Canada và châu Âu với cáo buộc đe doạ an ninh quốc gia.

"Chúng tôi đang làm mọi thứ trong khả năng để trở thành một trong những doanh nghiệp đáng tin cậy nhất thế giới", ông Chew cho biết, đồng thời nhấn mạnh TikTok sẵn sàng "tham gia với tất cả bên liên quan nhằm chia sẻ thông tin và xoa dịu nỗi lo".

Theo KrASIA, vị CEO đưa ra quan điểm trong bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC, sự kiện bên lề dành cho các Giám đốc Điều hành doanh nghiệp trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương diễn ra tại Peru.

"Một trong những mục tiêu cá nhân của tôi với tư cách Giám đốc Điều hành là đảm bảo TikTok giành được sự tin tưởng và khẳng định danh tiếng mạnh mẽ trong việc tác động tích cực đến xã hội", ông Chew bày tỏ.

Giám đốc Điều hành TikTok cũng hé lộ dự án trung tâm dữ liệu mới ở Na Uy, "không chỉ giúp công ty bảo mật thông tin cá nhân của người dùng châu Âu mà còn vận hành 100% bằng năng lượng tái tạo". TikTok cũng đầu tư 1,5 tỷ USD vào hệ thống bảo mật dữ liệu tại Hoa Kỳ và dự kiến chi thêm 12 tỷ EURO (12,6 tỷ USD) trong thập kỷ tới nhằm bảo vệ dữ liệu người dùng châu Âu.

Với việc TikTok đang đối mặt với lệnh cấm tại một trong những thị trường lớn nhất của hãng, Hoa Kỳ, nơi có hơn 170 triệu người dùng hoạt động, nhà lãnh đạo Chew đã thực hiện chuyến công du toàn cầu nhằm giành lợi thế tại một số thị trường mới nổi.

Thị trường Mỹ Latinh ngày càng trở nên quan trọng đối với TikTok, đặc biệt sau khi Hoa Kỳ thông qua luật cấm nếu chủ sở hữu Trung Quốc ByteDance không bán công ty trước ngày 19/1 tới. Hầu hết nhà lập pháp Mỹ từ cả hai Đảng đều cho rằng TikTok gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia vì thông tin công dân có thể được chia sẻ với chính phủ Trung Quốc.

Canada gần đây đã ra lệnh cho TikTok đóng cửa văn phòng tại nước này. Liên minh châu Âu cũng tiến hành mở cuộc điều tra chính thức đối với ứng dụng trong năm nay xoay quanh các biện pháp bảo vệ trẻ vị thành niên.

TikTok hiện có khoảng 163 triệu người dùng tại thị trường Mỹ Latinh, con số dự kiến tăng lên 173 triệu vào năm tới, theo ước tính từ Statista.

Trung Đông cũng là một thị trường quan trọng khác của ứng dụng. UAE và Ả Rập Xê Út đạt tỷ lệ thâm nhập TikTok cao nhất tính đến tháng 7/2024, với số lượng tài khoản gần bằng số lượng người trưởng thành ở hai quốc gia.

"Tôi nghĩ việc tạo dựng niềm tin tại thị trường địa phương sẽ là thách thức lớn đối với công ty, và với tất cả chúng ta", CEO Chew chia sẻ trong cuộc trò chuyện bên lề Hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai diễn ra tại Thủ đô Riyadh (Ả Rập Xê-út) vào cuối tháng 10 vừa qua.

TÍN HIỆU LẠC QUAN VỚI TIKTOK

Trong khi đó, việc ông Trump trở lại Nhà Trắng có thể mang lại cho TikTok hy vọng về tương lai tại thị trường Mỹ.

Dự luật bán hoặc cấm ứng dụng được Tổng thống Joe Biden ký vào tháng 4/2024, cho ByteDance thời gian thoái vốn khỏi TikTok đến ngày 19/1/2025, một ngày trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Mặc dù đứng sau nỗ lực ban đầu về việc cấm ứng dụng vào năm 2020, ông Trump lại thay đổi quan điểm trong chiến dịch tái tranh cử.

Bộ Tư pháp dưới thời Tổng thống Trump sẽ được giao nhiệm vụ thực thi lệnh cấm, nhưng có thể lựa chọn không phạt các nhà cung cấp internet và cửa hàng ứng dụng nếu không tuân thủ, về cơ bản là tiếp tục cho phép TikTok hoạt động tại quốc gia này. Thực tế, lệnh cấm TikTok rất khó triển khai vì đòi hỏi lượng lớn nguồn lực để theo dõi và trừng phạt những doanh nghiệp hay cá nhân vi phạm.

TikTok cũng đệ đơn phản đối dự luật. Tòa phúc thẩm Quận Columbia tiếp nhận xem xét vụ việc nhưng chưa ban hành phán quyết. Quyết định chính thức dự kiến sẽ được công bố vào tháng 12.

Theo hồ sơ, TikTok lập luận rằng lệnh cấm ứng dụng vi phạm các biện pháp bảo vệ Hiến pháp Hoa Kỳ về quyền tự do ngôn luận.

TikTok là "nền tảng vô song cho sự sáng tạo và tự do ngôn luận", CEO Chew khẳng định vào hôm 15/11. "Hơn một tỷ người dùng... Hãy tin tưởng chúng tôi có thể hỗ trợ và bảo vệ quyền tự do ngôn luận của mỗi người".

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con