TMS giảm mục tiêu lợi nhuận trong năm 2022, thoái vốn tại Nippon Express Việt Nam
Năm 2022, Công ty Cổ phần Transimex (HOSE: TMS) đặt kế hoạch doanh thu 3.455,21 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 500 tỷ đồng, cổ tức 20% và việc tiến hành thoái vốn tại Công ty liên doanh Nippon Express Việt Nam…
Theo thông tin công bố tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, kết thúc năm 2021, TMS ghi nhận tổng doanh thu tăng 87% lên 6.381 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng 97% lên 696 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 192% kế hoạch doanh thu và 172% kế hoạch lợi nhuận.
Trong năm 2021, công ty đã hoàn tất chuyển nhượng thêm 131.280 cổ phiếu Công ty Cổ phần Giao nhận Vận tải Miền Trung, nâng tỷ lệ biểu quyết lên 50,08%; mua thêm 15,6 triệu cổ phiếu Công ty Cổ phần Cảng Mipec, chiếm tỷ lệ lợi ích thông qua trực tiếp và gián tiếp là 35,86%; mua 2,16 triệu cổ phiếu Công ty Cổ phần Thủy Đặc Sản, chiếm tỷ lệ 20% vốn điều lệ.
THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN LOGISTICS BỀN VỮNG
Bước sang năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm của TMS là tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển logistics bền vững thông qua việc phát triển logistics xanh và hoàn thiện chuỗi cung ứng dịch vụ logistics mở rộng địa bàn trên phạm vi cả nước, tập trung đầu tư vào ngành nghề cốt lõi của Công ty; Triển khai thực hiện đầu tư giai đoạn 2 của Trung tâm Logistics Thăng Long; Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu cả về dịch vụ, tổ chức nhân sự tại công ty Transimex Hi-Tech Logistics và các công ty con.
Thêm vào đó, TMS sẽ cùng với các đối tác đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án Trung tâm Logistics Vĩnh Lộc, Kho lạnh tại Bến Lức, Long An cũng như chuẩn bị cho việc khai thác dịch vụ sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng; Tiến hành đàm phán và thực hiện các công việc để thoái vốn khoản đầu tư khỏi Công ty liên doanh TNHH Nippon Express Việt Nam.
Được biết, tính tới 31/12/2021, TMS đang sở hữu 50% vốn điều lệ, tương ứng 683,6 tỷ đồng tại Nippon Express. Đây là khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết lớn nhất của công ty.
MỤC TIÊU LỢI NHUẬN GIẢM NHƯNG CỔ TỨC TĂNG
Mặc dù có chiến lược rõ ràng cùng với đạt kết quả tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khá cao trong năm 2021, nhưng TMS vẫn thận trọng với kế hoạch kinh doanh năm 2022. Cụ thể, kế hoạch doanh thu năm 2022 là 3.455,21 tỷ đồng và và lợi nhuận trước thuế là 497,84 tỷ đồng, lần lượt bằng 54,1% và 71,5% so với thực hiện trong năm 2021. Tuy nhiên, cổ tức dự kiến tăng thêm 5% so với 2021, lên 20% bằng tiền mặt và/hoặc cổ phiếu.
Trả lời chất vấn của cổ đông tại sao kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2022 giảm so với năm 2021? ông Bùi Tuấn Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị TMS cho biết: kế hoạch kinh doanh năm 2022 giảm so với năm 2021 chủ yếu do đánh giá tình hình kinh doanh, hoạt động logistics, toàn cầu do ảnh hưởng giữa cuộc xung đột Nga-Ukraine, chuỗi đứt gãy không còn nữa, chuỗi cung ứng sẽ hồi phục như thế nào là khó dự đoán, công ty phụ thuộc vào đối tác Nhật, công ty phải lấy và xây dựng kế hoạch theo đối tác.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, năm 2021, TMS thông qua kế hoạch cổ tức 15% bằng cổ phiếu. Ngoài ra, công ty còn thông qua phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 15%. Như vậy, tổng tỷ lệ phát hành thêm dự kiến là 30%, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 30 cổ phiếu mới, dự kiến thực hiện trong năm 2022.
Ngoài ra, TMS tiếp tục thông qua việc phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu với lãi suất 6%/năm, kỳ hạn 2 năm với giá chuyển đổi bằng 80% giá trị sổ sách nhưng không cao hơn 15.000 đồng/cổ phiếu.
Công ty thực hiện miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị đối với ông Masafumi Inoue (quốc tịch Nhật Bản) từ ngày 28/4. Đồng thời, công ty bổ nhiệm ông Toshiyuki Matsuda vào thành viên Hội đồng quản trị.
Năm 2022, TMS lên kế hoạch đầu tư mở rộng kinh doanh ra phía Bắc; hiện Công ty đang theo đuổi dự án 20 - 30 ha đất khu vực phía Bắc nhưng chưa có giấy phép nên chưa công bố. Tại Đà Nẵng, Công ty cho Công ty vận tải Miền Trung vay vốn để khai thác. Phía Nam, Công ty đã tham gia đấu thầu, thuê 8 ha đất nhưng chưa công bố vì chưa hoàn thành đàm phán.