Top 1 thị phần môi giới song biên lợi nhuận VPS luôn thua xa TCBS, VND, FTS
Biên lợi nhuận môi giới của VPS thua xa TCBS, FTS, VND, KIS, HSC, VCSC và ngang với mức trung bình của ngành khoảng 18%.
Vào Q2/2023, lợi nhuận gộp của 30 công ty chứng khoán hàng đầu đạt xấp xỉ 8.800 tỷ đồng tăng 38,5% so với quý trước chủ yếu nhờ lãi hoạt động đầu tư tăng đột biến, theo thống kê từ VnDirect.
Đáng chú ý là lợi nhuận gộp hoạt động môi giới có xu hướng giảm khi đóng góp của mảng này giảm xuống chỉ còn 6,5% tổng lợi nhuận gộp toàn ngành trong Q2/23. Môi trường kinh doanh cạnh tranh cao giữa các công ty dịch vụ tài chính để tìm kiếm khách hàng mới. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận môi giới của ngành đã tăng trở lại mức 21% sau khi chạm đáy ở mức 10% trong Q1/23 nhờ sự phục hồi của thị trường.
Với gần 90 công ty chứng khoán trên thị trường, ngành chứng khoán đang rất phân mảnh. Top 5 công ty chứng khoán có thị phần lớn nhất tại HOSE trong Q2/23 bao gồm: Chứng khoán VPS (VPS), SSI, VND, Chứng khoán Techcom (TCBS) và Chứng khoán Mirae Asset (MAS).
Cùng với sự gia tăng của các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán trong Q2/23, các công ty chứng khoán có lợi thế về tệp khách hàng cá nhân lớn đã có sự cải thiện về thị phần so với quý trước, cụ thể là VPS, VND và MBS. Trong khi đó, các công ty chứng khoán có tỷ trọng nhiều về nhà đầu tư tổ chức lại giảm thị phần so với quý trước như HSC, VCI.
Mặc dù là một cái tên nổi bật trong mảng môi giới, VPS đã ghi nhận lợi nhuận gộp từ hoạt động môi giới trong giai đoạn 2020-22 thấp hơn nhiều do chiến lược chi mạnh tay cho mảng môi giới, gồm phí giao dịch thấp và hoa hồng hấp dẫn cho các chuyên viên môi giới. Trong khi đó, TCBS với chiến lược tập trung vào số hóa và mô hình hoạt động không môi giới giúp giảm thiểu chi phí trung gian cũng như tăng biên lợi nhuận mảng này.
Biên lợi nhuận của VPS cũng thua xa TCBS, FTS, VND, KIS, HSC, VCSC và ngang với mức trung bình của ngành khoảng 18%.
Đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, một số công ty cũng đã giảm phí giao dịch bằng cách thực hiện “chính sách phí 0 đồng” như SSI, VND hoặc tặng tiền mặt cho tài khoản mở mới để thu hút khách hàng mới.
Theo VnDirect, chính sách phí 0 đồng sẽ là một trong những yếu tố thay đổi cuộc chơi để định hình hoạt động kinh doanh dịch vụ tài chính trong tương lai. Do đa phần người dân chưa có sự tham gia sâu vào thị trường vốn, các nhà đầu tư cá nhân sẽ có xu hướng chọn công ty cung cấp gói phí hấp dẫn nhất hoặc giao diện người dùng thân thiện nhất.
Ngoài ra, các công ty chứng khoán có thể tối ưu doanh thu từ tệp khách hàng bằng cách bán chéo các sản phẩm tài chính khác như trái phiếu, cho vay ký quỹ, qua đó bù đắp cho sự sụt giảm thu nhập từ phí môi giới.
Trước tình hình này, lợi thế thuộc về các công ty chứng khoán có lượng khách hàng cá nhân lớn như SSI, MBS với lợi thế cạnh tranh là tệp khách hàng cá nhân lớn để tăng thị phần trong tương lai. Bên cạnh đó, mức độ số hóa sẽ là yếu tố quyết định công ty nào sẽ có sự cải thiện lớn nhất về thị phần.
Một số công ty chứng khoán đã tung ra nhiều sản phẩm dựa trên công nghệ để hỗ trợ và tư vấn cho nhà đầu tư như trí tuệ nhân tạo (AI), môi giới ảo và sao chép giao dịch. Ví dụ: sản phẩm i-Invest của BSI sử dụng dữ liệu giao dịch, chỉ số tài chính và chỉ số định giá để giới thiệu cổ phiếu tiềm năng cho nhà đầu tư. TCBS và MBS cũng cung cấp dịch vụ sao chép giao dịch, cho phép nhà đầu tư sao chép hoạt động giao dịch của nhà đầu tư khác.
Trong thời gian còn lại của năm 2023, kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận của mảng môi giới sẽ cải thiện nhờ thanh khoản thị trường tốt hơn. Tuy nhiên, với mật độ cạnh tranh ngày càng chặt chẽ, lợi nhuận của các công ty môi giới sẽ phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động cho vay ký quỹ và hoạt động đầu tư. Do đó, các công ty có tỷ lệ khách hàng bán lẻ cao, tỷ lệ cho vay ký quỹ /Vốn chủ sở hữu thấp và hoạt động đầu tư lành mạnh sẽ có thể nắm bắt cơ hội trong quá trình phục hồi của thị trường và ghi nhận khả năng phục hồi lợi nhuận tốt hơn so với các công ty cùng ngành.
Về hoạt động tăng vốn, hầu hết các công ty chứng khoán đang duy trì CAR (tỷ lệ an toàn vốn) ở mức cao hơn nhiều so với ngưỡng yêu cầu. Tuy nhiên, do tỷ lệ tối đa đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp được quy định ở mức 70%, hầu hết các công ty dịch vụ tài chính đều tham vọng tăng vốn để chớp lấy cơ hội tiếp xúc nhiều hơn trong một thị trường đang phát triển.