TP.HCM cần quyết liệt hơn để giữ vững vùng an toàn
TP.HCM cần có những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn để giữ vững vùng an toàn, cũng như chuyển nhanh vùng nguy cơ sang vùng an toàn ở tất cả các quận, huyện...
Chiều 2/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã giao ban trực tuyến ngắn với lãnh đạo TP.HCM, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19.
TĂNG TỐC TIÊM VACCINE TRONG THỜI GIAN GIÃN CÁCH
Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố đã siết chặt thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg theo phương châm “Rõ - Nghiêm – Chắc – Hiệu quả”, bảo đảm thực hiện đồng bộ trên địa bàn, quy định rõ 7 nhóm đối tượng được phép ra đường từ 18h đến 6h sáng hôm sau…Cùng với đó, số phương tiện tham gia giao thông giảm 79% so với thời điểm trước khi thực hiện Chỉ thị 16.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, trong thời điểm vừa qua, việc áp dụng Chỉ thị 16 của thành phố đã đạt được hiệu quả nhất định, đặc biệt, công tác thu dung, điều trị bệnh nhân theo đúng tinh thần giảm ca mắc, giảm ca tử vong và tăng cường tốc độ tiêm vaccine.
“Công tác điều trị tương đối ổn, chúng ta cũng có thể đảm đương được trong những tình hình khi số lượng những trường hợp nguy kịch và nặng tăng lên”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Lãnh đạo TP.HCM cũng thông tin, TP.HCM đang tận dụng thời điểm giãn cách xã hội để tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt 5 cho người dân với 821.000 liều, từ ngày 22/7-1/8. Thành phố đã đơn giản hóa quy trình và đội hình, huy động lực lượng y tế tư nhân, mở rộng 1.200 điểm để tiêm cho nhiều người, phấn đấu trong tháng 8/2021 sẽ đẩy nhanh tiến độ, tiêm được mũi 1 cho khoảng 70% dân số trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, để bảo đảm tiến độ và kế hoạch tiêm chủng, TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế phân bổ vaccine liên tục cho thành phố.
Về vấn đề này, Bộ Y tế khuyến nghị, dựa trên điều kiện thực tiễn của TP.HCM sẽ giảm bớt quy trình, thời gian theo dõi sau tiêm, đã áp dụng trong đợt tiêm chủng vaccine vừa qua và tốc độ tiêm chủng đã được tăng.
Ban Chỉ đạo cho rằng, TP.HCM đã thực hiện giãn cách nghiêm, chặt hơn và đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine. TPHCM đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế cấp tối thiểu 4 triệu liều vaccine trong tháng 8/2021, tuy nhiên, Ban Chỉ đạo yêu cầu thành phố phải có kế hoạch cụ thể đến từng ngày với phương án cao nhất và phương án bình thường để Bộ Y tế chủ động cân đối nguồn vaccine.
CÓ BIỆN PHÁP MẠNH ĐỂ GIỮ VỮNG VÙNG AN TOÀN
Ban Chỉ đạo cũng đánh giá, thời gian qua, TP.HCM đã làm tốt, ngày càng chú ý hơn trong việc giữ vùng an toàn (vùng xanh), chuyển vùng nguy cơ (vùng vàng) thành vùng an toàn xanh. Ban Chỉ đạo đề nghị thành phố có những biện pháp làm mạnh mẽ, quyết liệt hơn để giữ vững vùng xanh, chuyển nhanh vùng vàng ở tất cả các quận, huyện.
Từ kinh nghiệm của TP.HCM và một số tỉnh khác, để sẵn sàng cho tình huống dịch lan rộng hơn, Ban Chỉ đạo cũng giao Bộ Y tế hướng dẫn các tỉnh, thành phố còn ít ca nhiễm tiếp tục kiện toàn hoạt động của Tổ Covid19 cộng đồng, ngoài việc giám sát thực hiện phòng, chống dịch ở khu dân cư, phát hiện người từ nơi khác về… và sẵn sàng có trợ giúp y tế ban đầu.
Các tỉnh còn ít ca nhiễm cần thực hiện ngay việc hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm; tập huấn, thí điểm cách ly tại nhà đối với F1, giữ cho lực lượng y tế không bị quá tải khi dịch diễn biến phức tạp hơn nữa.
Các địa phương sớm chuẩn bị trung tâm thu dung F0 không triệu chứng, chăm lo đầy đủ sức khỏe và tinh thần để giảm thấp nhất tỷ lệ chuyển sang F0 có triệu chứng; thành lập các cơ sở điều trị có triệu chứng nhẹ phải có hệ thống ô xy tập trung, máy thở ô xy dòng cao… Bộ Y tế hướng dẫn kỹ các địa phương tổ chức hệ thống điều trị theo mô hình 5 lớp từ kinh nghiệm của TP.HCM.
Ban Chỉ đạo lưu ý các tỉnh cần thiết lập hệ thống đường dây nóng có đủ năng lực tiếp nhận, xử lý đầy đủ thông tin cần trợ giúp về sức khoẻ của của người dân, không chỉ liên quan đến Covid-19.
Các địa phương tăng cường thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, để nắm tất cả những người từ nơi khác về, có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp.